“Phong cách quản lý và giữ chân nhân tài của người Nhật” là một cuốn sách hướng đến đối tượng độc giả là những người đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý cũng như những người sắp trở thành nhà lãnh đạo.

Cuốn sách bao gồm 60 nội dung thảo luận chuyên đạo cần chú tâm tìm hiểu sâu, tổng kết tất cả những chủ đề chính mà một nhà lãnh đạo trong hành trình dẫn dắt nhân sự cũng như điều hành doanh nghiệp. Không chỉ cung cấp thông tin hữu ích để người đọc trở thành một nhà lãnh đạo sáng suốt, giúp độc giả xây dựng được những tư tưởng mang tính cá nhân, mà tác giả Sugiura còn truyền động lực để thúc giục người đọc thật sự hành động thông qua những lời khuyên và các bước áp dụng cụ thể.

Không giống như nhiều cuốn sách khác có cùng chủ đề, nhưng chỉ dừng lại ở lý thuyết khái quát, “Phong cách quản lý và giữ chân nhân tài của người Nhật” có ba đặc điểm chính khác biệt sau:

Các chủ đề được bàn luận đều tập trung vào hành động, để nhấn mạnh tầm quan trọng của thực tiễn, hay khả năng áp dụng các phương pháp giải quyết vấn đề vào tình huống thực tế.

Cuốn sách cung cấp nhiều biểu đồ minh họa để trực quan hóa lý thuyết, giúp độc giả nhanh chóng nắm bắt được các điểm then chốt.

Sách giải thích cẩn thận ý nghĩa của những từ ngữ thường được dùng trong môi trường doanh nghiệp. Xuyên suốt cuốn sách là những khung vuông chú thích cặn kẽ nguồn gốc và sắc thái nghĩa của từ. Nắm bắt và đào sâu vào những “từ ngữ lãnh đạo” này chính là cơ sở để một người tiến xa hơn trên hành trình trở thành nhà lãnh đạo được tin tưởng.

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, để tăng cường hiệu quả quản lý và xây dựng doanh nghiệp phát triển vững mạnh với đội ngũ nhân tài không ngừng được cải thiện, những người đứng đầu tổ chức cần phá vỡ mối quan hệ theo cấp bậc “trên – dưới” đã tồn tại quá lâu trong các doanh nghiệp, để xây dựng và củng cố mối quan hệ “trước – sau” thể hiện đúng bản chất của những người lãnh đạo đúng nghĩa. Họ là những người đi trước, dù chỉ là một bước, hay thậm chí nửa bước so với những người khác. Một người lãnh đạo luôn dẫn đường mở lối, nhìn xa hơn về tương lai để có cái nhìn đánh giá toàn diện hơn, cũng như trở thành bóng lưng vững chãi để những người dõi theo có thể trông cậy.

Khi từ bỏ mô hình “trên – dưới”, không còn tập trung vào những chỉ thị và mệnh lệnh mang tính một chiều, nhà lãnh đạo sẽ bước đầu tạo ra được biến chuyển tích cực, giúp toàn tập thể trở thành một khối thống nhất – bước nền tảng để xây dựng một doanh nghiệp được vận hành trơn tru, gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và giữ chân nhân tài để phát triển bền vững. Lấy mối quan hệ “trước – sau” làm trọng tâm phát triển, 60 nội dung thảo luận trong sách được chia thành 9 phần, từng bước góp nên những viên gạch để xây dựng kỹ năng lãnh đạo hiệu quả và hiện đại.