Bất kể những giá trị truyền thống làm nên nước Mỹ giàu mạnh đã bị xói mòn nghiêm trọng kể từ những năm 1960, khảo sát cho thấy nước Mỹ vẫn là một quốc gia có nền tảng tín ngưỡng mạnh và đứng đầu trong số các nước dân chủ giàu có ở phương Tây.

(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Thực tế, người Mỹ cầu nguyện thường xuyên hơn, có xu hướng tham dự các hoạt động tín ngưỡng hàng tuần và xem trọng đức tin trong cuộc sống hơn so với người ở các nước dân chủ phương Tây giàu có khác, như Canada, Úc và đa số các nước châu Âu, theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Pew.

Ví dụ, hơn 1/2 người trưởng thành ở Mỹ (55%) nói rằng họ cầu nguyện mỗi ngày, so với 25% ở Canada, 18% ở Úc và 6% ở Anh Quốc. Tỷ lệ này ở châu Âu trung bình khoảng 22%.

Thật ra, trong vấn đề thói quen cầu nguyện, người Mỹ lại khá giống với người ở nhiều quốc gia đang phát triển, ví như Nam Phi (52%), Bangladesh (57%) và Bolivia (56%).

Interesting chart. Out of 102 countries analyzed, U.S. is the only one which has both above average rate of daily prayer and above average GDP https://t.co/FvK0lhYWi3 pic.twitter.com/xdxK6hD2oM

— Greg Smith (@GregSmith_Polls) July 31, 2018

55% người Mỹ cầu nguyện mỗi ngày. Đó là con số đi ngược lại đường xu hướng chung.

Đặc biệt, Hoa Kỳ là nơi duy nhất trong 102 quốc gia được nghiên cứu khảo sát có tỷ lệ cao về cả cầu nguyện và giàu có. Trong tất cả các quốc gia khác có thu nhập trên đầu người hằng năm trên 30.000 USD, tỷ lệ người trưởng thành cầu nguyện mỗi ngày đều không quá 40%.

Xu hướng “đi ngược dòng” này của Mỹ trong vấn đề tín ngưỡng từ lâu đã gây tò mò cho nhiều nhà nghiên cứu xã hội. Ví dụ, nhà tư tưởng chính trị của Pháp thế kỷ 19 – Alexis de Tocqueville – đã thảo luận rất sâu về vai trò to lớn của tín ngưỡng trong xã hội Mỹ trong quyển sách nổi tiếng “Nền Dân Trị Mỹ” (Democracy in America). Tocqueville đưa ra luận cứ chứng minh rằng những người di cư tới châu Mỹ thời kỳ đầu chính là những tín đồ Thanh giáo, họ vì muốn có tự do tín ngưỡng mà đã vượt biển đến Tân thế giới. Chính lập trường Thanh giáo của những người di cư đã thiết lập nền tảng vững chắc cho nền dân chủ ở Mỹ.

Theo một số nhà xã hội học hiện đại, chính “thị trường” tín ngưỡng tự do và không bị kiểm soát của Mỹ, nơi người ta có thể tự do theo đuổi các niềm tin khác nhau mà không bị chính phủ tác động, đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho tín ngưỡng tâm linh.

Năm 2015, Trung tâm Pew cũng tiếp hành một khảo sát tương tự, cho thấy một tỷ lệ cao (53%) người Mỹ cho biết tín ngưỡng “rất quan trọng” trong cuộc sống của họ. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác như Pháp (11%), Nhật (10%). Đáng chú ý, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 3%.

People in Europe and East Asia say religion is not very important to them

Kết quả khảo sát 2018 cho thấy, có 70% tổng số người dân Mỹ theo Cơ-đốc giáo, gần 2% theo Do Thái giáo, tổng cộng là gần 3/4 người có tôn giáo.

Nhưng cho dù nước Mỹ có tín ngưỡng tôn giáo mạnh hơn các quốc gia giàu có khác, nó cũng không tránh khỏi xu hướng phi tôn giáo đang quét qua thế giới phương Tây. Các nghiên cứu Pew trước đã cho thấy số người nói họ tin vào Chúa ở Mỹ có sự suy giảm nhẹ nhưng đều trong các năm gần đây.

Báo cáo cũng cho thấy, người Mỹ dưới 40 tuổi có xu hướng ít cầu nguyện hơn những người lớn tuổi, ít tới các hoạt động của nhà thờ và ít tự nhận là có tín ngưỡng hơn. Tất cả những điều này đang cho thấy xu hướng tín ngưỡng tôn giáo suy giảm ở Mỹ.

Theo Trung tâm Pew,
Sơn Vũ tổng hợp

Nguồn: trithucvn