Những công trình này cho thấy hình hài một đô thị được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” đang phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX tại Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ công bố nhiều tài liệu, hình ảnh phản ánh các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng các công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng tại đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ

Trong ảnh là Nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ XX. Theo tài liệu công bố, Nhà thờ Đức Bà ban đầu được xây dựng bên bờ một con kênh đã có rất lâu trước khi bị lấp đi thành đại lộ Charner (Nguyễn Huệ). Sau đó, nhà thờ nằm trên một vị trí của Tòa Hòa giải hiện nay và ở đó cho đến năm 1868. Đến năm 1877, nhà thờ mang tên Nhà thờ Đức Bà và nằm tại địa điểm như hiện nay.

Dinh Thống đốc ban đầu được làm bằng gỗ, nằm ở vị trí góc đường Taberd và đường Imperiale trong khuôn viên trường Frères des Écoles Chrétiennes (Taberd). Khoảng năm 1865, người ta bắt đầu nghiên cứu và tìm kiếm một khu đất thích hợp để xây dựng một tòa dinh cho thống đốc. Một khu đất rộng 15 ha đã được chọn, nằm trên phần cao nhất của vùng Sài Gòn, trong đó phần mặt tiền tráng lệ nhìn ra phía đại lộ Norodom. Ngày 23/2/1868, công trình xây dựng Dinh Thống đốc mới được khởi công. Cuối năm 1869, công trình này hoàn thành và được đưa vào sử dụng một thời gian không lâu sau đó.

Vườn Bách thảo Sài Gòn được thành lập theo quyết định ngày 10/6/1863 của Đô đốc La Grandière, nằm trên một vùng có diện tích 20 ha, tựa vào rạch Thị Nghè và đối diện với Dinh Toàn quyền, ở phía đầu đại lộ Norodom.

Nhà hát Thành phố. Nhà hát đầu tiên ở Sài Gòn là nhà hát của người Hoa. Trong phiên họp ngày 4/12/1893, Hội đồng thành phố được đề nghị bỏ phiếu thông qua việc xây dựng nhà hát mới. Địa điểm được chọn là ở đại lộ Bonnard, đoạn nằm giữa tòa Đốc lý và nhà hát cũ. Nhà hát mới của thành phố được nhà thầu và kiến trúc sư Felix Olivier, Ernest Guichard và Eugene Ferret xây dựng, với mặt tiền của nhà hát giống điện Petit Palais ở Paris. Nhà hát được khánh thành vào ngày 17/1/1900.

Tòa thị chính Sài Gòn (nay là UBND TP.HCM). Sau nhiều năm tranh cãi về địa điểm và đồ án thực hiện, cuối cùng vào ngày 15/5/1896, địa điểm đã được chấp thuận cho xây dựng tại lô đất ở cuối đại lộ Charner. Tòa nhà được đưa ra đấu thầu xây dựng vào ngày 21/8/1901, bên trúng thầu là nhà thầu Graf Jacques, với tổng số tiền dự kiến là 337.500 fr. Tháng 2/1909, lễ khánh thành tòa nhà được tiến hành.

Năm 1912, Chợ Mới (chợ Bến Thành) được hãng thầu Brossard et Mopin khởi công xây dựng sau khi trúng thầu với giá trị xây dựng là 975.000franc và hoàn thành vào tháng 3/1914. Ngôi chợ mới này được hình thành để thay thế chợ cũ nằm trên đại lộ Charner, đường Nguyễn Huệ ngày nay, vốn đã cũ kỹ và có nguy cơ đổ sụp. Địa điểm được chọn nằm ở vị trí chợ Bến Thành hiện nay.

Dinh Thống đốc Nam Kỳ (nay là Bảo tàng TP.HCM). Dinh Thống đốc Nam Kỳ được chuyển đổi từ một nơi được gọi là bảo tàng thương mại. Theo báo cáo ngày 18/11/1890 của Kiến trúc sư, trưởng Sở Nhà ở dân dụng, thì trong phiên họp họp ngày 8/1/1890 Hội đồng Thuộc địa đã bỏ phiếu thông qua việc chuyển đổi bảo tàng thương mại thành Dinh Thống đốc Nam Kỳ và đồng ý cấp một khoản kinh phí ban đầu là 19.100 USD để thực hiện các hạng mục chuyển đổi cơ bản.

Trường trung học Nữ sinh bản địa Sài Gòn (trường Nguyễn Thị Minh Khai). Theo dự án của Sở Công chánh về việc xây dựng một trường nữ sinh bản địa ở Sài Gòn, được thông qua vào ngày 29/7/1913, Thống đốc Nam Kỳ đã ban hành nghị định số 117 ngày 17/9/1913 ấn định tổng số tiền dùng để xây trường là 89.833,27 USD. Công trình được xây dựng và hoàn thành vào năm 1915.

Năm 1915, chính quyền Nam Kỳ giao cho kỹ sư Hebrand de Villeneuve nhiệm vụ thiết kế một ngôi trường ở khu vực Chợ Quán, lấy tên là trường trung học Nam Kỳ. Đến trước thời điểm khai giảng năm học năm 1928-1929, ngôi trường được hoàn thành sau khi gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng và được đổi tên thành trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký.

Bưu điện Thành phố. Vào ngày 1/11/1865, Phó Đô đốc Thống đốc Nam Kỳ đã ban hành mệnh lệnh cho mời thầu xây dựng tòa nhà bưu điện, thay thế ngôi nhà đơn sơ lúc ban đầu. Trong khoảng những năm 1886 đến 1891, Bưu điện Thành phố được xây dựng lại dựa trên đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux, theo phong cách phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông.

Bệnh viện Grall (Bệnh viện Nhi đồng II). Được thành lập năm 1861 theo quyết định của Đô đốc Bonard, đến năm 1876 được xây dựng lại theo cấu trúc như hiện nay. Đây là một bệnh viện đa khoa với 200 giường bệnh.

nguồn: https://zingnews.vn/nhung-cong-trinh-tieu-bieu-o-sai-gon-cho-lon-100-nam-truoc-post1333680.html