“Những vọng âm nằm ngủ” nối tiếp Mộ phần tuổi trẻ như một nhát dao kết liễu. Chiến tranh hay những chủ đề về dĩ vãng, quá khứ, lịch sử vẫn luôn là vấn đề hệ trọng với người Việt. Tiểu thuyết này như những chuỗi âm thanh, các tiếng nói uất thán bị giày nát trong tấn bi kịch dân tộc, họ sống, vật lộn trong tuổi trẻ nhàu rách không lối thoát. Hy vọng, đam mê cùng tình yêu lẫn thù hận quay tròn trong bánh xe xích sắt, tiếng nói rỉ ra cắm xuyên vào da trong lối hành văn tỉnh bơ, nửa điên dại nửa thản nhiên, khi thì bi thương tuyệt vọng. Thời gian chết cứng trong một thời khắc định mệnh. Những năm tháng đấy, tôi là ai và những tháng năm bây giờ tôi là ai. Công việc viết văn, vẫn là trách nhiệm về một câu trả lời…

“Chiến tranh nghiền xuống như cái nắp quan tài. Người tình của K tìm kiếm gì trong những cuộc tình với những người đàn ông mang bóng âm của K. Quá khứ khuất đi nhưng không chắc con người quên được, họ mong những thế thân để mãi ghi nhớ về một giai đoạn đẹp trong tiếng cột sống gãy lìa. Huỳnh Trọng Khang viết về chiến tranh không vì hận thù, không để nhắc nhở ngưòi đời đừng quên, anh làm công việc của một người quật mộ, lôi cổ hết phế thạch và rửa chúng dưới ánh sáng. Chiến tranh luôn tàn nhẫn còn con người phải sống, và đừng quên quá khứ trong một suối nguồn nuôi lớn con người.” – (Tru Sa)

Tác giả: Huỳnh Trọng Khang
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: Phương Nam