Những đặc trưng văn hóa ứng xử bạn nên biết khi đến Hàn Quốc – Vivian Song

Việc hỏi tuổi tác thường bị coi là khiếm nhã trong một số nền văn hóa, song ở Hàn Quốc lại gần như là một nghi thức cần thiết ngay từ đầu để thiết lập trật tự giao tiếp.

Lần đầu tiên Joel Bennett, một người Anh đang làm việc tại Hàn Quốc, nhận ra anh đã phạm phải một một sai lầm ngôn ngữ nghiêm trọng là khi anh cảm ơn chủ nhà hàng về bữa ăn ngon trong chuyến đi đầu tiên đến Hàn Quốc.

Bà chủ nhà hàng đã ngoài 60 tuổi trong khi Bennet, khi đó mới có 23 tuổi thôi nhưng anh lại nói “gomawo“, một cách cảm ơn đơn giản và thân thiện của những người bạn cùng trang lứa. Anh đinh ninh là mình đã cư xử lịch sự.

Bennett, nay đã 33 tuổi, khi đó không biết là anh đã nói câu cảm ơn một cách thiếu kính trọng đối với các bậc cao niên và nếu như anh là người Hàn thì câu cảm ơn cộc lốc này có thể đã bị coi là hỗn láo và xúc phạm người lớn tuổi hơn.

“Tôi đã không hề biết rằng là có rất nhiều cách để nói cảm ơn,” Bennett nói. “Tôi đã luôn nghĩ cảm ơn đơn giản chỉ là nói ra câu ‘cảm ơn’ mà thôi.”

Thế nhưng trong văn hóa Hàn Quốc, là một người trẻ hơn cả vài chục tuổi so với bà chủ nhà hàng, Bennett lẽ ra nên sử dụng kính ngữ trong tiếng Hàn, một hệ thống câu từ phức tạp với nhiều cấp độ trang trọng khác nhau và thường được mô tả là một trong những ngôn ngữ phức tạp nhất trên thế giới do nó đòi hỏi người ta phải liên tục đánh giá độ tuổi, vai vế xã hội và mức độ thân thiết với đối tượng đang giao tiếp.

Đây là lý do tại sao ở Hàn Quốc, chỉ một lát sau khi gặp gỡ một ai đó, chắc chắn bạn sẽ được hỏi về tuổi tác.

Thoải mái chia sẻ về tuổi tác hoặc năm sinh không chỉ đơn thuần là một quy ước trong giao tiếp. Nó còn là một dạng ‘khế ước’ để thiết lập tôn ti trật tự và thứ bậc giữa mọi người với nhau. Bởi vì việc hơn kém nhau dù chỉ một tuổi thôi là cũng có thể chi phối mọi thứ, từ cách nói chuyện cho đến cách ăn uống cùng nhau.

“Yếu tố hàng đầu để xác định kiểu hội thoại nên dùng là tuổi tác,” Jieun Kiaer, giáo sư về ngôn ngữ và ngôn ngữ học Hàn Quốc tại Đại học Oxford, giải thích. “Đây là lý do tại sao mọi người luôn hỏi tuổi nhau. Không phải bởi vì họ tò mò về tuổi của bạn mà là vì họ thực sự cần phải biết để xưng hô sao cho cho phù hợp.”

Với một số người phương Tây, việc hỏi tuổi người mới quen có thể bị coi là tọc mạch.

Nhưng để thực sự hiểu được tại sao tuổi tác không đơn thuần chỉ là một con số trong xã hội Hàn Quốc, người ta nhất thiết phải hiểu được tác động lâu dài của tân Nho giáo ở Hàn Quốc, một ý thức hệ cổ, đề cao lòng hiếu thảo, sự kính trọng dành cho người lớn tuổi và tôn trọng trật tự xã hội.

Nho giáo chi phối đất nước này trong suốt hơn 500 năm, xuyên suốt Lý thị Vương triều (triều đại Joseon) (1392-1910) và vẫn tiếp tục ảnh hưởng các đến các chuẩn mực xã hội ngày nay.

“Toàn bộ Nho giáo có thể được gói gọn trong hai chữ,” Ro Young-chan, giáo sư nghiên cứu về tôn giáo và giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học tại Đại học Mason tại Fairfax, bang Virginia, nói. “Đó là Nhân và Lễ.”

Việc truyền bá tư tưởng của Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên), triết gia người Trung Quốc, bắt đầu từ giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Trung Hoa, Ro cho biết.

Để tái lập trật tự trên toàn lãnh thổ, Khổng Tử tin rằng nhân tính có thể được cứu vãn bằng việc thiết lập cấu trúc xã hội dựa trên một bộ quy tắc nghiêm khắc về đạo đức và lễ nghĩa. Trong cấu trúc đó, tất cả mọi người giữ một vai trò nhất định và tất cả đều ý thức được vị trí của mình.

Tân Nho giáo cho rằng việc xây dựng một xã hội hòa hợp trên dưới đồng lòng có thể đạt được bằng việc tôn trọng trật tự tự nhiên của năm mối quan hệ trung tâm, được gọi là oryun trong tiếng Triều Tiên: vua tôi, phu phụ, phụ tử, huynh đệ, và bằng hữu.

Người bề trên trong các mối quan hệ đó, như vua, cha, chồng, anh trai, được người dưới kính trọng và luôn tỏ ý khiêm nhường, đổi lại, người dưới được người trên đối xử một cách khoan dung.

Nhưng ngoài năm mối quan hệ cốt lõi nêu trên, khi gặp một người mới, ai sẽ được trao thứ bậc cao hơn – và ai sẽ được quyền đòi hỏi đối phương phải tỏ ý tôn trọng, cung kính và các nghi thức khách khí kèm theo?

Đó chính là lúc cần xem xét đến khía cạnh tuổi tác.

Xã hội Hàn Quốc vẫn đề cao truyền thống hiếu thảo, kính trọng những người lớn tuổi và tôn trọng cấp bậc, vai vế trong xã hội – GETTY IMAGES

Hệ thống kính ngữ trong tiếng Hàn có nhiều cấp độ hội thoại và văn phong, song trong những cuộc trò chuyện hàng ngày có thể được chia ra làm hai tầng chính: banmal là kiểu giao tiếp dân dã, suồng sã; và jondaemal là nghi thức nói chuyện nghiêm túc trang trọng, thường đi kèm với từ “yo” cuối câu để tỏ ý lễ phép.

“Để tìm được lối nói chuyện phù hợp, đòi hỏi người nói phải rất thận trọng và trao đổi kỹ càng với đối phương,” Kiaer nói. “Và việc nói sai cách có thể gây mâu thuẫn trong cuộc trò chuyện, và bạn sẽ không thể giao tiếp suôn sẻ với đối phương được nữa.”

Dù tuổi tác đóng vai trò lớn trong việc quyết định kiểu nói chuyện với nhau, song đây không phải là quy tắc duy nhất và rõ ràng, Kiaer giải thích.

Có rất nhiều tiểu tiết và yếu tố phải cân nhắc thêm, như bối cảnh, mối quan hệ kinh tế-xã hội giữa các bên, mức độ thân thiết, và việc giao tiếp xảy ra ở chốn công cộng hay chỗ riêng tư.

Nhờ làn sóng Hallyu lan tỏa văn hóa Hàn Quốc đến mọi miền thế giới – với một số đại diện điển hình như K-Pop, bộ phim ‘Ký sinh trùng’ hay ‘Squid Game’ thời gian gần đây trên Netflix – các nguyên tắc này trở nên dễ giải thích hơn, bà nói, nhưng vẫn còn khá khó hiểu.

Trên thực tế, những quy tắc này rắc rối đến mức ngay cả người Hàn cũng có thể mắc sai lầm.

Trong một nghiên cứu năm 2019 đăng trên tạp chí Discourse and Cognition, Kiaer chỉ ra trong các năm từ 2008 đến 2017, có hơn 100 sự vụ nghiêm trọng hoặc ẩu đả tại Hàn Quốc bắt nguồn từ mâu thuẫn trong cách nói chuyện do một trong hai phía đã chuyển sang banmal, cách nói chuyện thiếu kính trọng, bị coi là vô lễ trong bối cảnh này.

“Điều thú vị là việc này không chỉ khó khăn với người ngoại quốc thôi mà với cả người Hàn nữa,” Kiaer nói.

Đến lúc này thì với tôi, một người Canada gốc Hàn thế hệ thứ hai với vốn tiếng Hàn ở mức bập bõm, bắt đầu cảm thấy hơi hoang mang.

Tôi lục lại trong ký ức những lần tôi có thể đã ăn nói sỗ sàng với người lớn tuổi hơn trong gia đình và suồng sã không phải lối với những người trẻ tuổi hơn tôi.

Tôi đã không chút ngại ngùng tranh thủ cơ hội để hỏi chuyên gia ngôn ngữ học một câu hỏi cá nhân: Trong lần đầu gặp em gái của chị dâu tôi, cô ấy nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi, có phải tôi đã phạm sai lầm khi chuyển sang banmal sau vài tiếng đồng hồ trò chuyện kể từ lúc gặp mặt? Kiaer ngập ngừng mất vài giây để tìm câu trả lời thấu đáo.

Tôi có thể thấy rằng Kiaer đang cố gắng giải thích mọi chuyện một cách nhẹ nhàng với tôi.

Dù rằng rõ ràng tôi là người lớn tuổi hơn, nhưng cô ấy lại là người bên nhà thông gia, một mối quan hệ rất đặc biệt trong văn hóa Hàn Quốc, và tôi thì chỉ mới gặp cô ấy lần đầu. Hoặc là tôi nên tiếp tục dùng jondaemal, hoặc là tôi nên xin phép được xưng hô bình thường với cô ấy và chỉ sử dụng banmal nếu cô ấy đồng ý, Kiaer nói.

Việc ăn nhậu ở Hàn Quốc khá rắc rối với nhiều quy tắc, bao gồm việc bạn không được phép để cho ly của người lớn tuổi cạn đáy quá lâu – GETTY IMAGES

“Để tìm được lối nói chuyện phù hợp, bước đi đầu tiên luôn là phải trao đổi với nhau về phương thức giao tiếp. Vì nếu bạn chuyển sang lối nói chuyện khác mà không hỏi và được đồng ý trước, đối phương có thể cảm thấy bị xúc phạm.”

Trước khi chuyển tới Hàn Quốc làm việc vào tháng Tám, Delia Xu đến từ Toronto đã chủ đích học tiếng Hàn để tránh phạm sai lầm trong giao tiếp. “Tôi nghĩ khi bắt đầu học ngôn ngữ mới, việc học cấu trúc ngữ pháp là điều rất quan trọng,” cô nói. “Vì bạn không muốn vô tình bị coi là kẻ thô lỗ.”

Các cử chỉ phi ngôn ngữ và cách cư xử dành cho những đối tượng ở vị trí thấp hơn trong thứ bậc xã hội cũng nhiều không kém.

Trong một video đăng trên YouTube vào năm 2015 với hơn 1,2 triệu lượt xem, Bennett được chỉ dẫn cách hầu rượu người lớn tuổi ở Hàn Quốc.

Các quy tắc đi kèm thật sự gây chóng mặt: để thể hiện sự tôn trọng, bạn phải rót thức uống bằng hai tay; quay đầu sang chỗ khác để không nhìn thẳng vào mặt bậc cao niên khi nâng ly uống; không được để ly của người lớn cạn đáy quá lâu; và phải đợi họ đặt ly xuống trước rồi mới được hạ ly của mình xuống sau.

“Không phải là gây khó cho bạn, mà chỉ đơn giản là bạn cần phải để ý nhiều hơn thôi,” Bennett nói. “Tôi để ý tốc độ uống bia của họ và tôi phải làm sao để không uống nhanh hơn họ. Tôi phải đảm bảo rằng ly của họ luôn được rót đầy bia để khi chúng tôi cụng ly, mọi việc không trở nên khó xử.”

Xu cũng công nhận rằng việc học quy tắc uống rượu bia có thể gây nản lòng.

“Chắc chắn là rất áp lực vì bỗng nhiên bạn phải lãnh quá nhiều trách nhiệm,” cô nói. “Nếu bạn uống rượu mà không nhìn đi nơi khác, là bạn đã xúc phạm bậc cao niên. Điều này chắc chắn là hơi quá nhưng tôi tin là thực hành riết rồi cũng sẽ quen.”

Khách đến Hàn Quốc nên biết về hệ thống ngôn từ phức tạp với nhiều cấp độ hội thoại

Đến đây, có lẽ dễ dàng nhận ra rằng Hàn Quốc có dạng cấu trúc xã hội phân biệt tuổi tác và giới tính, theo đó người phụ nữ luôn được trông đợi sẽ phải ‘xuất giá tòng phu’. Nhưng, như Bennette nhanh chóng nhận ra, đi kèm với vị thế người lớn tuổi là trọng trách lớn lao tương ứng.

“Phần lớn trọng trách mang một ý nghĩa tốt đẹp, đó là phụng sự”, ông nói. “Nếu tôi là người lớn, với nhiều kinh nghiệm hơn trong sự nghiệp và cuộc sống, tôi sẽ trông chừng bảo vệ bạn vì tôi lớn tuổi hơn.”

Ở Hàn Quốc thời hiện đại, điều đó có thể là người lớn tuổi hơn sẽ trả tiền khi đi ăn tối, hay là nhận trách nhiệm làm cố vấn về công việc lẫn cuộc sống cá nhân.

Quan niệm này khởi nguồn từ nguyên tắc về lòng hiếu thảo và sự kính trọng. Trong những mối quan hệ thân thiết hơn, những người bạn là phụ nữ lớn tuổi hơn không được gọi bằng tên mà được gọi bằng một từ chung là “chị” (unni nếu người gọi là nữ và noona nếu người gọi là nam).

Những người bạn là đàn ông nếu lớn tuổi hơn cũng được gọi là “anh” (obba nếu người gọi là nữ, hyung nếu người gọi là nam).

“Ở Hàn Quốc, đạo đức xã hội gắn liền với gia đình,” Ro giải thích. “Chúng ta phải hiểu xã hội như một đại gia đình. Nếu bạn gặp một người lớn tuổi hơn, bạn nên đối xử với họ như với anh chị trong nhà. Đó là một cách nhìn thú vị về xã hội, quốc gia và về thế giới. Sự nhân văn đó chỉ là một phần mở rộng của chính gia đình mình.”

Nhưng Ro cũng thừa nhận rằng đâu đó, quy tắc Nho giáo về giao tiếp có đi có lại giữa người già và người trẻ, người lớn tuổi hơn và người nhỏ tuổi hơn, nam và nữ đã bị mai một chút chút. Thay vì một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi khi sự tôn trọng được trao gửi để đổi lại sự quan tâm hỗ trợ, và sự kính cẩn đổi lại sự hướng dẫn, hệ thống thứ bậc có thể trở nên mục ruỗng do bị lạm dụng và bất bình đẳng.

Ví dụ như trong văn hóa công sở Hàn Quốc, việc cấp trên bắt nạt cấp dưới trở nên phổ biến đến mức có cả một thuật ngữ dành cho tình trạng “ma mới ma cũ” nơi công sở gọi là gapjil.

Và nếu xét tới tình trạng bất bình đẳng giới, Hàn Quốc luôn là nước có khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ cao nhất trong 38 nước thuộc khối OECD. Ngoài ra, vẫn còn sự phản kháng quyết liệt từ những người đàn ông Hàn Quốc bảo thủ đối với các phong trào nữ quyền đang trên đà phát triển trong những năm gần đây.

Một học giả Hàn Quốc hiện đại, Kim Kyung-il, thậm chí kêu gọi từ bỏ toàn bộ Nho giáo trong cuốn sách gây tranh cãi có tựa đề “Khai tử Nho giáo vì sinh mệnh quốc gia”. Tuy nhiên, với Ro, ung nhọt của xã hội Hàn Quốc không đến từ Nho giáo, mà đến từ việc hiểu sai Nho giáo.

“Nho giáo là một truyền thống cần được hoàn thiện liên tục qua thời gian,” ông nói. “Chúng ta phải làm cho truyền thống này sống động, đồng thời diễn giải lại để truyền thống đó có ý nghĩa hợp lý trong xã hội hiện đại. Nho giáo đã có 2.500 tuổi rồi. Chúng ta không thể đơn giản là vứt bỏ nó. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta mang ơn truyền thống này.”

nguồn: BBC Travel