Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, xuất bản Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất ổn định. Một chiến lược sách quốc gia là điều đã được các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản nêu lên từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành hình.

Xuất bản Việt Nam cần chiến lược dài hạn để có thể thu hút nhiều đối tượng độc giả
Xuất bản Việt Nam cần chiến lược dài hạn để có thể thu hút nhiều đối tượng độc giả

Phân hóa trong xuất bản

Hiện nay, cả nước có 59 nhà xuất bản (NXB), nếu chỉ thuần túy nhìn vào con số thì Việt Nam có số NXB ở mức trung bình so với khu vực. Thực tế, các NXB ở Việt Nam hiện đang chia làm 3 nhóm: nhóm đầu gồm 4 NXB kinh doanh có hiệu quả, có vốn để đầu tư làm sách; nhóm thứ 2 gồm khoảng 10 NXB duy trì ở mức tạm ổn, có lợi nhuận nhưng không nhiều; các NXB thuộc nhóm cuối cùng, yếu cả về vốn lẫn nhân lực. Sự phân chia này còn thể hiện rõ hơn ở việc liên kết xuất bản, các NXB nhóm đầu mức liên kết xuất bản rất thấp, tối đa chỉ khoảng 10% – 20% số sách xuất bản; nhóm thứ 2, ở mức 40% – 50%; nhóm cuối, lên đến 80 – 90%. Cá biệt có NXB số sách kiên kết lên đến 100%, nghĩa là NXB không xuất bản sách mà chỉ làm dịch vụ cho đối tác.

Hệ lụy rất rõ ràng, các đối tác liên kết xuất bản là những doanh nghiệp làm sách, họ có tiêu chí, mục tiêu riêng nhưng về cơ bản vẫn là lợi nhuận trong kinh doanh. Chính điều này đã làm xuất hiện một khuynh hướng xuất bản theo trào lưu, sách nào ăn khách, có tỷ suất lợi nhuận cao là các đơn vị làm sách đổ xô vào thực hiện. Điều này không sai đối với nhu cầu kinh doanh của các đơn vị làm sách nhưng lại gây mất cân đối trong thị trường xuất bản, làm nảy sinh hiện tượng thừa sách như đã xảy ra với dòng sách hồi ký, tự truyện, khởi nghiệp, làm giàu, tản văn… Và do khả năng tài chính có hạn nên khi dồn vào các dòng sách này, các đơn vị không còn đủ lực để thực hiện dòng sách khác, dẫn đến việc hụt các mảng sách như văn học, quảng bá văn hóa, kiến thức xã hội…

Không những thế, việc phân hóa trong xuất bản còn thể hiện ở cả hoạt động khuếch trương xuất khẩu sách. Xuất bản Việt Nam tham dự các hội chợ sách quốc tế thời gian qua thường mang tính tạm thời, do Cục Xuất bản và Hội Xuất bản đứng ra kêu gọi một số đơn vị xuất bản, phát hành chung tay thực hiện. Việc giới thiệu sách vì thế cũng không mang tính cụ thể mà thường bao quát, chung chung, dồn nhiều vào các loại sách quảng bá văn hóa, con người Việt Nam nhưng lại thiếu đi những đầu sách mà bạn đọc quan tâm.

Cần một hướng đi cụ thể

Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra Hội sách Bản quyền Hàn Quốc với sự tham gia của 23 NXB Hàn Quốc. Hội sách trên thực tế là cuộc quảng bá sách của Hàn Quốc đến với các NXB Việt Nam nhằm mở rộng thị trường xuất bản. Điều đáng nói là hoạt động này nằm dưới sự điều hành tổng thể của Viện Chấn hưng công nghiệp văn hóa xuất bản Hàn Quốc. Trước đó, viện cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, tọa đàm, giới thiệu sách Hàn Quốc đến với bạn đọc Việt Nam. Ngay tại hội sách, bên cạnh sách còn có sự tham gia của Hiệp hội Tạp chí Hàn Quốc với hơn 200 tạp chí được giới thiệu, tạo nên sự đa dạng cho hội sách.

Để làm được điều này, theo đại diện của Viện Chấn hưng công nghiệp văn hóa xuất bản Hàn Quốc, họ có một chiến lược tổng thể về xuất bản, trong đó đưa sách ra nước ngoài là một phần quan trọng. Cũng nhờ đó, họ có thể tập trung các đơn vị xuất bản, san sẻ trách nhiệm, phát huy ưu điểm của các đơn vị. Thực tế, không phải NXB nào của Hàn Quốc cũng mạnh, nhiều đơn vị xuất bản về thế và lực đều thua sút các NXB Việt Nam nhưng nhờ có kế hoạch tổng thể, họ vẫn có thể tham dự để giới thiệu các sách đặc trưng riêng.

Ở khu vực Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đều có chiến lược sách cụ thể. Như ở Malaysia, đã thành lập Ủy ban Sách quốc gia Malaysia với mục tiêu triển khai chiến lược sách quốc gia, phát triển văn hóa đọc, làm tăng nhu cầu đọc sách của người dân. Ở Indonesia cũng xây dựng một chiến lược sách tổng thể và thậm chí đầu tư rất nhiều, như việc năm 2015 họ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên làm khách mời danh dự của Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt (Đức), một trong những hội chợ sách lớn nhất thế giới.

Ở Việt Nam, chúng ta liên tục kêu gọi xây dựng văn hóa đọc, nâng cao nhu cầu đọc sách của người dân. Thế nhưng, làm sao để người dân quan tâm hơn đến sách lại không có một định hướng cụ thể. Đại diện Vụ Báo chí Xuất bản nêu lên một thực tế là hiện nay truyền thông nhắc nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng ngành sách lại có rất ít sách về đề tài này. Các đơn vị làm sách rất rụt rè do không chắc mảng sách này có mang lại lợi nhuận hay không, trong khi lại không có một chiến lược nào hỗ trợ trong việc xuất bản, quảng bá.

Chính vì vậy, một lần nữa vấn đề chiến lược xuất bản lại được nêu ra với mong muốn, ngành xuất bản Việt Nam sẽ có được một hướng đi cụ thể, tập hợp được sức mạnh của toàn ngành, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, bạn đọc và thậm chí hướng đến xuất khẩu sách ra các nước, điều mà đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

TƯỜNG VY/SGGPO