Tháng 7.1939, Tổng thống Cộng hòa Pháp Albert Lebrun ký sắc lệnh cho phép tuyển người bản xứ vào làm việc trong đội ngũ khoa học, nghiên cứu của Học viện Viễn Đông Bác cổ, trong đó có người Việt đầu tiên trong thành phần thường trực.

Các thành viên, nhân viên Việt Nam tại Học viện Viễn Đông Bác cổ năm 1936
ẢNH: THƯ VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

Học viện Viễn Đông Bác cổ đã quy tụ được các nhà Đông phương học, Việt Nam học uyên bác trong học giới lúc bấy giờ (nhà khảo cổ, sĩ quan quân đội (biệt phái viên), tu sĩ, nhà truyền giáo, nhà ngôn ngữ học, nhà dân tộc học, nhà thực vật học, kiến trúc sư…): Louis Finot, Henri Maspero, Henri Parmentier, Louis Malleret, Paul Lévy, George Cœdès, Léon Vandermeesch, Gustave Dumoutier, Etienne Edmond Lunet de Lajonquière, Léopold Cadière, Maurice Durand, Auguste Bonifacy, Henri Cordier, Paul Pelliot, Louis Bezacier, André-Georges Haudricourt…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (ngồi giữa) trong buổi lễ bàn giao thư viện sang Ủy ban Khoa học Nhà nước, ảnh chụp năm 1959
Ảnh: Thư viện Khoa học xã hội

Điểm nổi bật của họ là phương pháp nghiên cứu khoa học thực chứng và những điều tra dân tộc học, cắm mình nơi thực địa. Nhờ có Học viện Viễn Đông Bác cổ và tinh thần khoa học châu Âu mà những công trình lịch sử, di tích Việt – Chàm bấy giờ ít được quan tâm được bảo tồn, bảo vệ; những phế tích như Angkor tại Cao Miên, công trình-di sản như Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội, chùa Một Cột, chùa Bút Tháp… được phục chế, trùng tu.

Theo sắc lệnh ngày 3.4.1920, Học viện Viễn Đông Bác cổ chính thức tiếp nhận các trợ lý, thư ký, văn thư, phiên dịch tinh thông Hán – Nôm, họa sĩ, thợ ảnh, nghệ nhân điêu khắc… là người bản xứ. Đến tháng 7.1939, Tổng thống Cộng hòa Albert Lebrun ký sắc lệnh cho phép tuyển người bản xứ vào làm việc trong đội ngũ khoa học, nghiên cứu của Học viện Viễn Đông Bác cổ.

Thành viên nghiên cứu (thường trực) người Việt đầu tiên của Học viện Viễn Đông Bác cổ là ông Nguyễn Văn Huyên. Theo Amaury Lorin, trong Paul Doumer: Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), thì ông Huyên được bổ nhiệm làm thành viên dự bị vào năm 1939, rồi thành viên chính thức vào năm 1942. Ngoài ra, còn có những trợ lý nghiên cứu, họa sĩ, cộng tác viên người Việt khác như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu, Trần Hàm Tấn, Lê Dư, Nguyễn Trọng Phấn, Công Văn Trung… Những trí thức người Việt này đã có những đóng góp nhất định trong dòng chảy lịch sử nghiên cứu khoa học của Học viện Viễn Đông Bác cổ, đó là một thế hệ tinh hoa không dễ có, họ góp phần đặt nền móng cho nền khoa học xã hội nhân văn hiện đại ở Việt Nam.

Với đội ngũ nhân sự hùng hậu, Học viện Viễn Đông Bác cổ tiến hành nghiên cứu rộng khắp, từ khoa học nhân văn, giáo dục, văn hóa dân gian, phong tục tập quán, văn học, văn khắc học, Phật học, đến lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.

Bảo tàng Blanchard de la Brosse được xây dựng năm 1929 tại Sài Gòn là một trong những bảo tàng của Học viện Viễn Đông Bác cổ, nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Ảnh: T.L

Để phục vụ khoa học, Học viện Viễn Đông Bác cổ thành lập, trang bị các thư viện, bảo tàng rất quy mô như: Thư viện Học viện Viễn Đông Bác cổ (nay là Thư viện Khoa học xã hội), Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Bảo tàng Henri Parmentier (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử TP. HCM), Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế)… Cũng từ rất sớm, Học viện Viễn Đông Bác cổ chú trọng đến công tác đào tạo, giảng dạy; công bố các nghiên cứu bằng hoạt động xuất bản sách chuyên khảo, hoạt động báo chí với sự ra đời của nhiều tập san khoa học. Một tinh thần khoa học rất Pháp trong lòng Đông Dương.

Cho đến nay, những nghiên cứu của các học giả Học viện Viễn Đông Bác cổ được dịch ra tiếng Việt vẫn còn rất khiêm tốn. Mong sao những công trình kinh điển về khảo cổ, kiến trúc Chăm, lịch sử-mỹ thuật của Henri Parmentier, Louis Malleret, Louis Bezacier, Louis Finot…sẽ sớm được xuất bản bằng tiếng Việt trong thời gian tới.

nguồn: thanhnien.vn