Sáu năm đã trôi qua kể từ khi Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 được tổ chức ở Hà Nội. Một thế hệ viết văn trẻ mới ra đời, mang trong mình những ưu tư, trăn trở trước cuộc sống lẫn trang viết. 

Giải cứu… cái tôi 

Không hẹn mà gặp, nhiều tiếng nói được cất lên tại hội nghị đều có chung một suy nghĩ về văn chương nhưng lại bó hẹp trong những vấn đề mang tính cá nhân. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta viết trước hết là để cho chính bản thân chúng ta, cho cái tôi của mỗi người cầm bút”, đại biểu Trần Thị Như Quỳnh (Bắc Giang) bày tỏ. 

Phải chăng, việc chỉ quanh quẩn trong những vấn đề cá nhân đã khiến văn học trẻ đang “thiếu vắng những tác phẩm tầm cỡ, có tính khái quát cao, phản ánh một cách trung thực sinh động công cuộc đổi mới”, như chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại hội nghị lần này? Nhà thơ Hữu Thỉnh gọi đây là “thiếu sót, nhược điểm của văn học hiện nay”. 

Trong khi đó, đời sống hiện nay đang có những vấn đề nổi cộm như chống tham nhũng, tiêu cực; biến đổi khí hậu… nhưng dường như nhà văn trẻ lại không mấy mặn mà. Nhà văn trẻ Nguyệt Chu (Hà Nội) cho rằng, quan tâm đến vấn đề nào của đời sống là lựa chọn riêng của mỗi tác giả. Ai tâm đắc với đề tài nào, đam mê điều gì thì họ sẽ có khát vọng đi đến tận cùng đam mê ấy. Sự lựa chọn đề tài phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là cái riêng của mỗi tác giả, sau đó là tổng hòa của môi trường sống, phông văn hóa. 

Nhà văn trẻ Phát Dương (Cần Thơ) thì cho rằng, những vấn đề đang nổi cộm trong xã hội hiện nay là những vấn đề nhạy cảm và người trẻ thường thiếu kiến thức về nó. “Người trẻ thường viết về những tâm tư, cảm xúc của mình. Hơn nữa, những vấn đề lớn, mang tính thời cuộc đòi hỏi phải có độ lắng của thời gian cũng như có thời gian tổng kết kiến thức để có thể nói ra được một cách đúng đắn”, Phát Dương chia sẻ.

Trong khi đó, nhà văn trẻ Lê Quag Mê Công đối mặt với xâm nhập mặn và cạn kiệt dần nguồn nước cũng như thủy sản. Người trẻ rời quê, rời sông lên các thành phố lớn để tìm việc làm. Bao sự đổi thay của quê hương đã đặt ra cho người viết trẻ nhiều điều suy ngẫm. Từ đó, anh đặt ra vai trò và sứ mệnh cho những người viết trẻ: “Tôi nghĩ rằng, sứ mệnh của một nhà văn, đặc biệt là người viết trẻ là phải nói lên tiếng nói của thời đại”. 

Khát vọng chính đáng

Ngoài lựa chọn đề tài cho các tác phẩm, theo nhà văn trẻ Lê Quang Trạng, vấn đề được đặt ra lúc này là người viết trẻ cần làm gì để hội nhập được với quốc tế; vừa học hỏi các nền văn hóa, văn học của nước bạn, đồng thời mang nền văn chương của xứ sở mình vươn ra xa, giới thiệu đến thế giới bằng tác phẩm của chính mình. Anh chia sẻ: “Văn học trẻ của chúng ta đã đủ sức để ra nước ngoài, nhưng có nhiều lý do khiến chúng ta chỉ quanh quẩn ở trong nước. Tôi mong Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Bộ VH-TT-DL có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này. Hiện tại, người trẻ đang bơ vơ, chủ yếu là tự dịch, tự phát hành. Văn học trẻ của chúng ta không có sự giao thoa, nên vẫn chưa thể biết hay, dở như thế nào, trong mắt quốc tế”.

Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định, vấn đề mà nhà văn Lê Quang Trạng đặt ra rất chính đáng, bởi đây cũng là mong muốn chung nhằm đưa những tác phẩm tốt nhất của văn học Việt Nam ra nước ngoài. “Đây hoàn toàn là khát vọng chính đáng. Nếu chúng ta quan sát, sẽ thấy những tác phẩm của Việt Nam được dịch ra nước ngoài hầu hết đến từ những nỗ lực cá nhân, do họ tự bỏ tiền hay do mối quan hệ với nước ngoài. Hiện nay đã có một số tác phẩm của Việt Nam được dịch ra nước ngoài nhưng vẫn còn quá ít”.

Liên quan đến những động thái từ Ban Nhà văn trẻ đối với câu chuyện hỗ trợ, quảng bá văn học trẻ Việt Nam ra nước ngoài, nhà thơ Hữu Việt cho rằng, thực chất ban chủ yếu hoạt động về phong trào, không có ngân sách, nguồn lực để giải quyết câu chuyện này.

“Hiện nay, về quan hệ đối ngoại, chúng tôi thông qua kênh chính thống là Hội Nhà văn Việt Nam. Riêng một số thành viên của Ban Nhà văn trẻ cũng đang có mối quan hệ cá nhân với các dịch giả hay các NXB của nước ngoài. Và chúng tôi hoàn toàn có thể kết nối các bạn trẻ với các đối tác nước ngoài thông qua những mối quan hệ này”, nhà thơ Hữu Việt cho biết.

Khơi dậy niềm đam mê, sự hứng khởi trong sáng tạoNgày 18-6, tại TP Đà Nẵng, Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 với gần 140 đại biểu. Các đại biểu đến từ nhiều địa phương, ngành nghề khác nhau cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà văn trẻ 
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với những người viết văn trẻ, việc sáng tác càng gian nan, bởi họ có những rủi ro với kinh nghiệm, tuổi đời không dài. Tuy nhiên, khi vượt chướng ngại, họ có ý tưởng mới, không chỉ tạo ra tác phẩm nổi bật mà đó còn là xu hướng thời đại.
Phó Thủ tướng mong muốn, đội ngũ nhà văn trẻ sẽ là những người tiếp thu văn minh nhân loại và mang văn hóa nước nhà ra thế giới. Quan trọng nhất là làm sao để từng cá nhân được khơi dậy niềm đam mê, sự hứng khởi trong sáng tạo. 

nguồn: https://www.sggp.org.vn/nha-van-tre-va-khat-vong-vuon-xa-821717.html