Tôi đọc tập tản văn của Hà Minh Trang khi rảnh rỗi nhất. Thì đọc tản văn phải chọn cho mình tâm thế thư giãn cao nhất, cho cảm xúc nào thì cũng sẵn sàng đón nhận. Đó cũng chính là tâm sự của Hà Minh Trang: “ Tôi viết cho chính bản thân mình…”. Đó cũng bài học Trang nhận được khi cô cầm bút viết: “ tôi học được cách yêu Tôi” và “tôi học được cách nhìn cuộc sống bằng việc lắng nghe…”.

Nói thật, đối với người trẻ như Trang, nhận ra bài học này không phải đơn giản là ngồi vào bàn viết ra dòng chữ, mà đó là trải nghiệm đớn đau, hay đúng hơn đó là sự trả giá cho chính mình.
Trong vài dòng tâm sự, tôi biết Trang làm tiếp viên hàng không cho nên có nhan đề tập sách là “Người trên mây”. Nhưng tôi ngờ rằng tên tập sách còn có ẩn ý, vì đi trên mây nên không rành cuộc sống mặt đất, vì bồng bềnh mộng mơ nên khi va chạm thực tế Trang bị thất bại, và cuộc ly hôn và nhanh chóng trở thành “đàn bà cũ” như minh chứng. Phải chăng đó chính là giọt nước tràn ly để có tập sách này.
Tập sách nói đến những bài học được nhận ra từ sự trải nghiệm không mong muốn ấy. Đó là cay đắng, ví dụ như “đừng lột đồ em ra khi chẳng thấy em đáng giá” là lời nhắn nhủ đàn ông hãy biết nâng niu người đàn bà của mình. Có khi lại thông cảm xa xót khi bênh vực người đàn ông trong “Anh đã ngủ với cô ta chưa” nói đến sự hời hợt đôi khi cạn nghĩ của đàn bà khi kết hôn rồi chỉ quan tâm đến tiền người đàn ông mang về, mà quên mất đằng sau vật chất là còn cả một thế giới tâm hồn đàn ông. Mà nói đến tâm hồn thì đàn ông và đàn bà đều đáng giá như nhau. Vậy thì khi hôn nhân tan vỡ, khi chuyện đã xảy không nên đổ lỗi, phải chăng đó là ngầm ẩn ý của tác giả.
Tập tản văn cho thấy chân dung người phụ nữ thế hệ mới. Đó là rất tự chủ khi ly hôn, khóc hết ba ngày Tết và sang ngày thứ tư thì xin phép về nhà bố mẹ đẻ ở hẳn. Đọc đến đây, tôi rất lúng túng không biết nhân vật có kịp nghĩ gì xa hơn không, và tác giả cho tôi hiểu thế hệ trẻ ngày nay sống nhanh như cơn lốc, họ không có nhiều thời gian để suy nghĩ dằn vặt thao thức so đo trách nhiệm và nghĩa vụ này kia nọ khác như thế hệ chúng tôi. Thế hệ trẻ ngày nay thật là trẻ, họ nghĩ sao là họ làm vậy, họ chưa bước đi chậm lại, vì tuổi trẻ của họ ào ạt như cơn lốc đầu mùa xuân. Đọc Hà Minh Trang mới biết thế hệ chúng tôi cách xa biết bao nhiêu.
Đọc Hà Minh Trang, ta kịp nhìn thấy những xét đoán về tình yêu, đó là : “ hãy nói chuyện và nghe trái tim mình thổn thức”, tôi gọi đó là những xét đoán vì thế tác giả cũng đã có lúc chậm lại để nghe trái tim mình. Đối vói người trẻ như Hà Minh Trang, nghe trái tim mình là quan trọng nhất, đó là những khoảnh khắc đáng được tôn trọng.
Đọc Hà Minh Trang, tôi gặp quan niệm lạ “ tình yêu đũng quần”, tôi vội xem đó là tình yêu thế nào? Hà Minh Trang viết đó là là yêu cuồng sống vội trong bão lốc vật chất, có hy vọng, có thất vọng, những cảm xúc chưa kịp định hình dã có tình dục. Còn thái độ phê phán hay đề cao thì tự người đọc lý giải, người viết dường như chỉ nêu ra vấn đề.
Ta gặp một Hà Minh Trang vẫn vật vã khát khao tình yêu qua những “ Nỗi nhớ” và “Em ngược cuộc đời để yêu anh”, hay “ anh và rượu vang” vói những tâm sự đầy nước mắt: “ Anh và rượu – em đều say”.
Ta sẽ gặp một Hà Minh Trang dám dũng cảm nhìn nhận bản thân mình, khi “chữa lành tâm hồn, chấp nhận bản thân”, nơi kết thúc của hành trình hạnh phúc và nước mắt để tìm tháy bình an. Đó cũng là hành trình đi từ trên mây để trở về mặt đất. Là người đọc, tôi mừng cho Hà Minh Trang đã không đi lạc trên mây. Tuy những cảm xúc còn non nớt nhưng có đủ độ trong trẻo của người trẻ lần đầu vấp ngã.

Nếu bạn muốn là người chứng kiến những trải nghiệm hạnh phúc, cay đắng, an nhiên, hãy đến với “Người trên mây” của Hà Minh Trang.