Võ Minh quê Nghi Thịnh, Nghi Lộc (Nghệ An), sinh năm 1952, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sau nhiều năm trong quân ngũ, góp phần xương máu cho công cuộc thống nhất nước nhà, năm 1974, anh rời quân ngũ với chứng chỉ thương binh 1/4, mất sức 91%, rồi tiếp tục sống và viết cùng gia đình tại Hà Nội.

Tính đến nay, Võ Minh đã cho xuất bản 3 đầu sách: Cuốn đầu Có một thời như thế (Hồi ký, Nxb Thanh Niên, 2007, tái bản nhiều lần), cuốn thứ hai Nghị quyết cây khế (Truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2014), cuốn thứ ba Lốc xoáy (Tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 2022). Nghe nói tìm một nơi “khai sinh” cho Lốc xoáy không dễ. Sau 4 năm, thật may mắn, cuối cùng Nxb Phụ Nữ nhận “đỡ đầu” cho anh với 1.000 bản sách in ra. Bề dày tác phẩm như thế chưa nhiều, nhưng điều dễ thấy là sách anh đã được rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm, quý mến; trân trọng cả về văn chương và người cầm bút.

Giữa tháng 2/2023, nhà giáo Nguyễn Quang Tuyên, người thầy thân thiết của anh Võ Minh, mời một số bạn hữu, đồng nghiệp đến chuyện trò, rồi thay mặt nhà văn tặng cuốn tiểu thuyết Lốc xoáy, gần 500 trang in khổ lớn, cho một số thành viên có mặt.

Nhà văn Võ Minh
Nhà văn Võ Minh

Tôi lật qua Lốc xoáy, thấy sách chia làm ba phần: Trời long đất lở; Ma quỷ cõi người; Luật đời nhân quả. Ngòi bút nhà văn đã không ngại đề cập đến đề tài cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp và hệ lụy của nó ở miền Bắc kéo dài cho đến thời kỳ Đổi mới 1986. Thú thật, đôi lúc tôi chợt nghĩ, cuốn tiểu thuyết bao quát không gian cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, cả thời thời bình và thời chiến, mấy chặng dài lịch sử đất nước đầy biến động, phức tạp như thế, Võ Minh có hơi “ôm đồm” quá chăng? Hay ở đây, với sự ôm chứa nhiều khoảng không – thời gian, sự kiện, nhân vật, tính cách, anh còn muốn kín đáo gửi gắm vào cuốn sách một ý đồ tư tưởng – nghệ thuật đã được lựa chọn?

Phần cuối bài giới thiệu cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết: “Đọc hết bản thảo cuốn Lốc xoáy của Võ Minh, tôi bồi hồi, xúc động. Dù tác phẩm có đôi chỗ khô cứng trong câu chữ, nhưng đấy vẫn là cuốn sách hay, cuốn hút độc giả bởi tính chân thực, góc nhìn riêng, mới về cải cách ruộng đất. Nó xứng đáng tìm được chỗ đứng sang trọng trên kệ sách các thư viện và trong tủ sách gia đình những người yêu sách, quan tâm đến lịch sử nước nhà”. Bảo ngôn ngữ trong tiểu thuyết có đôi chỗ khô cứng là nói chung chung vậy, theo tôi, ngôn ngữ nhân vật của Lốc xoáy phần nào còn hạn chế màu sắc địa phương, tính lịch sử – xã hội vùng miền, và cá tính riêng biệt của mỗi nhân vật?! Xin nêu, để bàn thêm.

Giọng văn trong Lốc xoáy thường đan xen chất hiện thực và hài hước, trào lộng – vốn là sở trường của dân xứ Nghệ, khiến bạn đọc lắm khi không nhịn được cười, cười ra nước mắt. Ở trang 94, 95, nhà văn để cho đội trưởng Ngô Kiểm dằn giọng thế này tại cuộc họp giữa đội cải cách ruộng đất và các thành phần cốt cán xã Đức Lộc, chuẩn bị kết án tử hình bốn tên địa chủ Hàm, Mùi, Năm, Toàn: “Ngoài việc các đồng chí phải tiên phong có mặt sớm nhất vào sáng mai ở đây, chúng ta còn có nhiệm vụ tối quan trọng nữa, đó là từng cá nhân một phải xâm nhập đến từng quần chúng một, để phát động họ tố giác, đấu tố tội ác của các tên địa chủ. Trông thấy ai đứng ì ra không đấu tố được thì các đồng chí phải đem những tờ giấy đã viết sẵn đến nhét vào tay họ để cầm lên mà đọc. Nếu họ không biết chữ thì các đồng chí phải đứng ngay sát cạnh nhắc lời cho họ đấu tố. Nói với họ rằng, tất cả những quả thực thu được trong các nhà địa chủ đang để ở đây, sẽ chia theo từng mức, tùy thuộc vào sự hăng hái, tích cực và số lần họ tham gia đấu tố những tên địa chủ này…” Chỉ cần một đoạn văn hơn trăm chữ đã đủ lột tả bản chất giả dối, tàn bạo, trâng tráo của đội trưởng Ngô Kiểm. Sau này, sang phần hai “Ma quỷ cõi người”, Võ Minh còn để cho ông Năm “nhấn” thêm với Mạnh khi anh này có ý định rời quân ngũ quay về làng giữ phần còn lại của ngôi nhà cũ: “Nếu anh quyết định về đây, thì không sống nổi với loại người ấy đâu. Bọn chúng là những đứa vô lối, bất chấp đạo lý, nên lòng tham của bọn chúng nó vô đáy!” Vốn hiểu biết, tư liệu thu thập được của nhà văn về cải cách ruộng đất một thời rất sâu rộng và cũng có thể đoán biết nó đã từng xẩy ra quyết liệt trên chính quê hương anh.

Tiểu thuyết Lốc xoáy, một tác phẩm tâm huyết của nhà văn Võ Minh

Từ đề tài chiến tranh với Có một thời như thế chuyển qua Nghị quyết cây khế, rồi Lốc xoáy (ở đó, như có lần tác giả bộc bạch, là đảo số phận của hai lớp người giàu – kẻ nghèo giữa thập niên 50 thế kỷ trước, cũng như hậu quả của nó kéo dài nhiều năm sau) chứng tỏ ngòi bút Võ Minh còn sung sức, không ngại cất công tìm tòi, nghĩ ngợi, bứt phá. Tôi dám chắc, nhà văn Vũ Ngọc Tiến ở lời đầu sách, đã phát biểu chân thành, với tấm lòng sốt sắng ghi nhận, cổ vũ của một nhà văn lớp đàn anh. Sẽ còn nhiều nội dung thú vị và cả “hóc búa”  đang chờ người đọc đây đó suy xét, chia sẻ. Một câu hỏi dễ dàng đặt ra với tác giả từ phía bạn đọc chuyên sâu: về sự kiện lịch sử Cải cách ruộng đất trên miền Bắc nước ta, đã có quá nhiều đầu sách đề cập đến, kể cả những nhà văn nổi tiếng trong nước và hải ngoại; vậy tiểu thuyết Lốc xoáy mang lại đóng góp gì nổi bật; phát hiện gì chưa hoặc ít xuất hiện trước đây, cả về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật thể hiện của tiểu thuyết Việt Nam đương đại?

Với tôi, tôi muốn hỏi anh, có phải nhân vật Minh Quang trong Lốc xoáy là một phần hành trạng, hồn vía của Võ Minh đấy không khi ở trang 355, nhà văn giới thiệu: “Còn Minh Quang, bạn ấy là một trong những người may mắn “sót sổ” được trở về dẫu chẳng còn vẹn nguyên sau chiến tranh. Giờ Minh Quang đã ra khỏi quân đội, chuyển ngành học năm thứ hai, Trường Đại học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội…”.

Nguyễn Văn Hùng/https://tapchisonglam.vn/nha-van-vo-minh-va-tieu-thuyet-loc-xoay/