Ngày 16/11, Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ đã vinh danh tác phẩm “South to America” của Imani Perry ở hạng mục sách phi hư cấu.

Tác giả Imani Perry và cuốn sách giành Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ. Nguồn: WHYY.

Imani Perry là giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Đại học Princeton. Bà cũng là tác giả của nhiều sách đặc sắc, trong đó có cuốn Looking for Lorraine: The Radiant and Radical Life of Lorraine Hansberry (tạm dịch: Đi tìm Lorraine: Cuộc đời rực rỡ và cấp tiến của Lorraine Hansberry) – tác phẩm từng đoạt nhiều giải thưởng như Lambda Literary Award, Shilts-Grahn Triangle Award, Phi Beta Kappa Christian Gauss Award…

South to America: A Journey Below the Mason-Dixon to Understand the Soul of a Nation (tạm dịch: Miền Nam nước Mỹ: Hành trình bên dưới Mason-Dixon để hiểu linh hồn của một quốc gia) được chấp bút khi tác giả về quê ở miền Nam nước Mỹ để tìm hiểu về chủng tộc, văn hóa, chính trị và bản sắc của nơi đây.

Imani Perry chia sẻ: “Ta không thể phủ nhận phần con người chúng ta, đặc biệt khi những phần đó là thứ tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước này”.

Kết hợp các sự kiện lịch sử với những giai thoại cá nhân trong cuốn sách mới của mình, Perry đưa độc giả vào hành trình về quá khứ và hiện tại của vùng đất phía Nam nước Mỹ.

Theo Tayari Jones của tờ The New York Times, cuốn sách “vượt qua các đặc điểm thể loại, phá bỏ bức tường thứ tư, khiêu vũ với thơ ca, tham gia vào phê bình văn học và chuyển từ báo chí sang hồi ký và nghiên cứu học thuật. Bất kỳ nỗ lực nào trong việc phân loại cuốn sách chỉ làm giảm giá trị tác phẩm. Đây là một dự án sâu sắc, đầy tham vọng và giàu xúc cảm”.

Trong bài phát biểu nhận giải, Perry nói: “Tôi viết cho cộng đồng của tôi. Tôi viết cho chúng tôi, những đứa con của những người đã bị đòn roi, bị dây thừng siết cổ, bị đạn bắn, bị xúc phạm. Những đứa con ấy vẫn đang đứng vững ở đây. Tôi viết cho những người bị vu oan và những người bị thánh hóa. Tôi viết cho những người làm lao công, xới đất và đi dọc các vạch rào, cho những người phải chịu đói khát, chịu bị giam cầm, bị coi thường, bị kìm kẹp – tôi viết cho bạn. Tôi viết vì tôi yêu câu văn và vì tôi yêu tự do hơn hết thảy”.

Nhà văn Tess Gunty giành giải với cuốn tiểu thuyết đầu tay The Rabbit Hutch. Ảnh: OneWorld Publications.

Ở hạng mục sách hư cấu, nhà văn Tess Gunty với cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô – The Rabbit Hutch – đã được vinh danh. Gunty không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng nên đã không chuẩn bị bài phát biểu, cô đã dành thời gian để ngợi ca những đối thủ của mình trong danh sách đề cử: “Họ là những nhà văn quan tâm đến những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, họ nhân tính hóa những trải nghiệm mà bình thường ta không nhìn ra. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn họ vì đã tặng những cuốn sách ấy cho thế giới và tất cả những người đã hỗ trợ họ”.

Huân chương Đóng góp Xuất sắc cho Văn học Mỹ, giải thưởng thành tựu trọn đời trước đây từng trao cho Toni Morrison, Don DeLillo và Ursula K. Le Guin, năm nay gọi tên Art Spiegelman, tác giả tiểu thuyết đồ họa kinh điển Maus.

Maus từng đoạt giải Pulitzer, là một tác phẩm viết về thảm họa diệt chủng Holocaust, trong đó, mô tả người Do Thái là những con chuột và Đức quốc xã là bọn mèo.

Art Spiegelman, tác giả của tiểu thuyết Maus. Ảnh: The New York Times.

Ngoài ra, Giải Đóng góp Xuất sắc cho Cộng đồng Văn học Mỹ đã được trao cho Tracie D. Hall, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thư viện Mỹ. Phát biểu khi nhận giải, Hall đã kêu gọi: “Xin hãy cùng chống lại những nỗ lực hạn chế quyền tự do đọc của chúng ta. Xin hãy nhớ rằng: Những người tự do đọc một cách tự do”.

Giải sách quốc gia Mỹ được thành lập vào năm 1950, là một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất trên thế giới, một giải thưởng có thể tạo bước ngoặt sự nghiệp cho tác giả nhận giải. Sau hai năm được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19, năm nay Giải thưởng Sách Quốc gia đã diễn ra trực tiếp tại Cipriani Wall Street, một nhà hàng ở New York.