Những cơ hội đã và đang mở ra với sách thiếu nhi nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng. Tọa đàm với chủ đề “Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay?” do Hội Nhà văn TPHCM vừa tổ chức như một gợi mở để các tác giả có những tác phẩm chất lượng và phù hợp với các em.

Phụ huynh chọn sách cho con ở một nhà sách tại TPHCM
Phụ huynh chọn sách cho con ở một nhà sách tại TPHCM

Những con số biết nói

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, số sách thiếu nhi chiếm khoảng 13% tổng số sách được xuất bản. Tỷ lệ này cao hơn một số thể loại như: sách chính trị, pháp luật; sách khoa học công nghệ, kinh tế; sách văn học… Trong khi đó, theo thông tin từ Đường sách TPHCM, cũng trong năm 2022, doanh thu sách thiếu nhi tại đây đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 236% so với năm 2021.

Mới đây, Ban tổ chức cuộc vận động Sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi (do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ cuối năm 2021, kéo dài đến tháng 5-2025) hé lộ: mặc dù phải đến ngày 15-6 mới kết thúc đợt 1, nhưng đến ngày 3-3, Ban Sáng tác đã nhận được 122 tác phẩm dự thi, gồm: 77 tác phẩm văn xuôi và 45 tác phẩm thơ. Tại giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 ghi nhận có 17 tác phẩm tham dự xét giải thưởng Văn học thiếu nhi của các tác giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có tác giả đã thành danh và có cả tác giả mới lần đầu sáng tác.

Theo nhà văn Võ Thu Hương, Trưởng Ban Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn TPHCM, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi hiện nay có sự tiếp nối, từ những tác giả thế hệ lớn tuổi U70, U80 như Trần Đức Tiến, Kim Hài, Trần Quốc Toàn, Mai Bửu Minh, đến thế hệ 8X như Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê, Phương Huyền… Gần đây có nhiều tác giả 9X, 10X cũng đã bắt đầu xuất hiện và để lại ấn tượng với bạn đọc. “Không chỉ được độc giả yêu thích mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao. Đó là những tín hiệu đáng mừng và trong sự quan sát của mình, tôi thấy dòng chảy văn học thiếu nhi luôn có những gương mặt mới để cho chúng ta hy vọng”, nhà văn Võ Thu Hương cho biết.

Sự thành công từ chất liệu đời sống

Dẫn ra những tác phẩm nổi tiếng như Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), hay gần đây là tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến và Từng ngày ba mẹ thở theo con của nhà thơ Lê Minh Quốc, Đu đưa trên ngọn cây bàng (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy) – đoạt giải Dế Mèn lần 3 hạng mục “Khát vọng Dế Mèn”…, nhà văn Trần Quốc Toàn cho rằng, chất liệu cho văn học thiếu nhi không ở đâu xa mà ngay trong chính nhà mình. Ông lý giải: “Đây là kho đề tài, chất liệu mà ai cũng có. Và điều này không lo bị cạnh tranh, bởi vì mỗi tác giả sẽ có một câu chuyện, trải nghiệm riêng. Hẳn nhiên, chất liệu thật không chỉ để ghi chép thành bút ký. Bằng chất liệu ấy, người viết có thể làm thành tản văn, tự truyện, truyện, thơ và kịch cho thiếu nhi, với một kỹ thuật, một phép màu văn chương, đó là hư cấu hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này”.

Đồng quan điểm, nhà văn Võ Thu Hương cho biết, chị là người thích chơi với trẻ con, và cũng có trẻ con trong nhà. Với chị, đó là chất liệu dồi dào nhất cho những tác phẩm của mình, bởi chỉ cần trò chuyện với con thì cũng có thể bật ra những câu chuyện hay. “Dĩ nhiên, nhà văn cũng không thể bê hoàn toàn câu chuyện đó vào tác phẩm mà cần có sự hư cấu, cách thể hiện độc đáo để câu chuyện trở nên hấp dẫn, thú vị hơn. Đó là cách tìm chất liệu thông thường mà đa số nhà văn viết cho thiếu nhi đã và đang vận dụng”, nhà văn Võ Thu Hương nói thêm.

Có một thực tế là khoảng cách thế hệ, sự thay đổi nhanh chóng của đời sống đã khiến không ít tác giả gặp khó khăn khi viết cho thiếu nhi. Là một nhà văn đồng thời cũng đang là nhà báo viết cho thiếu nhi, nhà văn Gia Bảo cho rằng, các tác giả cần phân ra từng độ tuổi để quyết định tác phẩm của mình dành cho đối tượng đọc nào. Từng nhóm đối tượng như vậy sẽ có những cách khác nhau để truyền tải tác phẩm đến các em một cách phù hợp. Theo nhà văn Gia Bảo, đối với nhóm tuổi mầm non, tiểu học thì truyện đồng thoại là thể loại mà các cháu yêu thích, dễ cảm, dễ đọc. Còn đối với lứa tuổi cấp 2, cuộc sống của các em bây giờ đã thay đổi so với tuổi thơ của các tác giả lớn tuổi. Ngay cả tuổi thơ của một số tác giả 9X, dù có thể vẫn tiệm cận nhưng thực tế cũng đã thay đổi rất nhiều. “Do đó, các tác phẩm văn học dành cho các em ở lứa tuổi này, để các em thấu cảm, yêu thích cần mang đúng hơi thở cuộc sống của các em, từ ngôn ngữ, hình ảnh, bối cảnh, chất liệu…”, nhà văn Gia Bảo gợi ý.

“Khi một nhà văn muốn viết cho thiếu nhi không cần cất công tìm kiếm xa vời, tất cả chất liệu để xây dựng một tác phẩm đầy rẫy xung quanh ta. Và cũng như tác phẩm viết cho người trưởng thành, các em đòi hỏi tác phẩm ấy phải sử dụng các chất liệu mà các em đang sở hữu, nghe nhìn, hiểu”, nhà văn Kim Hài chia sẻ.

HỒ SƠN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-chat-lieu-gan-gui-cho-van-hoc-thieu-nhi-post682169.html