Với địa hình sông nước chằng chịt, người Việt đã sớm sử dụng các loại thuyền, bè để di chuyển trên sông, biển.

Thuyền là phương tiện giao thông xuất hiện sớm. Khái niệm thuyền có nguồn gốc từ chữ Hán chỉ các loại thuyền nói chung. Đò là một khái niệm Việt, cũng tương tự như khái niệm thuyền, nhưng không biết nó có liên quan gì với chữ đà có nghĩa là cái bánh lái thuyền, nếu như ta đặt vào trường hợp gọi là đò đưa.

Tuy nhiên các thuyền cỡ nhỏ lưu thông trên sông phổ biến không có bánh lái, mà chỉ bơi chèo, và người Việt chèo theo hai cách, gọi theo tượng hình chữ Hán là chèo kiểu chữ Bát, tức là dùng hai mái chèo do một người điều khiển bằng hai tay, hai bơi chèo chéo xuống nước như hình chữ Bát, và chèo kiểu chữ Cận, tức là một người đứng chèo một bơi chèo. Ngoài ra còn có cách chống đẩy bằng sào. Thực ra đây là những cách bơi thuyền phổ biến của nhân loại.

Những con thuyền cổ xưa nhất vừa có hình khắc trên các thạp và trống đồng Đông Sơn, vừa có di tích khảo cổ thực, tiêu biểu là hai con thuyền được dùng làm mộ táng Việt Khê (Hải Phòng) và Châu Khê (Hà Tây). Đây đều là hai con thuyền độc mộc cỡ lớn được làm từ một cây gỗ nguyên, có thể chở đến mười người.

Thuyền độc mộc Tây Nguyên làm từ gỗ nguyên khối. Ảnh: TL.

Cho đến đầu thế kỷ 20, người Tây Nguyên vẫn còn đẽo những chiếc áo quan độc mộc giống như con thuyền. Việc làm như vậy khá tốn kém, đồng thời độ to dài của thuyền hoàn toàn phụ thuộc vào cây gỗ, khi gỗ rừng ngày càng khan hiếm, thì việc đóng những con thuyền độc mộc không còn thích hợp nữa.

Ở nông thôn Việt Nam, để kiếm gỗ đóng thuyền là cả vấn đề, khi cuối thế kỷ 19, rừng đã lùi xa khỏi làng xã. Để thay thế người ta đan những con thuyền bằng nan tre, nguyên liệu là những cật tre được chẻ, vuốt to chừng hai phân, tương đối dầy, được ngâm và hun kỹ chống mối mọt, sau khi cạp vành, còn được quét vài lớp sơn ta cả trong lẫn ngoài, một chất liệu không ngấm nước, tăng cường độ bền của thuyền đan.

Trong nội địa đồng bằng, phổ biến các loại thuyền đan, gọi chung là thuyền thúng, mặc dù có dáng dài. Cái nhỏ dùng cho một người đi hái rau bèo, bắt cá, dài chừng 1,5-2 m, hoặc 2,5 m, chiều ngang 50-60 cm, lòng khum chỉ sâu khoảng 20cm từ đáy đến cạp. Cái to dài tới 4-5 m, rộng 1-1,2 m, sâu lòng tới 35 cm. Nhưng bơi thuyền thúng thường không an toàn, rất dễ lật nếu có chút không thăng bằng. Các gia đình nông dân Bắc Bộ đều gác một chiếc thuyền đan lên vì kèo sát mái nhà, phòng cho những năm lụt lội.

Những vùng đồng chiêm trũng, và những nơi nhiều ao hồ, chẳng hạn như huyện Thanh Liêm, Bình Lục (Hà Nam), huyện Gia Lương (Bắc Ninh), thuyền thúng và thuyền gỗ nhỏ được sử dụng phổ biến. Ngoài sông, ao hồ, đầm chiếm một diện tích không nhỏ trong các làng xã, thậm chí có những làng, nhà nào cũng có ao riêng. Nông dân thường bơi thuyền thúng bằng đôi đũa chèo, dài chừng 50 phân như một thẻ gỗ mỏng bẹt, vừa bơi vừa gõ vào mạn thuyền lùa cá vào khu vực chăng lưới.

Do tiếp xúc với sông nước từ nhỏ nên đại bộ phận nông dân đều biết bơi và có thể bơi bằng nhiều phương tiện tạm bợ. Bè bằng bèo lục bình kết cho thật dày có thể cho một người đứng lên đó, bè chuối kết bằng 5, 6 thân cây chuối cũng có thể vượt sông.

Bè tre và nứa trên sông Hồng. Đây là cách vận chuyển gỗ từ miền núi về xuôi vẫn còn được người Việt sử dụng đến ngày nay. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Song chắc chắn hơn, những người đi bè thường dùng bè nứa kết bằng những cây nứa dài tới mười thước thành một khối chắc chắn, vào mùa nước nhiều người lên rừng đẵn gỗ kết bè gỗ xen kẽ với bè tre nứa, từ nhiều mảng nhỏ hợp thành một bè lớn rồi theo sông cái về xuôi. Họ phải vượt nhiều thác ghềnh nguy hiểm, mỗi khi bị tan bè vì đâm vào đá, người lái bè thường không chết, nhưng cơ nghiệp đi tong và dân tứ xứ tha hồ được vớt gỗ trôi.

Thuyền gỗ nhỏ và vừa chạy đường sông thường có đáy bằng, không có bánh lái và chèo bằng bơi chèo, đôi khi còn được trang bị thêm cột buồm, có thể giương buồm chạy cho nhanh theo chiều gió. Những con thuyền này đóng ghép từ nhiều ván gỗ, hơi vát lên hai đầu thuyền, ở hai đầu lát sàn, còn lòng thuyền để trũng.

Trên cơ sở kết cấu đơn giản như vậy, người ta có thể đóng những con thuyền cầu kỳ hơn, lát sàn toàn bộ để tầng đáy làm nơi chứa đồ vật, làm mui thuyền có cửa ra vào và cửa sổ như một căn nhà nhỏ, vài con thuyền làm một mui cố định và một mui tạm thông thoáng, chỉ có mái mà không có tường bao.

Thời hiện đại người ta có thể lắp thêm máy chạy có guồng quay kết hợp với bánh lái. Khi ra đến biển, những con thuyền gỗ được đóng đáy khum có sống thuyền, có bánh lái, và chạy bằng bơi chèo và buồm. Những con thuyền lớn đóng một mũi bằng, một mũi cong rất cao, và dùng từ 5 đến 10, hoặc 12 đôi tay chèo, thuyền này có thể vượt được biển và chiến đấu được, cũng như dùng chuyên chở nhiều hàng hóa.

Theo một bức vẽ của người Pháp về thuyền chiến, thuyền buồm và thuyền chỉ huy thời vua Tự Đức (1847 – 1883) đều là thuyền chạy bằng chèo và sức gió, chưa biết dùng động cơ hơi đốt. Thuyền chỉ huy một mũi cao có lẽ tới 9 m tính từ mặt nước, đuôi bằng và mạn cao chừng 4 m vuốt cong dần lên mũi, tuy nhiên lại không thấy bơi chèo nằm ở đâu cả, và chắc chắn bơi chèo phải rất dài và xỏ qua mạn thuyền ở phần thấp.

Đầu mũi có bưng một ván chạm khắc trang trí, và bưng rộng ra hai thành đầu mạn thuyền. Cuối thuyền có nhà chỉ huy đặt bánh lái, hai bên mạn còn có lan can. Một thuyền chiến bình thường khác cong lên cả hai đầu, nhà thuyền nằm giữa, quan chỉ huy đứng ở một mũi, phía trên có bốn đôi tay chèo và phía dưới cũng có bốn đôi tay chèo, thành thuyền thấp, có thể chuyển từ đánh thủy sang đánh bộ và tiếp cận trên sông nước dễ dàng.

Thuyền vũ trang thời Nguyễn đi hộ tống các quan. Ảnh: TL.

Thuyền buồm với hai buồm xếp như cái quạt tay, một lớn một nhỏ, một mũi cao một thấp có lẽ dùng để vận tải và đánh cá. Một bức họa khác vẽ thuyền vũ trang đi hộ tống, đuôi bằng và mũi cao vút, với mười hai đôi tay chèo và khoảng ba chục lính, trên thuyền đặt cả máy bắn đá, bắn lao và súng thần công, kiểu dáng thon dài nom rất cơ động.

Nhưng theo sử sách, thì hạm đội của triều đình nhà Nguyễn sau thời vua Gia Long rất yếu, có lúc bị cướp biển tấn công ngay ngày vua duyệt binh. Chúng không thể đương đầu với tàu chiến chạy bằng động cơ hơi nước của Pháp và Tây Ban Nha, cũng như súng thần công bắn rất chậm, đạn bay không xa.

theo: Văn minh vật chất của người Việt. Tác giả: Phan Cẩm Thượng – Phát hành: Zenbooks và NXB Thế giới
Lấy sinh hoạt vật chất làm tấm gương quy chiếu, đối sánh, “Văn minh vật chất của người Việt” tái hiện văn hóa, văn minh cổ truyền của người Việt, làm nổi bật bản sắc văn hóa cộng đồng, sức sáng tạo, thích ứng của con người với tự nhiên, hoàn cảnh trong sự kiến giải mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà nghiên cứu.

nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-viet-biet-di-thuyen-truoc-khi-di-xe-post1356376.html