Trong Offline: Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội (Tân Việt Books và NXB Dân Trí), hai tác giả Imran Rashid và Soren Kenner sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin gây sốc về cách các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Apple, Google và Instagram… sử dụng cách “hack tâm trí” để khiến bạn và con bạn bị cuốn hút vào các sản phẩm của họ. 

Gần đây, có rất nhiều cuốn sách và các nghiên cứu chuyên sâu đề cập đến những tác động tiêu cực của công nghệ và đặt câu hỏi về những mặt trái của thế giới thiết bị thông minh, mà nhiều người trên thế giới đã và đang lao vào một cách thiếu suy nghĩ.

Cha mẹ dán mắt vào điện thoại trong khi mặc kệ con cái cũng chúi đầu vào thiết bị thông minh. Xe buýt và quán cà phê đầy những người không nói chuyện với nhau; thậm chí người đi bộ cũng cắm mặt vào màn hình điện thoại… Các thiết bị thông minh đang làm con người ít gặp gỡ, ôm hôn, chạm vào nhau, thậm chí các cặp đôi cũng ít quan hệ tình dục hơn.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra thế hệ millennials có ít mối quan hệ hơn, ít tương tác hơn và thiếu tự tin khi tương tác với những người thực tế, thay vì những người bạn trên mạng internet mà họ trò chuyện hàng ngày.

Bên cạnh những mặt tích cực, cuốn sách còn cho thấy các thiết bị kỹ thuật số và ứng dụng đi kèm đang gây ra các loại ô nhiễm

Trong cuốn sách Offline, hai tác giả cũng khẳng định hiện tượng phổ biến này, đồng thời cảnh báo hàng trăm triệu người đang phải hứng chịu các ô nhiễm kỹ thuật số, gây độc hại cho cơ thể và tâm trí không kém các chất gây ô nhiễm môi trường khác.

Rối loạn giấc ngủ; căng thẳng gia tăng; khả năng phục hồi bị suy giảm; thể chất yếu đi; mối quan hệ với người thân bị suy giảm; nơ-ron thần kinh tái cấu trúc kém, đặc biệt là ở trẻ em… là các ô nhiễm về mặt sinh lý của những người nghiện thiết bị kỹ thuật số.

Về mặt tâm lý, việc nghiện các thiết bị số làm đầu óc kém hoạt bát, giảm thiểu khả năng kiểm soát xung động, tăng mức độ của các hành vi bốc đồng, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, hành vi phản ứng ngày càng gia tăng, hành vi chủ động ngày càng ít đi; thời gian chú ý bị rút ngắn; khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng giảm sút; ít kiểm soát được bản thân làm lòng tự trọng bị suy giảm; cảm thấy cuộc sống của mình thua kém nhiều người khác, không yêu bản thân.

Về mặt xã hội, người nghiện các thiết bị kỹ thuật số sẽ có tương tác thực ngoài xã hội bị giảm sút, có ít lòng thông cảm với người khác, sợ bị bỏ rơi, dễ dàng tham gia vào các hành vi tiêu cực như bắt nạt hội đồng; nhìn nhận hiện thực lệch lạc, giảm gắn kết xã hội, thậm chí gia tăng chống đối xã hội.

Theo hai tác giả, đây là hậu quả không lường trước được và ngoài mong muốn của sự tiếp xúc giữa giác quan nhận thức mong manh của loài người sau ba triệu năm tiến hóa với công nghệ sử dụng dữ liệu lớn – Big data.

Trong khi đó, não bộ vẫn đang thích nghi với sự thay đổi của môi trường vật chất và tinh thần, cùng quá trình xã hội hóa kéo dài hơn 60 ngàn năm.

Chưa hết, công nghệ Big data còn được tối ưu hóa liên tục bằng các thuật toán để vận hành trên quy mô toàn cầu, tác động và sửa đổi một số lượng lớn các nếp nghĩ và hành vi cơ bản, vốn là cơ sở tiền đề cho hành vi, bản sắc và văn hóa của con người.

Điều đáng nói, các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Facebook, Apple, Google và Instagram… đã sử dụng các nghiên cứu về não bộ con người để tạo ra các thiết kế gây nghiện cho người dùng, để tận lực khai thác làm đầy thêm túi tiền của mình.

Thiết kế gây nghiện có rất nhiều kiểu ngụy trang: núp dưới hình thức các thông báo, biểu tượng cảm xúc, câu chuyện thú vị có kết thúc bỏ lửng, mấy câu thả thính, hiệu ứng vuốt màn hình liên tục, nỗi lo sợ bị bỏ lỡ (FOMO) và các hiệu ứng khác.

Tất cả đều được thiết kế để khơi gợi, khiến người dùng tò mò mở màn cuộc đọ súng với các yếu tố kích hoạt dopamin của mình và khởi phát một chu kỳ thèm muốn – hành động – phần thưởng.

Hiệu ứng này thường được gọi là độ dính, cực kỳ có giá trị đối với các công ty đang cạnh tranh để thu hút và bán lại sự thu hút sự chú ý của người dùng. Đổi lại hiệu ứng này gây ra hàng loạt tác hại cho người dùng như đã kể trên, khiến họ có một cái nhìn méo mó về thế giới, thậm chí còn khiến họ nhìn nhận sai lệch về chính bản thân mình.

“Công nghệ luôn là con dao hai lưỡi. Việc sử dụng công nghệ một cách có ý thức, hướng tới một mục tiêu tích cực và có trọng tâm có thể mang lại lợi ích to lớn. Ngược lại, nếu sử dụng liên tục không có mục đích, sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp”, các tác giả bày tỏ.

Offline là phiên bản nâng cấp của cuốn sách Sluk (tạm dịch: Tắt đi!) đã được hai tác giả Imran Rashid và Soren Kenner xuất bản trước đó bằng tiếng Đan Mạch và nằm trong danh sách sách bán chạy nhất tại Đan Mạch trong vòng 18 tháng.

Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách Offline cũng nhận được đánh giá tích cực của rất nhiều chuyên gia và độc giả có danh tiếng cũng như độc giả thông thường ở khắp nơi trên thế giới.

Nhận xét về cuốn sách, Anette Prehn, Chủ tịch Ban phòng chống căng thẳng của Đan Mạch viết: “Offline là cuốn sách cần phải đọc với bất kỳ ai đang sử dụng điện thoại thông minh và máy tình bảng!”. 

QUỲNH YÊN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/cuon-sach-vach-tran-he-luy-tu-dien-thoai-thong-minh-va-mang-xa-hoi-737292.html