George G. Ritchie (1923-2007) là một bác sĩ tâm thần học người Mỹ, lúc sinh thời từng giữ các vị trí chủ tịch của Học viện Thực hành Tổng hợp Richmond; chủ nhiệm khoa tâm thần bệnh viện Towers; và là người sáng lập kiêm chủ tịch của Universal Youth Corps, Inc.

Thế có khác nào địa ngục?

Năm 1943, sau khi nhập ngũ được 3 tháng và vừa được chọn đào tạo để trở thành bác sĩ quân y, ông bị nhiễm cúm, rồi biến chứng viêm phổi mà chưa kịp nhập học. Ông bị bác sĩ tuyên bố “đã chết” và kéo ráp phủ mặt. Chưa đầy 10 phút sau, người điều dưỡng nghi ngờ là ngón tay ông có cử động, và đề nghị bác sĩ thử tiêm adrenalin trực tiếp vào cơ tim. Đây là điều không theo quy chuẩn y tế thông thường lúc bấy giờ với bệnh nhân chết vì viêm phổi, mà thêm nữa trong môi trường quân đội thì điều dưỡng ngang cấp binh nhì còn bác sĩ mang hàm sĩ quan. Thế nhưng bác sĩ cũng nghe theo người điều dưỡng, thế là George được cứu sống, dù vài ngày sau ông mới thực sự tỉnh lại. Sự phục hồi của ông được xem là điều kỳ diệu vì đã có nhiều phút không tìm thấy mạch, không có nhịp thở, huyết áp đo được là “zero”. Việc thiếu oxy lên não trong chừng ấy thời gian đã có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.

Ông trở lại với cuộc sống, và không thôi ngỡ ngàng về những điều mình trải qua. Ông được “một luồng ánh sáng kỳ diệu” đưa qua nhiều cảnh tượng, qua nhiều chiều không gian và thời gian khác nhau mà 9 phút ngắn ngủi trong không gian vật lý thông thường không thể chứa đựng hết. Ông đã cố gắng kể lại cho nhiều người, bao gồm người y tá đang trực lúc ông tỉnh dậy, rồi bạn gái của ông, nhưng những cố gắng bằng từ ngữ của ông đều thất bại và đều gây lo lắng cho mọi người về tình trạng sức khoẻ tâm thần của ông sau sự cố chết hụt. Mãi sau này ông mới có thể bình tâm, kể lại rành rạch mọi chi tiết trong cuốn “Return from tomorrow” (Trở về từ ngày mai) của Nhà xuất bản Chosen Books.

Thế có khác nào địa ngục?

“Luồng ánh sáng” ông mô tả là cực kỳ sáng mà nếu nhìn bằng cặp mắt sinh học bình thường chắc chắn sẽ bị hỏng võng mạc trong vòng một phần mười giây. Luồng ánh sáng đem lại những cảm thức vô cùng dễ chịu, yêu thương và “trả lời” mọi thắc mắc của ông mà không qua một lời nói hay âm thanh nào cả. Với nền tảng nhận thức và niềm tin của mình, ông cho rằng đó là hiện thân của Chúa Giêsu.

Ông được “đưa đi” chứng kiến nhiều cảnh tượng khác nhau. Đầu tiên là một vài thành phố, những thành phố mà theo ông trông cũng bình thường như một thành phố bất kỳ nào của Mỹ lúc đó. Nhưng điều lạ là những thành phố này đều đông đúc một cách vô lý. Khi quan sát kỹ hơn, ông thấy không ít người đi xuyên, đi chồng lên không gian của người bên cạnh nhưng lại không có một sự va chạm tiếp xúc nào. Ông nhận ra những không gian này đều có những người còn sống và những người đã chết, những người còn sống được bao bọc bởi một lớp sáng mờ như hào quang xung quanh còn người chết thì không. Những người còn sống thì không thể nhìn thấy, không thể cảm nhận được những người đã chết nhưng những người đã chết thì nhìn thấy tất cả, giao tiếp được với những linh hồn khác nhưng không thể nào giao tiếp với những người còn sống. Ông thấy trong những sở làm, những nhà máy có những linh hồn nóng nảy, luôn miệng chỉ đạo và quát nạt những người đang làm việc, nhưng dĩ nhiên không ai trong số họ nghe thấy. Trên các đường phố, trong những quán bar, những linh hồn đói khát, nghiện ngập chờ chực van xin rồi cướp giật những điếu thuốc vừa được đốt lên, những ly rượu vừa được rót ra, dĩ nhiên là những “vụ cướp” thất bại. Ông nhìn thấy những linh hồn lẽo đẽo đi theo người khác, nhắc nhở, ca thán, rồi phàn nàn, như là “mẹ nói rồi, con không nên thế này, con không nên thế kia”. Đó là những người đã chết nhưng không thể thoát ra khỏi những vấn đề trần tục của họ. Ông giả dụ lúc còn sống hẳn họ đã tự tạo ra một sự phụ thuộc nào đó quá lớn của bản thân, vượt ra ngoài phạm vi thể chất, trở thành một cái gì đó gắn liền với tinh thần, để rồi vĩnh viễn mắc kẹt trong không gian đó, với những vấn đề đó dù không còn sở hữu một cơ thể sinh học để giao tiếp, để giải quyết. Thế có khác nào địa ngục?

Có cậu thanh niên đi theo “xin lỗi bố mẹ, đáng lẽ con không nên…”, có cậu thiếu niên đi theo một cô cái “mình xin lỗi Nancy”, có người phụ nữ trung niên đi theo xin lỗi một người đàn ông tóc bạc. Họ là những người đã tự huỷ hoại cuộc sống của mình và bây giờ phải mãi mãi chứng kiến những hậu quả, những đau khổ mà hành động của mình đã gây ra cho người thân. George Ritche hầu như chắc chắn rằng đây mới là địa ngục, chứ không phải vạt dầu và quỷ sứ như những điều ông từng nghe.

Cảnh tượng tiếp theo ông nhìn thấy còn hãi hùng hơn gấp bội. Một vùng phẳng rộng lớn, không có người sống nhưng bị nêm chặt bằng những linh hồn hung tợn, giận dữ, hỗn loạn còn hơn những bãi chiến trường tệ hại nhất mà ông có thể tưởng tượng ra. Không có một loại vũ khí nào nhưng ai nấy thi nhau đấm, đá, cắn, xé lẫn nhau. Không có máu đổ, bởi họ đều đã chết cả, nhưng những linh hồn này cứ phải cào cấu, quấy rối, và nhục mạ lẫn nhau như đã bị khoá chặt vào những thói quen của tâm trí và cảm xúc – những hận thù, nhục cảm và những ý nghĩ xấu xa. Nếu ở cảnh trên kia George Ritchie cho là địa ngục thì đây phải là một tầng khác của địa ngục, khốn khổ và dễ sợ hơn nhiều.

Rồi ông được đưa qua một chiều không gian khác, ánh sáng trong trẻo và dễ chịu. Có những gian phòng lớn như những thư viện khổng lồ, tiếp nối bằng những phòng thí nghiệm hiện đại nhưng lạ lùng ông chưa từng biết đến và cũng không rõ ngành khoa học nào đang được nghiên cứu ở đây. Không gian tĩnh lặng dễ chịu, trong một lúc nào đó còn có một loại âm nhạc gồm những nốt, những giai điệu phức tạp ông chưa từng biết đến mà so với nó thì âm nhạc của Bach “chỉ mới là khởi điểm”. Có những người lặng lẽ qua lại, cúi gằm như đang mải mê nghiên cứu. Ai nấy đều trông giống nhau, mặc những áo choàng có mũ như những tu sĩ mà George không thể nào phân biệt được đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Không ai trao đổi với nhau điều gì nhưng ông cũng cảm nhận được một không khí thân thiện ở nơi đây. Ông không thể nghĩ điều gì khác ngoài “đây là trung tâm tư duy của trái đất này”. Liệu đây có phải là thiên đường hay không? Ông không rõ, và ông chỉ được “giải đáp” rằng họ là những người đã vượt qua được bản ngã, bỏ qua cái tôi cá nhân và cuộc đời chỉ có một mục tiêu đơn độc là mải mê nghiên cứu để tìm ra “sự thật” về thế giới qua những trang sách và ống nghiệm.

George Ritchie hầu như đã cho rằng đó là thiên đường bởi cảm giác dễ chịu mà không gian đó mang lại, nếu như ngay sau đó ông không được nhìn thấy một điều khác nữa. Một vùng không gian rộng lớn khác trải ra. Từ đằng xa, rất xa để có thể nhìn thấy rõ điều gì bằng mắt thường, nhưng ông lại cảm nhận được rõ ràng đó là một thành phố. Mọi thứ đều cấu thành bằng ánh sáng, từ những bức tường, những con đường, và cả những cơ thể đang di chuyển trong đó. Tất cả toả ra thành một vùng rất sáng và dễ chịu như luồng ánh sáng đã và đang hướng ông đi. Phải chăng kia mới là thiên đường? Có hai chấm sáng tách khỏi vùng sáng đó và tiến về phía ông, tiến mỗi lúc một nhanh trong khoảng không bao la giữa ông và nơi đó. Nhưng ngay lúc hai chấm sáng đó bắt đầu tiến lại gần hơn thì ông như bị một lực nào đó kéo nhanh ra xa, kéo nhanh hơn tốc độ của hai chấm sáng kia. Rồi vùng sáng kia xa dần, mất hẳn. Không gian đột nhiên thu lại, ngột ngạt như một cái hộp. Và phải một lúc sau ông mới lại nhận ra bốn bức tường bệnh viện mà ông cảm giác như đã rời khỏi nó cách đây cả đời người.

Chỉ có 9 phút ngắn ngủi ông lìa khỏi sự sống, nhưng những gì ông trải qua trong 9 phút ấy, ông chia sẻ, là cũng đủ để ông lấy làm trọng tâm cho mọi hành động sau này của ông. Ông sợ hãi với tất cả những thái độ, những thói quen, những hành động mà có thể sẽ giam cầm ông mãi mãi với chúng, như những linh hồn khốn khổ trong những địa ngục kia. Ông trân trọng hết những sự kiện trong đời, trân trọng hết các mối quan hệ ông có, yêu thương và tha thứ khi có thể. Bởi vì, từng giây phút của cuộc sống ông đều nhận thức được sự hiện hữu của một thế giới khác, to lớn hơn thế giới này rất nhiều.

Tracy Trần

Nguồn: trithucvn