Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng việc Venezuela tổ chức Hội chợ sách quốc tế đã chứng minh không thế lực nào có thể dập tắt được tri thức và cái đẹp.

Hội chợ sách quốc tế Venezuela lần thứ 17 diễn ra từ ngày 4 đến 14/11. Việt Nam là quốc gia khách mời danh dự. Vì tình hình dịch bệnh, giới xuất bản Việt Nam không thể có mặt tại nước bạn để tham dự trực tiếp.

Với tư cách khách mời chính, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Venezuela – Lê Viết Duyên – đã mang đến “Không gian Việt Nam” với nhiều đầu sách về truyền thống lịch sử, bản sắc dân tộc và các thành tựu phát triển của đất nước.

Nhiều cuốn sách được trưng bày tại “Không gian Việt Nam” đều được dịch sang tiếng Tây Ban Nha.

Có mặt tại lễ khai mạc sự kiện hôm 4/11, Tổng thống nước Cộng hòa Bolivar Venezuela – Nicolás Maduro Moros – khẳng định: “Tôi cảm nhận được sự có mặt của Việt Nam ở đây. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, sự phát triển, hội nhập và phồn thịnh. Hội chợ sách quốc tế này là dịp để chia sẻ tiếng nói tâm hồn của người dân hai nước”.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh người dân Venezuela ngày càng quan tâm đến lịch sử, văn hóa đất Việt và mong muốn sẽ có nhiều tựa sách Việt Nam được dịch sang tiếng Tây Ban Nha.

Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Lê Viết Duyên (ở giữa) giới thiệu một số ấn phẩm của Việt Nam với Tổng thống nước Cộng hòa Bolivar Venezuela – Nicolás Maduro Moros – hôm khai mạc sự kiện. Ảnh: Ultimas noticias.

Khái quát về văn học Việt Nam

Trong khuôn khổ hơn 800 hoạt động trực tuyến và trực tiếp của Hội chợ sách quốc tế Venezuela, các chương trình giao lưu, tọa đàm giới thiệu về văn học, ngành xuất bản, những nét văn hóa đặc trưng và kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam được diễn ra.

Về phía Việt Nam, diễn giả tham gia sự kiện này là những nhà văn nổi tiếng, người làm công tác xuất bản, ngoại giao như: PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS Trần Đoàn Lâm – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới; PGS. TS Nguyễn Viết Thảo – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Venezuela; nguyên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Duy Truyền.

Theo đó, ông Raúl Cazal Acosta – Chủ tịch Viện sách Trung tâm quốc gia Venezuela – đã gửi thư mời đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp tham gia chương trình “Bàn luận về văn học Việt Nam” dưới hình thức trực tuyến tối 6/11 (theo giờ Việt Nam).

Chương trình có sự góp mặt của Ban tổ chức Hội chợ sách quốc tế Venezuela và một số nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đến từ các quốc gia.

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam – đã có những chia sẻ về nền văn học Việt từ truyền thống đến hiện đại. Ông điểm qua một số tác phẩm và cây bút tiêu biểu của từng thời kỳ, cũng như khuynh hướng sáng tác qua các giai đoạn.

“Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã xây dựng được một nền văn học rất phong phú, phản ánh chân thực những biến động lịch sử và tâm hồn, cốt cách con người Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nói.

Khái quát về nền văn học trong nước, Viện trưởng Viện Văn học giới thiệu với các diễn giả tham gia chương trình những thành tố cơ bản của văn học dân gian và văn học viết.

Theo ông, trong tổng thể nền văn học Việt Nam, văn học dân gian có vị trí quan trọng, là nơi lưu giữ các giá trị tinh thần, trí tuệ, ngôn ngữ dân tộc. Nó đã trở thành nền tảng vững chắc để hình thành bộ phận văn học viết sau này.

Xuyên suốt nền văn học Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo. “Đây cũng là hai truyền thống quý báu được hun đúc trong trường kỳ lịch sử và bộc lộ sinh động trong một nền văn học thống nhất gồm 54 dân tộc anh em”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh.

Trong bối cảnh lịch sử văn hóa đương đại, văn học Việt Nam cùng chia sẻ với các nền văn học khác một sứ mệnh cao cả mà theo ông, đó là đánh thức khát vọng hòa bình và chữa lành những vết thương do tính vị kỷ và thói vô cảm của con người.

“Không gian Việt Nam” trưng bày các xuất bản phẩm được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Ảnh: Fanpage NXB Thế giới.

“Sách đưa con người vượt qua thách thức”

Cũng trong chương trình giao lưu trực tuyến này, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự vui mừng khi nhận được lời mời: “Tôi thực sự vui mừng được tham gia sự kiện quan trọng này của đất nước các bạn. Rất tiếc là vì một số lý do, tôi không thể đặt chân đến Venezuela để được chính mắt mình nhìn thấy đất nước bạn, nghe giọng nói của con người nơi đây và cảm nhận được tinh thần của xứ sở này qua thơ ca và những điều kỳ diệu khác”.

Từ khi còn trẻ, ông đã được nghe kể về quốc gia Nam Mỹ này. Những năm tháng người dân Việt Nam sống trong bom đạn, những người yêu chuộng hòa bình Venezuela đã luôn ủng hộ Việt Nam bằng tinh thần và hành động cụ thể.

“Đất nước Venezuela hiện gặp không ít khó khăn trong đời sống. Nhưng việc tổ chức Hội chợ sách quốc tế đã minh chứng rằng không một thế lực nào có thể dập tắt được tri thức và cái đẹp”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Hồi tưởng về lần tham dự Hội chợ sách quốc tế La Habana năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết quốc đảo này đã phải gánh chịu nhiều khó khăn từ chính sách cấm vận. Nhưng cũng chính từ Hội chợ sách ấy, ông nhận ra vì sao nhân loại có thể làm nên những điều kỳ diệu, giá trị vĩnh hằng cho dù phải trải qua khó khăn lớn.

Sách chính là nơi chứa đựng trí tuệ nhân loại, những vẻ đẹp văn hóa, giấc mơ đẹp đẽ của mỗi con người mà không một quyền lực nào có thể khuất phục.

Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

“Sách chính là nơi chứa đựng trí tuệ nhân loại, những vẻ đẹp văn hóa, giấc mơ đẹp đẽ của mỗi con người mà không một quyền lực nào có thể khuất phục”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Ông tin tưởng rằng tri thức và những vẻ đẹp nhân văn mà những cuốn sách mang lại sẽ đưa con người đi qua mọi thách thức và đe dọa, từ đó xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.