Nhà văn Kim Dung, tiểu thuyết gia võ thuật Hồng Kông, tác giả có tác phẩm viết bằng tiếng Trung  bán chạy nhất, đã qua đời ở bệnh viện ở tuổi 94 .

Tra Lương Dung tên tiếng Anh: Louis Cha, được biết đến dưới bút danh Kim Dung (金庸), đã bán được hơn 100 triệu cuốn tiểu thuyết “Võ hiệp” (武俠, “võ thuật và hiệp sĩ”) trên toàn thế giới từ những năm 1950 cho đến ngày nay.

Sinh ra ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, ông đã từng bị đuổi khỏi trường vì chỉ trích chính phủ Quốc dân đảng của Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Sau đó, cha ông bị “đấu tố” trong thời kỳ cách mạng văn hóa.

Sau khi tung ra cuốn tiểu thuyết võ thuật đầu tiên, “Thư kiếm ân cừu lục”, năm 1955, ông từ bỏ công việc đang làm  và trở thành biên kịch cho một công ty điện ảnh.

Giữa những năm 50 và 70, ông viết 14 cuốn tiểu thuyết và một truyện ngắn, hầu hết đều được chuyển thể thành phim điện ảnh hoặc phim truyền hình dài tập. Những bộ phim từ tác phẩm Kim Dung được hàng triệu người xem ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Sau năm 1970, ông đã sửa đổi một số tác phẩm của mình, đưa ra một loạt tác phẩm chỉnh sử từ năm 1999 đến năm 2006.

Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông bao gồm: “Xạ điêu anh hùng truyện”, “Thần điêu đại hiệp”, “Ỷ thiên đồ long ký”. Tác phẩm cuối cùng của ông là “Việt nữ kiếm”.

Ngoài việc sáng tác văn học, ông cũng là người sáng lập tờ báo Hồng Kông “Minh Báo” (明 報) vào năm 1959 và làm tổng biên tập cho đến khi ông nghỉ hưu ở tuổi 65 vào năm 1989.

Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Tiền Phong Từ Khánh Phụng với bản Cô gái Đồ Long (dịch Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Thực ra trước đó, đã có một số bản dịch như Bích huyết kiếm của Từ Khánh Phụng (báo Đồng Nai), Anh hùng xạ điêu của Đồ Mập (báo Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử (báo Mới). Tuy nhiên, truyện kiếm hiệp vẫn được xem là thứ giải trí rẻ tiền. Bản dịch Cô gái Đồ Long mới tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn nhà báo lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong… Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, công phu nhất là Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.

Dịch giả truyện Kim Dung tài hoa nhất là Hàn Giang Nhạn với các bản dịch Tiếu ngạo giang hồLộc Đỉnh ký… câu văn thanh thoát tự nhiên, sinh động.

Sau 1975, nhà văn Vũ Đức Sao Biển là người đầu tiên viết khảo luận về Kim Dung, các bài của ông đăng trên tập san Kiến thức ngày nay, sau in thành bộ Kim Dung giữa đời tôi (4 quyển).

Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung. Từ năm 1999, Phương Nam đã mua được bản quyền dịch tác phẩm của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến).

Nguồn: Taiwannews/Wikipedia – Tuấn Lê tổng hợp