Nước Pháp chọn tháng 5 là “Tháng sách nói”, thị trường sách nói tại Anh tăng trưởng hơn 14%.

Thời gian qua, sách nói tại nhiều quốc gia tăng trưởng mạnh. Một số quốc gia có chính sách phù hợp để thúc đẩy hơn nữa việc nghe sách.

54% công dân Pháp cho biết họ dùng số tiền được cho trong chương trình Culture Pass để mua hoặc tải sách nói. Ảnh: Andrea Mantovani/New York Times.

“Tháng sách nói” tại Pháp

Tại Pháp, tháng 5 đang diễn ra “Tháng sách nói”, nhằm tập trung vào việc phát triển sách nói tại quốc gia này. Trong tháng diễn ra nhiều sự kiện bàn về việc tiếp cận sách nói trong môi trường giáo dục, chuyển giao bản quyền, các ấn bản bằng tiếng Pháp cũng như các mô hình kinh doanh sách nói.

Việc sách nói được quan tâm nhiều hơn cũng một phần nhờ vào chương trình Culture Pass của Pháp.

Năm 2021, chính phủ Pháp ra mắt quỹ Culture Pass (Thẻ thông hành văn hóa) thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Theo đó, chính phủ sẽ tặng cho mỗi thanh niên 15-24 tuổi số tiền là 350 USD để họ có thể mua các ấn phẩm văn hóa như sách, báo, tạp chí, vé triển lãm, biểu diễn ca nhạc nghệ thuật…

Theo báo cáo, có 40% công dân Pháp dùng số tiền đó để mua sách giấy, 41% mua sách điện tử, 43% mua sách nói dưới dạng CD hoặc băng cassette và 54% dùng để mua hoặc tải sách nói điện tử.

Theo báo cáo ra vào cuối tháng 4 của Publishers Association tại London, ngành xuất bản Anh tăng thêm 5% năm 2021, đạt mức 6,7 tỷ bảng Anh (8,75 tỷ USD). Doanh thu này bao gồm tổng lượng bán của sách, tạp chí, bản quyền, ấn phẩm điện tử cùng sách nói.

Trong đó, ấn phẩm điện tử tăng 5% đạt 4,2 tỷ USD, số sách nói được tải về tăng 14% đạt 197 triệu USD.

Stephen Lotinga, CEO của Publishers Association khẳng định 2021 là một năm bứt phá của ngành xuất bản Anh. Ông cho rằng sự phát triển này đến từ những cây viết trong nước, các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram cũng góp phần quan trọng.

Tại Italy, tăng trưởng chung của ngành xuất bản có phần giảm nhẹ, nhưng Ricardo Franco Levi, Chủ tịch hiệp hội xuất bản Italy, tin rằng cần đẩy mạnh hơn nữa thể loại mới như truyện tranh và định dạng sách nói để có thể thu hút thêm nhiều người trẻ đọc sách, góp phần mở rộng thị trường tại quốc gia này.

Sách nói tăng trưởng tại nhiều quốc gia năm 2021. Ảnh: Storytel.

Nhiều nền tảng sách nói phát triển

Storytel là một nền tảng sách nói và sách điện tử hàng đầu trên thế giới có trụ sở tại Thụy Điển. Là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nền tảng Audible của Mỹ, hiện Storytel đã có mặt tại 25 quốc gia. Theo báo cáo mới nhất, doanh thu của Storytel trong quý I đã tăng thêm 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Cuối năm 2021, Storytel hoàn tất thương vụ mua lại Audiobooks.com của Mỹ, thâm nhập vào thị trường nói tiếng Anh khổng lồ, đồng thời cũng sở hữu lại 17% số người dùng sách nói của nền tảng này.

Hiện số tài khoản của Storytel đã vượt mức 1,5 triệu trên toàn thế giới, doanh thu quý I của Storytel đạt gần 70 triệu USD, lợi nhuận gộp đạt gần 30 triệu USD. Storytel hiện có mặt tại nhiều quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Italy, Hà Lan, Na Uy, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha…

Sự phát triển của sách nói được dự báo tiếp tục phát triển trong những năm tới. Một số nền tảng về âm thanh đã mạnh tay đầu tư phát triển mảng sách.

Cuối năm 2021, Spotify – gã khổng lồ trong lĩnh vực cung cấp âm thanh kỹ thuật số – mua lại nền tảng sách nói Findaway của Mỹ. Điều này sẽ cho phép họ sản xuất và phát hành sách nói, mở rộng lĩnh vực phát âm nhạc trực tuyến.

Findaway được thành lập vào năm 2005, phân phối cho nhiều nhà bán lẻ sách nói, sở hữu danh mục gồm 325.000 đầu sách khác nhau, từ nhà xuất bản lớn đến tác giả tự xuất bản. Bằng cách sử dụng công nghệ, dữ liệu của Findaway, Spotify có thể tăng tốc độ tham gia ngành sách nói.