Nằm trong chuỗi sự kiện của dự án cải lương thể nghiệm Đợi Kiều, ngày 17-9, tại Trường Đại học Hoa Sen, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã có buổi trò chuyện với chủ đề “Truyện Kiều: Ca dao và hồn Việt”. Mối quan hệ giữa ca dao và Truyện Kiều được ông trình bày trong hai tiếng đồng hồ, thu hút sự quan tâm và lắng nghe từ những người tham dự. 

Trong hai tiếng đồng hồ, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã đưa ra nhiều lý lẽ và lập luận, cho thấy tác phẩm “Truyện Kiều” đậm chất Việt

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, lục bát và ca dao quen thuộc đến mức là người Việt Nam, không ai là không biết. Tuy nhiên, vẫn có một sự phân biệt lạ lùng khi cho rằng, ca dao là văn học dân gian, còn Truyện Kiều là văn học bác học. “Từ trước tới nay, ca dao và Truyện Kiều thường được nói riêng, hai phạm trù khác xa nhau. Do đó ít người kết hợp thành nhất thể trong sáng tạo lớn nhất của dân tộc là Truyện Kiều”, ông nói.

Có một thực tế là giở bất cứ ấn bản Truyện Kiều nào ra, thường thấy bất kỳ câu gì, từ gì hầu như những quyển chú giải công phu đều đề cập tới. Lạ một điều, câu gì, chữ gì của Truyện Kiều hình như cũng bị quy là lấy từ chữ Hán. Chẳng hạn chữ “trăm năm” trong câu “Trăm năm trong cõi người ta”.

Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, “trăm năm” là một từ rất bình thường. Ca dao Việt Nam tràn ngập những câu có chữ “trăm năm” như: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ, con đò khác đưa”, “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” hay “Trăm năm xe sợi chỉ điều/ Sao anh nắng sớm mưa chiều thế anh?”.

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu không nhắc đến những câu ca dao đó mà cho rằng, “trăm năm” lấy từ chữ “bách niên” của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bày tỏ: “Trăm năm” là tiếng Việt thì lấy từ tiếng Việt, tại sao phải lấy từ “bách niên”. Mà “bách niên” của Trung Quốc cũng không hẳn là “trăm năm” của Việt Nam, hai nghĩa đó khác nhau”.

Đọc Truyện Kiều, dễ dàng nhận thấy có rất nhiều hình ảnh quen thuộc thường thấy trong ca dao. Chẳng hạn, với câu: “Thương thay thân phận con tằm/ Không vương tơ nữa cùng nằm trong tơ”, Nguyễn Du đã vận dụng để sáng tác thành: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Hay câu: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân”, thì hình ảnh “cánh bèo” có rất nhiều trong ca dao: “Phận bèo bao quản nước sa/ Linh đinh đâu nữa cũng là linh đinh”, hay: “Thân em như thể cánh bèo/ Ngược xuôi, xuôi ngược theo chiều nước trôi”.

Đề cập đến xuất xứ của Truyện Kiều, theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, đúng là Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều từ tác phẩm Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng hầu hết những câu thơ mang tính triết lý, những câu trữ tình của Nguyễn Du là của chính ông, chứ không phải lấy từ Thanh Tâm Tài Nhân. “Đó là chưa kể, từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều là một sự chuyển hóa phi thường. Vì chúng ta biết rằng, Trung Quốc không có lục bát. Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng lục bát, thể loại trọng yếu nhất của ca dao. Còn nguyên văn Kim Vân Kiều là văn xuôi. Từ văn xuôi chuyển thành lục bát của Việt Nam là hai thể loại hoàn toàn khác nhau”.

“Nói cho công bằng, Truyện Kiều có cốt truyện mượn từ Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng những điều còn lại có xuất phát từ tư tưởng của Nguyễn Du, tư tưởng ca dao kết hợp với tư tưởng Nho Phật mà ông có điều tiết lại. Từ đó cho ra một tác phẩm đầy hồn dân tộc”, ông nói thêm.

Một bạn đọc đặt câu hỏi tại chương trình 

Bên cạnh đó, yếu tố xuất thân từ gia đình của Nguyễn Du cũng được nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đề cập đến. Theo đó, Nguyễn Du có mẹ là một cô đào Kinh Bắc. Ông cho rằng, có hai nhà thơ lớn là Nguyễn Du và Hoàng Cầm đều có mẹ là những cô gái hát hay, nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Và cả Nguyễn Du và Hoàng Cầm đều được lớn lên trong tiếng ru của ca dao, dân ca, quan họ. Đây cũng được xem là yếu tố để khẳng định Truyện Kiều thấm đẫm hồn Việt.

Ở chiều hướng ngược lại, Truyện Kiều đã đi vào ca dao. Ca dao có nhiều câu đề cập đến Truyện Kiều, gọi là Kinh Kiều: “Từ dăm ba chữ Kinh Kiều/ Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng”. Ca dao nhiều lần nhắc đến Truyện Kiều: “Dứt tình kẻ ở người đi/ Cũng như Kim Trọng biệt ly Thúy Kiều”, để chỉ đến cặp trai gái trong dân gian chia tay nhau. Rồi: “Thiên thai là của nàng Kiều/ Riêng chàng Kim Trọng sớm chiều vào ra”. Đặc biệt, tác phẩm của Nguyễn Du còn xuất hiện trong mỗi lần bói Kiều: “Lạy vua Từ Hải/ Lạy vãi Giác Duyên/ Lạy tiên Thúy Kiều”.

Qua những chia sẻ của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, độc giả đã phần nào thấy được tư tưởng ca dao trongTruyện Kiều, đồng thời, thấy được trong tác phẩm của Nguyễn Du, ngôn ngữ bình dân được đặt cạnh văn chương bác học một cách nhuần nhị, giản dị nhưng không hề lạc điệu, đưa hệ thống ca dao trong thi phẩm vươn lên tầm vóc tư tưởng, đậm chất Việt.

“Tôi mong sẽ sớm có một cuốn Truyện Kiều chú giải, cho thấy những câu Kiều được vận dụng từ câu ca dao nào, chứ không phải từ điển tích hay câu chữ nào của Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hy vọng. 

Hồ Sơn

nguồn: https://www.sggp.org.vn/nha-nghien-cuu-nhat-chieu-truyen-kieu-la-mot-tac-pham-day-hon-dan-toc-842393.html