Chính phủ Mỹ đã chính thức quyết định công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc nổi tiếng liên quan đến chiến tranh Việt Nam sau 40 năm tài liệu này được xếp vào hàng tuyệt mật. Những tài liệu đó đã hé mở phần nào sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam từ năm 1945 đến 1967. Trước đó, những câu chuyện của Tim O’Brien cũng đã phần nào hé lộ những tâm sự của những người lính Mỹ ở bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tại một xứ sở nhiệt đới khắc nghiệt – Việt Nam. Thông qua cuốn sách, sự thật về nỗi đau chiến tranh đã được phơi bày. Nỗi đau ấy rõ ràng không có ranh giới phân chiến tuyến. Những ám ảnh mà nó hằn lên tâm trí của những cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ có vô vàn điểm tương đồng và chia sẻ.

Năm 1987, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã tạo ra một cách nhìn hoàn toàn chân thực và sống động về chiến tranh. Độc giả không khỏi xót xa trước số phận của những con người trẻ tuổi bỗng nhiên bị hất tung vào cuộc chiến mà ở đó, sự tàn bạo và khốc liệt đã làm nhiều tâm hồn trở nên biến dạng. Trở về sau cuộc chiến ấy, những ám ảnh dai dẳng về máu, về nước mắt, về sự tàn lụi và đảo điên luôn bám riết lấy những người lính may mắn sống sót. Ngay cả khi đang hít thở không khí hòa bình, trái tim ám khói chiến tranh của họ vẫn không hề cảm thấy bình yên. Những cảm giác đó sẽ lại trở lại khi người đọc lần giở từng trang trong cuốn sách “Những thứ họ mang” của Tim O’Brien.

Cuốn sách cũng viết về những người trẻ tuổi ngẫu nhiên bị cuộc chiến tranh tại một xứ sở xa lạ vồ lấy mang đi… Và hơn ai hết, họ hiểu sự phi nghĩa của cuộc chiến mà họ buộc phải tham gia vì danh dự. Nỗ lực để kể lại một câu chuyện chân thực hơn cả “sự thật” mà người ta được kể về chiến tranh là cách để Tim dành lại tuổi thanh xuân cho mình, giải tỏa gánh nặng của hồi ức chiến tranh và chết chóc đã bám riết lấy ông suốt gần 20 năm tham chiến tại Việt Nam. Qua đó, ông làm sống lại những câu chuyện mà nếu có cơ hội lựa chọn, chắc chắn nó sẽ xảy ra theo hướng khác.

Cuốn sách thực sự là một câu chuyện sống động về những người đã chết. Với cuốn sách này, Tim O’Brien không chỉ giải phóng cho mình mà còn phục sinh cho đồng đội – những người đã bỏ mạng tại Việt Nam. Nhờ câu chuyện của ông mà sự ra đi của những chàng lính trẻ sẽ không hoàn toàn trở thành vô nghĩa. Hành trang của những người lính Mỹ khi đến và chiến đấu tại Việt Nam là những thứ quan trọng và cần thiết để đảm bảo sự sống của họ. Tất cả bắt buộc phải mang đầy đủ súng, đạn, những tấm pông sô vừa là chăn ấm, đệm êm, vừa là tấm vải liệm…. Họ mang những đồ vật may mắn để làm vơi bớt đi phần nào nỗi sợ hãi, run rẩy khi cái chết luôn chực chờ sau lưng. Có người mang hòn sỏi của người yêu, những bức ảnh, quần tất… Thậm chí một ngón tay cắt ra từ xác chết cũng được xem như thứ bùa may mắn. Mỗi thứ đều có thể được định lượng rất rõ ràng, cụ thể đến từng ao-xơ. Thế nhưng bên cạnh đó, nỗi sợ hãi, sự hèn nhát, lòng thù hận, nỗi hoang mang, niềm thất vọng dù không thể đo đếm được cứ lớn dần lên và át đi tất cả. Chúng khiến cho niềm tin và hi vọng không còn chỗ trong chiếc balo chật chội của người lính trên đường hành quân.

Có lẽ không sai khi nói rằng chính những người đã đi qua chiến tranh là những người có cảm nhận sâu sắc nhất về sự vô nghĩa của nó. Ngày ngày, đội quân dàn hàng lùng sục và đốt phá nhiều xóm làng mà thực chất họ không biết chính xác mình đang tìm kiếm thứ gì. Với họ, chiến tranh là một mảnh vườn màu mỡ để ươm mầm cái ác. Ở đó, mỗi tội ác đều sống sít và man rợ. “Khi đến đây ta trong trắng, thế rồi ta vấy bẩn và sau đó chẳng bao giờ như trước nữa” – một câu nói đủ để khái quát lên tất cả sự tha hóa trong tâm hồn những người lính trẻ sau một thời gian chiến đấu để giành giật lấy sự sống.

Cận kề với bom đạn và cái chết, tâm hồn của họ trở nên cứng rắn hơn và cũng lạnh lùng hơn. Họ buộc phải học cách đối diện hàng ngày với cái chết: cái chết của những người xa lạ, cái chết của đồng đội; cái chết của con vật, cái chết của con người; cái chết của những người họ không biết tên nhưng có thể nhớ đến từng chi tiết, cái chết họ tình cờ nhìn thấy ven đường hay cái chết do họ gây ra… Những cái xác dường như là thứ xuất hiện nhiều nhất ở cái xứ sở nóng ẩm mưa nhiều này và gớm ghiếc thay, những cái xác ấy hiếm khi còn nguyên vẹn. Đôi lúc, họ đùa giỡn thần chết và cõi tử bằng cách đặt ra những trò may rủi và học cách cư xử với xác chết như những “cái xác sống”. Họ dựng những cái xác lên để trò chuyện, bắt tay, bỡn cợt hay cả trêu trọc nữa. Không đạo đức. Không nhân tính. Chiến tranh có tất cả những điều đó và nó giàu lên bởi sự tàn ác của những sinh vật mang hình người./.

Tác giả: Tim O’brien
Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Công ty phát hành: Nhã Nam