Ngọc Giao đã chọn cho nhân vật của mình vị trí kẻ đứng giữa, và gửi đi thông điệp, dù con người đứng ở phía bên này, hay bên kia, “sao không quên hết đi mà yêu thương”.
Quán gió, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Giao viết xong vào mùa thu năm 1948 (in ở NXB Ngày Mai năm 1949) quay trở lại với bạn đọc đương thời sau gần bảy mươi năm. Đây là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt, nó được coi là cuốn sách đầu tiên in ở Hà Nội kể từ sau khói lửa chiến tranh bùng lên năm 1946.
Cuốn tiểu thuyết viết về con người theo nghĩa đúng nhất của con người. Cái vị trí đứng của con người giữa thời giao thoa, nhập nhằng tao loạn bên này và bên kia. Cái biến cố xảy ra của lịch sử đồng thời cũng kéo theo biến cố của gia đình ẩn giấu bấy lâu. Chia cắt giữa các thành viên cùng chung nhau một mái ấm.
Tiểu thuyết Quán gió của Ngọc Giao mới được in trở lại.
Vậy nên chọn ví trí người kể chuyện là bên này hay bên kia?
Ngọc Giao đã chọn cho nhân vật của mình vị trí kẻ đứng giữa. Những kẻ ấy gồm có Trâm, và mẹ cô là bà Hường. Họ có chung nhau một thời hào nhoáng xưa, là vợ con một ông phủ quyền thế khuynh đảo, phủ Mạnh. Sau biến cố ập đến họ về bán bún riêu cua bên gốc đa vùng chiêm trũng. Cái gốc đa có nhiều bát hương, ban đầu họ sợ nhưng rồi cũng quen mắt.
Ngày ngày họ đi mua cua, rồi mua bún. Tất bật lam lũ bán những bát riêu cua, bát nước chè xanh rồi nói chuyện cùng những người dân lao động về cái ăn cái uống, cái thời thế đang sang trang mới. Kỷ vật của họ với quãng đời phía trước là “…cái ống phóng mạc bạc, chạm rồng chạm phượng; cái hộp trầu cũng mạ bạc có chiếc khóa quả đào bé tí” mà lúc nào bà Hường cũng phải giấu dưới gậm chõng hàng. Là chiếc vòng ngọc nứt rạn của Trâm khi cô đập tay vào rổ bát vì con đỉa. Cùng với đó là những quần áo trắng họ phải nhuộm nâu cho hợp với cuộc sống/ cảnh vật mới. Là “chiếc bài ngọc bọc trong mảnh lụa vàng”, cùng “áo gấm và những bức ảnh tô màu”.
Họ giữ chúng để nhớ về quãng đời đã qua chẳng khi nào lấy lại được nữa. “Mai kia là bao giờ, thưa me?”. Trâm hỏi lại bà Hường khi bà hỏi cô tại sao lại nhuộm hết áo thành nâu, mai kia lấy gì mà mặc. Cô biết lắm chứ, cái đài các như mộng thuở nào. Giờ cô là cô gái với cái quá khứ cần phải gột sạch.
Quá khứ nhơ nhuốc lắm thay. Ba cô là kẻ bóc lột, là người bòn mót trên xương máu dân nghèo. Nhưng đó là ba cô… lạy giời, đó không thể là người khác được. Đó là ba cô, người đã cho cô một hình hài, một ngôi nhà và miếng ăn, học hành đến lớn. Căm thù ư? Không thể được. Cô chỉ không đồng ý với việc làm của ba mình, nhưng phủ nhận, từ bỏ thì không, ngàn lần không.
Cô hay nhà văn Ngọc Giao mong muốn “sao không quên đi, quên để mà yêu thương nhau trong cái lúc mà ở ngoài kia, còn bao nhiêu oán thù chia rẽ”. Nhưng họ là người đứng giữa, về bên này hay bên kia cũng quá (lỡ) mất rồi.
Bên này là ông phủ Mạnh thì ông đã bị xử tử, xã hội của ông, thế giới của ông đã sụp đổ. Là Lưu, người con èo uột, lúc nào cũng cố vớt vát quãng xưa với tình ái và thuốc phiện phóng túng. Là Liễu tiếc thương lại một thời làm lẽ sung sướng, đầy đủ trước kia. Lúc nào cũng muốn trả thù, muốn đâm dao nhọn vào ngực người anh cùng mẹ của mình.
Bên kia là cuộc sống của Khải một người cách mạng đến sắt đá không cần tình thân. Của Tiến cách mạng một cách hồn nhiên như cuộc sống vốn thế. Còn là Dưỡng ở làng Già, bá Lĩnh ở làng Non, những người đã bắt trói ông phủ Mạnh.
Ở quãng giữa còn có hệ thống nhân vật nữa là gia đình bác Vạn chở đò, cô Đào hàng bún, khách ăn bún… Họ vẫn giữ được tâm hồn thuần nhất không biến động; vừa nghi ngờ vừa tin tưởng một cách vừa phải vào cái gọi là cách mạng; nhưng không cực đoan về lí tưởng. Họ yêu những con người với đúng hai chữ CON NGƯỜI của hiện tại chứ không cực đoan xét nét một quá khứ mơ hồ nào đó. Để được sống cùng nhau, yêu thương nhau.
Bác Vạn trai trong ngày rét mướt vẫn chở bà Hường đi lễ đền Quan; bác Vạn gái đánh cảm cho Lưu bằng cám; Đào dù bị Lưu sàm sỡ vẫn giữ được sự bình tĩnh, tin yêu với chị và mẹ của Lưu. Và đặc biệt nhất là ông chú của Tiến, người nhìn thấu mọi lẽ đời nhất. “…đã làm anh thủy thủ lênh đênh mãi ngoài bể rộng rồi, bây giờ già, chú lên rừng ở làm anh mán xá, nhất định ngây ngô cho nó xong đi. Đời kể cũng vui. Tội gì mà cứ cho đời là khổ…”.
Và chính ở vị trí giữa thấy được những người trong gia đình đối xử với nhau ra sao.
Bà Hường và Trâm thấy được chính ông phủ Mạnh giữa đêm tổ chức vây ráp, bắt con trai của mình là Khải để tâng công với chính quyền bảo hộ. Chính Khải là người ép Trâm lấy Tiến, dù em gái anh không yêu Tiến. Cũng chính Khải trước khi đi công tác đã dặn dò bạn mình bắt giam Lưu để giác ngộ; và từ đó biệt tích không biết sống chết ra sao nữa. Lưu thì ngủ với dì Liễu, lẽ của ba mình. Lúc nào cũng nghi ngờ chị gái và mẹ giấu của; luôn luôn lấy trộm tiền của chị để rượu chè. Mang một mối hận không đội trời chung, luôn riếc móc, mong ước được giết anh cùng mẹ của mình là Khải. Đó còn là Tiến, chồng của Trâm, người được tỉnh cử về để bắn ông phủ Mạnh. Còn là Tiến trong suốt cuốn tiểu thuyết không hề có một giây phút nào nghĩ về việc mình đã làm với ba vợ.
Tác giả Ngọc Giao.
Những người chính giữa thụ động
Dù đã có lúc Trâm phản kháng lại lý tưởng của Khải. “…theo anh thì cách mạng phải đạp đổ tất cả chứ gì? Rất phải và rất đẹp. Nhưng cách mạng đã như cơn nước lũ, người ta vui say quá để không cần nhận thấy rằng: giúp cho cách mạng thành công, đã có bao nhiêu máu, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu hơi thở thoi tóp, bao nhiêu tấm lòng giãy giụa chịu chìm khuất, chịu nhục nhã, chịu khinh bỉ…no ấm chưa chắc hẳn là hạnh phúc con người. Còn bảo rằng con người thỏa mãn thì em nghĩ con người không bao giờ thỏa mãn. Tại sao lại nghĩ rằng dăm ba bàn tay yếu đủ sức kiêu căng xây dựng một thiên đường…”.
Chính cô nghĩ “Anh không thể lấn ép tôi dễ dàng như thế được. Anh không có quyền định đoạt đời tôi. Mẹ con tôi không thể nào xa nhau được”. Nhưng rồi cũng phải đồng ý theo sự sắp xếp của Khải lấy Tiến, người đồng chí của anh mình. Đi theo Tiến lên tỉnh Bắc sống, mãi chưa thấy chồng thực hiện lời hứa đón mẹ cô lên ở cùng, cô cũng thôi. Rồi đến khi biết Tiến là người đã bắn ba mình; giữa đêm, cô cầm súng lên lại buông xuống. Khi Tiến bị thương, hấp hối hỏi cô có thương, có yêu mình không cô cũng không thể trả lời. 
Còn bà Hường dù biết tiền mình đang tiêu, cơm mình đang ăn, nhà cửa tiện nghi sử dụng là do ông phủ Mạnh cướp từ mồ hôi nước mắt của người dân nhưng bà cũng không ngăn cản. Bà chỉ bớt đi tình yêu với ông mà thôi. Cho đến khi con bà là Khải bị chồng bà bắt đi tù bà cũng không cứu được con. Cái chịu đựng của bà cũng như Trâm, âm thầm, xuyên cả cuốn tiểu thuyết gần hai trăm trang in.
“…sao anh không quên đi, quên để mà yêu thương nhau trong cái lúc ở ngoài kia, còn bao nhiêu oán thù chia rẽ…”
Lời của Trâm – lời của bà Hường – lời của nhà văn Ngọc Giao qua cuốn tiểu thuyết là thế. Sao không quên hết đi mà yêu thương. Cuốn tiểu thuyết của ông đã nhận được ra nhiều thứ và có tính dự báo cho xã hội Việt Nam sau này. Sự chia cách của người Việt, bên này và bên kia vẫn còn là vực sâu thăm thẳm. Trạng thái của con người luôn luôn chao đảo giữa hai thái cực hận thù và trả thủ. Sao không yêu thương nhau một “đoạn trường” này?.
Trâm đã chọn sự thụ động để không rơi vào bên nào trong hai bên. Việc phá cái thai của cô suy cho cùng cũng là lựa chọn đau đớn để giữ lại được vị trí đứng giữa của mình. Và đến cuối câu chuyện (tất yếu) cô trở về với mẹ.
Nhà văn Ngọc Giao sau 1954 hầu như ngừng viết. Ông mất hút trong trí nhớ người đọc đương thời hôm nay. Bằng cách lựa chọn biến mất ông xóa dần đi những bước chân của mình trong lòng những người đọc cũ hôm qua, chắc cũng chẳng nhiều. Rồi đến một ngày ông quay trở lại, việc quay trở lại cũng thật chậm chạp.
Với tập truyện ngắn chọn lọc Cô gái làng Sơn Hạ (NXB Văn Học năm 1989) và Đốt lò hương cũ (hồi ký về một số nhà văn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 NXB Khánh Hòa năm 1992). Cho đến khi ông mất vào năm 1997 sự quay trở lại chỉ có thế. Rồi sau này có nhiều hơn, dày hơn, cũng được, nếu còn sống không biết ông nghĩ gì về những cuốn sách in lại của mình. Hay ông lại buông câu, như câu cuối cùng nhân vật Trâm nói trong tiểu thuyết Quán gió:
“- Thôi thế cũng là xong!”
theo Phương Phương/Zing.vn