Thời gian gần đây, lĩnh vực xuất bản sách xuất hiện nhiều công trình, tác phẩm của những tác giả trẻ có chủ đề về lịch sử, văn hóa dân tộc. Bằng ngôn ngữ và cách thức thể hiện mới mẻ, lôi cuốn, họ đã tạo nên “làn gió mới” trong thể loại sách này, giúp độc giả ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, tiếp cận, ghi nhớ kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc dễ dàng. Đây là tín hiệu tích cực đối với việc phát triển văn hóa đọc.

Các ngành, chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ xuất bản, giới thiệu những tác phẩm sách chất lượng về đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong ảnh: Độc giả tìm hiểu sách tại phố sách Hà Nội, tháng 5-2021. Ảnh: Đỗ Tâm

Xu thế sáng tác mới

Được phát triển từ đồ án tốt nghiệp đại học cách đây 3 năm, cuốn sách tranh nghệ thuật (artbook) “Hành trình Đông A” của tác giả Trần Tuyết Hàn (sinh năm 1996) do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành, đang nhận được sự quan tâm, thu hút của độc giả. Từ chuyến xuyên không kỳ lạ của cô gái Đông A, độc giả được đến với câu chuyện về thời đại nhà Trần cách đây gần 800 năm: Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, hội nghị Diên Hồng… Bên cạnh câu chuyện lịch sử, sách đem đến hình dung về cuộc sống, con người Việt Nam thời xưa qua những bức tranh công phu, tỉ mỉ. Điều thú vị là tác giả sử dụng kỹ thuật vẽ tranh khắc gỗ trên máy tính, với dụng ý giới thiệu thêm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của cha ông đến độc giả hôm nay.

Mở ra điểm nhìn khái quát hơn, cuốn “Việt sử diễn họa” của tác giả 9X Thanh Huyên, do Nhà Xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, đã tái hiện bốn nghìn năm lịch sử nước nhà qua hơn 100 bức tranh, 208 trang sách. Hàng trăm nhân vật, sự kiện được “diễn họa” (vẽ tranh đi kèm nội dung) bằng nét vẽ tươi trẻ, sinh động, nhiều màu sắc, ngôn ngữ súc tích, gần gũi với cách tiếp cận của độc giả hiện đại. Tác giả cũng đưa vào tranh những chi tiết, đường nét đặc trưng văn hóa Việt Nam qua trang phục, đồ vật, bối cảnh hợp lý.

Trước đó, nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam do các tác giả trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X thực hiện, với phong cách mới mẻ ngay khi ra mắt đã tạo sức hút với độc giả. Điển hình là cuốn song ngữ Việt – Anh “Lược sử nước Việt bằng tranh” (Nhà Xuất bản Kim Đồng) do Hiếu Minh, Huyền Trang viết lời; Tạ Huy Long minh họa; Xuân Hồng biên dịch. Bộ truyện tranh “Truyền thuyết Long thần tướng” của nhóm tác giả Phong Dương Comics cũng “làm mưa, làm gió” trong giới truyện tranh Việt Nam. Tác giả 8X Thủy Nguyên cùng nhiều họa sĩ trẻ ghi dấu ấn với cuốn sách tranh “Thiện và ác và cổ tích” cùng bộ 3 cuốn artbook (sách nghệ thuật) đậm nét văn hóa vùng miền “Câu chuyện dòng sông”. Ngoài ra, tác giả Thành Châu (sinh năm 1991) với tiểu thuyết “Hỏa Dực”, tác giả Hoàng Yến (sinh năm 1993) với tác phẩm “Thượng Dương”… cũng chọn đề tài lịch sử cho những sáng tác của mình.

Thích thú cầm trên tay cuốn “Hành trình Đông A”, em Lê Đức Anh, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) chia sẻ: “Gần đây, em mua khá nhiều sách lịch sử của các tác giả trẻ. Chúng giúp em tiếp cận kiến thức lịch sử dễ dàng, đồng thời hiểu thêm văn hóa Việt, nhất là từ những cuốn có tranh”.

Tác giả Trần Tuyết Hàn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, thực hiện sách tranh lịch sử “Hành trình Đông A”. Ảnh: An An

Thúc đẩy văn hóa đọc phát triển

Với sự tham gia của nhiều tác giả, nhóm tác giả thế hệ 8X, 9X, dòng chảy sách lịch sử, văn hóa dân tộc đang dần khởi sắc. Tác giả Trần Tuyết Hàn tâm sự: “Hằng ngày, đi qua những địa danh lịch sử, những con đường mang tên các danh nhân, tôi cảm thấy tự hào và muốn tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn dân tộc. Càng tìm hiểu tôi càng thấy lịch sử, văn hóa Việt Nam hấp dẫn, nên muốn chia sẻ với các bạn cùng thế hệ và những người yêu lịch sử, văn hóa dân tộc”. Trần Tuyết Hàn chia sẻ thêm, để thực hiện được một cuốn sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam phải thật tâm huyết và dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo nghiêm túc, cẩn trọng.

Tương tự, tác giả Thanh Huyên cho biết, cuốn sách “Việt sử diễn họa” được chị thực hiện trong 5 năm. Tác giả sinh năm 1992 này đã có hàng trăm chuyến đi tới các bảo tàng, di tích lịch sử, tham khảo nhiều sách sử chính thống để chắt lọc, truyền tải vào các trang viết và vẽ. “Tôi muốn độc giả đọc sách sử như một hình thức giải trí. Do đó, ngoài việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thì việc tìm hình thức thể hiện phù hợp rất quan trọng. Tôi đã tham gia diễn đàn về văn hóa, sử Việt Nam của những người trẻ để được trao đổi, tham khảo, nhận góp ý về các chi tiết, ngôn ngữ hoàn thiện tác phẩm, đồng thời kêu gọi tài trợ xuất bản sách từ cộng đồng”, Thanh Huyên thông tin thêm.

Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng, những tác phẩm của tác giả trẻ lấy cảm hứng từ lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam ra mắt gần đây rất đáng quý, cho thấy sự quan tâm lưu giữ những giá trị dân tộc của thế hệ trẻ. Nhà Xuất bản Kim Đồng sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với các tác giả trẻ tâm huyết thể hiện văn hóa, lịch sử với phong cách mới.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, thời gian qua, mảng sách lịch sử, văn hóa được nhiều đơn vị xuất bản đầu tư với diện mạo mới, trẻ trung, hấp dẫn. Giải thưởng sách quốc gia hằng năm cũng chú trọng tôn vinh những tác phẩm giàu giá trị văn hóa, lịch sử, khích lệ tác giả trẻ quan tâm đầu tư sáng tạo tác phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu độc giả hiện nay. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực hỗ trợ xuất bản, giới thiệu, quảng bá những tác phẩm chất lượng để lan tỏa tri thức, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

nguồn: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1007567/sach-ve-lich-su-van-hoa-dan-toc-lan-gio-moi-tu-nhung-tac-gia-tre