Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hà Nội 1967-1975” của Thomas Billhardt đoạt giải “Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội”.

Chiều 28/10, lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Triển lãm ảnh và sách Hà Nội 1967-1975 của Thomas Billhardt được trao giải ở hạng mục Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội.

Sách ảnh Hà Nội 1967-1975. Ảnh: N. N.

Hình ảnh chân thực về Hà Nội 50 năm trước

Thomas Billhardt (sinh năm 1937) là nhiếp ảnh gia Đức. Giai đoạn 1967-1975, ông đã đến Việt Nam 6 lần (khi chiến tranh chưa chấm dứt), sau đó còn trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.

“Việt Nam đã cuốn hút tôi ngay từ đầu. Sự dịu dàng của con người, âm nhạc nhẹ nhàng và tất cả điều đáng yêu đó như tương phản với ý chí mạnh mẽ và sự khô cứng của con người trong thời chiến. Văn hóa, tình yêu thơ ca và ẩm thực tuyệt vời đã nhanh chóng khiến tôi trở thành bạn và người ngưỡng mộ Việt Nam”, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chia sẻ.

Vào tháng 10/2020, triển lãm ảnh “Hà Nội 1967-1975” do Viện Goethe Việt Nam, Camera Work, Manzi Art Space tổ chức. Cuốn sách ảnh cùng tên do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành.

130 bức ảnh màu và đen trắng do Thomas Billhardt chụp đã được tuyển chọn, in sách Hà Nội 1967-1975. Ảnh trong sách cho thấy đời sống chân thật, dung dị của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh. Ba chủ đề lớn thể hiện trong sách gồm: Hà Nội đời thường, Trẻ em thời chiến và Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.

Vì dịch Covid-19, Thomas Billhardt không thể đến lễ trao giải. Ông gửi bức thư cảm ơn vì được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái. Thomas Billhardt thể hiện niềm hạnh phúc khi những bức ảnh ông chụp hơn 50 năm trước, đến giờ vẫn được đón nhận.

Năm 1967, Thomas Billhardt đến Hà Nội để ghi lại các buổi thẩm vấn phi công Mỹ bị bắt ở Việt Nam. “Bằng cách này, tôi đã trực tiếp đối mặt những cuộc tấn công của người Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam. Tôi ý thức được rằng mình có thể sử dụng máy ảnh như một vũ khí hòa bình chống lại chiến tranh”, trích thư của Thomas Billhardt.

Nhiếp ảnh gia Đức đã chụp những bức ảnh ủng hộ lập trường chống chiến tranh. Ông đã “ghi lại những tấm hình về tinh thần dũng cảm và lòng gan dạ, về tình yêu và nỗi đau của những người dân đáng yêu và dũng cảm này”.

Ông Wilfried Eckstein – Viện trưởng Viện Goethe (bên trái) cùng đại diện công ty sách Nhã Nam thay mặt Thomas Billhardt nhận giải. Ảnh: M. P.

Nhạc sĩ Hồng Đăng nhận Giải thưởng Lớn

Bên cạnh triển lãm và sách Hà Nội 1967-1975, Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 14 cũng vinh danh các cá nhân, ý tưởng, việc làm vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 được trao cho nhạc sĩ Hồng Đăng vì đã có những cống hiến cho nền âm nhạc thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ

Theo quy chế của giải, “mỗi năm, duy nhất một đề cử Giải thưởng Lớn được công bố để trao giải”. Hạng mục quan trọng nhất, Giải thưởng Lớn được trao hàng năm cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình”.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.

Đề cử giải thưởng

I. Đề cử Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội: Nhạc sĩ Hồng Đăng.

II. Đề cử giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội:

1. Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967-1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt (Nhã Nam và NXB Thế giới).

2. Bộ sách Thăng Long kinh kì – Kẻ Chợ của Nguyễn Huy Thắng – Nguyễn Quốc Tín (NXB Kim Đồng).

3. Cuốn sách Tay chơi của Mai Lâm (NXB Trẻ).

III. Đề cử giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội.

1. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo.

2. Ý tưởng Xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh.

3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội.

IV. Đề cử giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội.

1. Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội.

2. Cuộc thi vẽ Hà Nội là… và chuỗi hoạt động của dự án Hà Nội Rethink.

3. Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã giúp thủ đô vững vàng trong đại dịch.

nguồn: https://zingnews.vn/sach-anh-ve-ha-noi-50-nam-truoc-duoc-trao-giai-bui-xuan-phai-post1273731.html