“Hà Nội rong ruổi thanh xuân” là tập tản văn mới nhất của nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học, vừa được Nhà Xuất bản Văn học in và phát hành tháng 4-2021. 

Tập sách dày 200 trang, gồm 39 tản văn là 39 hành trình rong ruổi với những kỷ niệm thời thanh xuân, những không gian làng, không gian phố, cánh đồng, bờ đê, ao hồ, vườn hoa… và rất nhiều giá trị và vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội.

Cuốn tản văn đưa độc giả khám phá vẻ đẹp Hà Nội với nhiều cảm xúc của nhà văn Nguyễn Văn Học.

Nguyễn Văn Học là nhà văn gắn bó và khai thác nhiều vẻ đẹp của Hà Nội.

Đến nay, anh đã xuất bản tổng cộng 30 tựa sách, gồm thơ, tản văn, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết.

Trước đó, anh từng xuất bản hai tập tản văn “Hoa thở”, “Chạm tay vào cánh chim trời” và hai tập ký “Đôi mắt xứ Đoài”, “Hà Nội thênh thang ký ức”, đều khai thác những vẻ đẹp, những vùng đất ngoại thành Hà Nội, khám phá những giá trị tiềm tàng của làng quê, các nghệ nhân, các làng cổ, nghề truyền thống…

Với “Hà Nội rong ruổi thanh xuân”, một lần nữa, tác giả đem đến cho bạn đọc những tản văn mượt mà, sâu lắng, giàu chất văn bằng cái nhìn riêng của một người con Hà Nội.

Bạn đọc sẽ được “về quê” với các bài: “Có hẹn với hàng xoan”, “Dáng hoa và bóng cây”, “Tặng hoa người trồng hoa”, “Rau treo tường”, “Rong chơi đồng bãi cuối xuân”, “Về quê hái ổi tìm em”…

Rồi độc giả lại được trở về với những nét thân thương ở nội thành trong: “Khi họa sĩ vẽ hoa”, “Mở lòng với phố”, “Thế là màu nắng họa mi”, “Dấu chân rong ruổi vỉa hè”, “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”…

Mỗi bài viết đều thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả, để bạn đọc cảm nhận khi hàng cây thay áo, khi áp má vào gốc cổ thụ, khi đi dạo trên vỉa hè hay trải nghiệm cảm giác người trồng hoa bao năm làm đẹp cho đời, bỗng một ngày được người khác tặng hoa.

Nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ: “Khi viết và khai thác về cái đẹp trong nền truyền thống của làng quê ngoại thành Hà Nội và sự trầm lắng của nội đô, tôi cố gắng dựng lại những hình ảnh xưa cũ trong mạch cảm xúc. Đó là những nếp văn hóa, những vẻ đẹp, khung cảnh đang hiện diện và nay vẫn còn được bảo lưu. Một số giá trị đã có ở các làng quê, làng cổ, phố cổ nhưng nay còn lại một phần… đều là nguồn cảm hứng chưng cất thành tản văn”.

Trong một số bài viết, tác giả Nguyễn Văn Học nói đến những làng văn hóa truyền thống, có nhiều nếp nhà cổ, không gian cổ như bến nước, con đò, hệ thống di tích, cây cổ thụ, tường rào… Nhiều nơi từng là “phim trường” cho những tác phẩm liên quan đến đời sống những thập niên trước. Nhưng hiện nay chúng đã không còn hoặc bị xuống cấp, dù các cơ quan chức năng vẫn ra sức bảo tồn. Tác giả cũng ngầm kiến nghị, người dân phải đứng ra bảo vệ và gìn giữ những vẻ đẹp ở chính nơi họ đang sống mới thành công và bền lâu.

Đọc tập tản văn mới này của nhà văn Nguyễn Văn Học, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng nhận xét, Nguyễn Văn Học viết tản văn thường xuyên, dung dị và giàu chất sống. Anh sử dụng ngôn từ bình dị, cách kể chân tình về những chuyện, những việc mà mình chứng kiến, ghi nhận một cách trìu mến, gắn bó, nên các bài viết không đao to búa lớn, dung dị, đi vào lòng người. Gom lại nhiều điều giản dị, những trang tản văn của Nguyễn Văn Học, vừa mến thương tha thiết, vừa đầy lo lắng, trách nhiệm, để lại suy ngẫm cho người đọc.