Theo diễn văn của ông Trần Thanh Lâm ngày 10/10, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng đổi mới.

Diễn văn do Phó ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam và gặp gỡ tuyên dương những người làm xuất bản tiêu biểu (10/10/1952-10/10/2022).

Xuất bản cách mạng Việt Nam (bao gồm cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành) ra đời trong những ngày cách mạng còn non trẻ, từng bước trưởng thành và vươn lên trở thành nền xuất bản độc lập, tự chủ, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng. Để ghi nhận những đóng góp, tôn vinh những thế hệ người làm công tác xuất bản, trước hết, chúng ta cùng nhau điểm lại những mốc son trên chặng đường phát triển của Xuất bản cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ trước Cách mạng Tháng tám 1945

Đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam trải qua những biến động xã hội sâu sắc do tác động của quá trình khai phá thuộc địa của chủ nghĩa tư bản – thực dân Pháp cùng các cuộc vận động canh tân trong nước và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong bối cảnh đó, đi cùng với trào lưu tư tưởng tiến bộ, yêu nước, một khuynh hướng xuất bản mới, nhân văn, tiến bộ, cách mạng đã ra đời với mốc son là các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các bậc tiền bối cách mạng mà tiêu biểu nhất là tác phẩm Đường Kách mệnh xuất bản tại Quảng Châu – Trung Quốc năm 1927, tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chỉ ra con đường nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập.

Để rồi từ đây, theo dấu chân đầy gian khó và hy sinh của những nhà cách mạng, đã lần lượt xuất hiện những cơ sở xuất bản cách mạng đầu tiên như: Xưởng in Lê Văn Tân, Xưởng in Rạng Đông, Hiệu sách Đồng Xuân ở Hà Nội, Nhà xuất bản Tân Thanh, Hiệu sách Hương Giang ở Huế, Nhà xuất bản Tư tưởng mới, Hiệu sách Việt Quang ở Đà Nẵng, Nhà sách Tân văn hoá ở Sài Gòn và rất nhiều xưởng in, nhà sách theo khuynh hướng tiến bộ khác trên cả nước. Tất cả mở đầu cho việc hình thành một nền xuất bản mới – Xuất bản cách mạng.

Thời kỳ từ 1945 đến năm 1975

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Đảng định hướng rõ mục tiêu xây dựng nền văn hóa mới với tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng và xác định rõ việc xây dựng nền văn hóa mới phải đi liền với đánh đổ nền văn hóa nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Từ định hướng quan trọng đó, các bộ phận xuất bản, in ấn, phát hành được kiện toàn và dần đi vào hoạt động ổn định.

Từ năm 1945 đến năm 1951, nhiều nhà xuất bản, xưởng in đã được thành lập như: Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Văn hoá cứu quốc, Nhà in Tiến bộ, Nhà xuất bản Quân du kích, Nhà xuất bản Vệ quốc quân. Các xưởng in Quân đội, Xưởng ấn I (tách từ Nhà in Tiến Bộ) cũng được hình thành trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn tại ATK Việt Bắc trong giai đoạn này.

Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn quyết định, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đòi hỏi về sách báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, ngày 10 tháng 10 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. Lần đầu tiên ngành Xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới, một nền móng để ngành Xuất bản cách mạng lớn mạnh và phát triển. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn ngành đã xuất bản được 31 nghìn tên sách với 529 triệu bản sách. Đây là minh chứng cho sự lớn mạnh của Ngành, khẳng định những đóng góp to lớn, quan trọng của Ngành vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và cũng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, nhiều cán bộ – chiến sĩ làm công tác xuất bản, in và phát hành đã theo tiếng gọi non sông lên đường ra trận, nhiều người đã anh dũng hi sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Thời kỳ từ 1975 đến 1986

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành xuất bản bước vào một giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nâng cao năng lực hoạt động xuất bản được 22 nghìn tên sách với 533 triệu bản sách. Thông qua các xuất bản phẩm, Ngành đã làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, cung cấp tri thức cho xã hội trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh và khẳng định chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó đặt nền tảng vững chắc cho một giai đoạn đổi mới sâu sắc và toàn diện của những năm tiếp theo.

Thời kỳ từ 1986 đến nay

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế do Đảng phát động, sau những lúng túng ban đầu, Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam đã phát triển ổn định, có nhiều nỗ lực vươn lên, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định vị thế, vai trò là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới.

Từ quốc gia thiếu sách vào những năm 80 – 90 thế kỷ XX với năng lực sản xuất vào khoảng trên 2.000 đầu sách/năm, bình quân sách/người đạt 0,8 bản, toàn ngành đã vươn lên phát triển cả về quy mô, trình độ, năng lực với hệ thống gồm 57 nhà xuất bản, trên 2.300 cơ sở in, trên 2.000 doanh nghiệp phát hành, gần 13.000 điểm phát hành trên cả nước; đã xuất bản khoảng 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 4,4-4,5 bản, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đặc biệt những năm gần đây, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng đổi mới. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành mở rộng chức năng xuất bản, phát hành sách điện tử, nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhiều cơ sở in quy mô, hiện đại ngang tầm khu vực được xây dựng, tạo dựng diện mạo mới cho Ngành xuất bản, in và phát hành.

4 trên 5 cán bộ lão thành đến nhận biểu trưng tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.

Tiếp nối truyền thống lan tỏa tri thức

Đạt được những thành tích trên, trong suốt chặng đường phát triển của mình, dù ở thời kỳ nào, Ngành xuất bản, in và phát hành sách luôn được đón nhận tình cảm, sự quan tâm chỉ đạo, chăm lo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, từng bước phát triển vững mạnh. Ngay trong sự kiện trọng đại này, Ngành đã vinh dự đón nhận Thư chúc mừng của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được Đồng chí Chủ tịch Quốc hội gặp mặt, chúc mừng, được Đồng chí Thường trực Ban Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm trọng thể này.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam và gặp mặt, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu chính là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang đầy tự hào của Ngành; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành động viên, ghi nhận, biểu dương, giao nhiệm vụ. Đây cũng là cơ hội để những người làm xuất bản qua các thế hệ giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Để lựa chọn các đại biểu tiêu biểu, ưu tú về dự Lễ Kỷ niệm và cuộc gặp mặt, tuyên dương đầy ý nghĩa này, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành ủy là cơ quan chủ quản nhà xuất bản và Hội Xuất bản, Hiệp hội in đề cử, giới thiệu người làm xuất bản tiêu biểu. Sau quá trình rà soát, thẩm định kỹ lưỡng các hồ sơ, báo cáo thành tích, Ban Tổ chức đã quyết định lựa chọn 86 đại biểu tiêu biểu có thành tích nổi bật, đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao.

Về cơ cấu đại biểu khá toàn diện: đại biểu đại diện các cơ quan xuất bản ban, bộ, ngành, đoàn thể, hội ở Trung ương, cơ quan xuất bản địa phương; đại biểu đại diện cho cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản; cho cả 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành sách và cơ sở đào tạo, đơn vị thư viện… Trong đó: khối cơ quan xuất bản có 54 đại biểu (chiếm khoảng 66%); khối cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ sở đào tạo, thư viện là 17 đại biểu (chiếm 20%); cơ sở phát hành có 10 đại biểu (chiếm 12%); khối in 05 đại biểu (chiếm 6%); 31 đại biểu nữ (chiếm 36%); có 03 đại biểu trẻ dưới 35 tuổi (chiếm 3%).

Chúng ta vui mừng tôn vinh và dành tình cảm đặc biệt đối các cán bộ, thế hệ đi trước – những người có nhiều đóng góp quan trọng, dành nhiều tâm huyết và sức lực cho sự phát triển của Ngành xuất bản cách mạng thời gian qua.

Tiêu biểu đó là đồng chí Huỳnh Văn Bé, Anh hùng Lao động lao động thời kỳ đổi mới, Lão thành ngành in Tây Nam Bộ; đồng chí Phan Khắc Hải, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, Nguyên Chủ tịch đầu tiên của Hội Xuất bản Việt Nam; đồng chí Đinh Xuân Dũng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), người đã có đóng góp nổi bật trong công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản; đồng chí Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ – người sáng lập mô hình Đường sách Hồ Chí Minh, được trao “Giải thưởng Thành tựu trọn đời trong xuất bản” (tại hội thảo Xuất bản châu Á thường niên lần thứ tư, năm 2010); đồng chí Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam với rất nhiều đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành in trong những năm qua.

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, rất nhiều người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách hôm nay đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để góp sức mình vào sự phát triển đơn vị nơi đang công tác nói riêng, cũng như sự nghiệp xuất bản cách mạng nói chung, đáp ứng những nhiệm vụ, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong giai đoạn mới. Đó là đồng chí Cù Thị Thúy Lan, Trưởng ban Ban sách Quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, người đã cùng Ban sách Quốc tế Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật biên tập, xuất bản nhiều đầu sách hay, có chất lượng, có giá trị, được trao giải Sách Hay, sách Đẹp, Giải thưởng sách Quốc gia trong những năm qua; từng được nhận Bằng khen của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào năm 2013. Đó là bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc điều hành Công ty Văn hóa Chibooks, là một trong những người Việt Nam đầu tiên mua bản quyền sách nước ngoài vào Việt Nam, người đầu tiên tổ chức triển lãm sách Việt Nam tại Trung Quốc; từng 02 lần được đề cử giải Cống hiến đặc biệt cho ngành Xuất bản (giải do Bộ Văn hóa Trung Quốc, Tổng cục Xuất bản – Phát thanh và Truyền thông Trung Quốc tổ chức).

Và còn rất nhiều, rất nhiều người làm công tác xuất bản khác không đến với Lễ Kỷ niệm hôm nay; vẫn đang âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng, tâm huyết cho sự phát triển của Ngành, của đất nước. Họ đã tiếp nối được truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, xứng đáng được tri ân, ghi nhận.

Tiếp nối tinh thần, ý nghĩa của Lễ Kỷ niệm hôm nay, với truyền thống 70 năm đầy tự hào, những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách tiêu biểu được vinh danh và những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách cả nước tiếp tục đoàn kết một lòng vững vàng, tự tin đổi mới, sáng tạo không ngừng để đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xuất bản cách mạng Việt Nam.

nguồn: zingnews