Mới đây, NXB Kim Đồng ra mắt bộ sách Bạn văn – Bạn mình với 10 cuốn sách thuộc thể tài chân dung văn học đã gây sự chú ý với bạn đọc. Cùng với bộ sách này, nhiều cuốn sách chân dung văn học được ra mắt trước đây đã giúp bạn đọc cảm nhận gần gũi hơn về tác phẩm, tác giả và cung cấp những tư liệu dồi dào, chân thực về lịch sử văn chương nước nhà. 

Một số cuốn sách trong bộ sách Bạn văn – Bạn mình

Bộ sách Bạn văn – Bạn mình gây ấn tượng trước hết bởi hình thức trang nhã, có tính thống nhất, tranh bìa của mỗi cuốn sách đều do họa sĩ Vũ Đình Tuấn thiết kế. Bên cạnh đó, bộ sách còn có giá trị về nội dung khi tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về những người bạn, cũng là những văn nghệ sĩ tài ba. Có những tựa sách quen như Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vỹ), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Vũ Bằng), Những gương mặt (Tô Hoài), nhưng cũng có tựa sách có thể xem là mới với độc giả ngày nay như Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn), Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Chân dung văn học (Nguyễn Tuân)… 

Ngoài bộ sách Bạn văn – Bạn mình, thời gian qua, nhiều cuốn chân dung văn học cũng được đến với bạn đọc dù có phần lặng lẽ. Có thể kể đến 90 chân dung văn hóa, văn chương Việt (GS Phong Lê), Như cánh chim trong mắt của chân trời (Văn Thành Lê), Gửi đây chút duyên tình đọc (PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân), Thôi ta còn bạn bè (Nguyễn Thụy Kha)… Đặc biệt, nhà thơ Vũ Từ Trang lúc còn sống được biết đến như là một cây bút chân dung ấn tượng với một loạt tập sách: Phía sau con chữ (2007), Nhà văn độc hành độc bộ (2013), Vì ai ta mãi phong trần (2017), Phận người trôi nổi (2019) và Tơ trời chùng chình đón đợi (2019). Trong đó, Tơ trời chùng chình đón đợi từng nhận được giải thưởng cao nhất của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019. 

Theo nhà phê bình văn học – PGS-TS Văn Giá, chân dung văn học được hiểu thông thường là viết về các nhà văn cùng thời mà tác giả là bạn bè thân thiết hoặc quen biết; cũng có đôi khi là chân dung tưởng tượng về một số nhà văn đã khuất. Họ thường dựng chân dung các nhà văn bằng 2 nguồn tư liệu: con người có thực và con người văn chương được hiện lên trong tác phẩm. “Thông qua thể chân dung văn học để hiểu thêm về các nhà văn, về tác phẩm của họ, về thời đại mà họ thuộc về, đồng thời hiểu thêm về chính tác giả – người viết ra chúng”, PGS-TS Văn Giá chia sẻ. 

Không chỉ mang đến góc nhìn chân thực, các tập chân dung văn học còn mang đến những nguồn tư liệu quý giá về đời sống văn chương nước nhà. Chính vì vậy, ngoài đối tượng độc giả đại chúng, các tập sách trên còn trở nên hữu ích cho học sinh, sinh viên và thầy cô giáo.

HỒ SƠN