Những câu hỏi xoay quanh khó khăn, quy trình khi tự xuất bản sách được trao đổi trong buổi giao lưu mới đây với chủ đề “Cùng bạn tự xuất bản cuốn sách của riêng mình”.

Mới đây, một cô giáo dạy vẽ ở TP.HCM đã gửi bản thảo có nội dung hướng dẫn kỹ thuật vẽ tranh dành cho mọi lứa tuổi đến một đơn vị xuất bản nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Với mong muốn cho ra đời một cuốn sách, cô đặt ra câu hỏi: “Liệu có nên chọn hình thức tự xuất bản hay không?”.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, một bạn trẻ khác từng có nhiều bài viết về tâm lý được đăng trên báo và muốn tổng hợp chúng lại để tự in thành sách nhưng lại chưa nắm được các bước cần thực hiện.

Trước đó, trong hội thảo giao lưu với chủ đề “Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản” hồi cuối tháng ba, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books – cũng nhận định rằng trong giới làm sách hiện nay nổi lên phong trào tự xuất bản sách để phục vụ nhu cầu riêng. Xu hướng này tạo cơ hội cho các cá nhân không chuyên được làm sách.

Hai diễn giả Tống Phước Bảo (trái) và Nam Kha chia sẻ tại buổi giao lưu sáng 16/4. Ảnh: Thanh Phong.

Nhu cầu tự xuất bản sách tăng

Khi thực hiện cuốn 6 bước tự xuất bản một cuốn sách, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – người có kinh nghiệm gần 10 năm tham gia lĩnh vực tư vấn xuất bản, truyền thông – cho rằng nhu cầu tự xuất bản sách đang ngày càng tăng.

Đây cũng là lý do mà nhóm kín trên mạng xã hội Cùng bạn xuất bản cuốn sách của riêng mình – cộng đồng dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng tự xuất bản sách – dù mới thành lập, cũng có gần 4.000 thành viên tham gia. Họ cùng đặt câu hỏi và trao đổi mỗi ngày về những vấn đề liên quan tới hậu trường xuất bản.

Chia sẻ về cuốn sách đầu tay của mình, nhà văn Tống Phước Bảo nhớ lại: “Cách đây vài năm, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM thực hiện dự án sách ‘Tình yêu đến từ nơi đâu?’ và tôi may mắn được mời tham gia cùng những tên tuổi nổi bật khác. Sau đó, tôi được nhà xuất bản hỗ trợ ra mắt tập sách riêng, niềm vui nhân lên gấp bội”.

Trong khi đó, cây bút trẻ Nam Kha – người giữ chuyên mục dành riêng cho các bạn trẻ trong độ tuổi teen trên báo Mực Tím – cho hay mỗi tuần, anh đều có bài đăng báo với nội dung khác nhau về màu sắc của tuổi học trò.

“Tôi đã gom các bài viết đó lại thành cuốn Tuyệt đỉnh bí kíp teen truyền, gửi Nhà xuất bản Kim Đồng và được đồng ý xuất bản. Tên của tôi đã đứng riêng trên trang báo, nhưng khi nó xuất hiện trên bìa của một cuốn sách, tôi vẫn có cảm giác lâng lâng, hạnh phúc”, Nam Kha chia sẻ.

Một số cuốn sách được các tác giả tự xuất bản. Ảnh: Thanh Phong.

Quy trình tự xuất bản cuốn sách đầu tay

Trong cuốn 6 bước tự xuất bản một cuốn sách, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh hướng dẫn cho người mới bắt đầu tự xuất bản “đứa con tinh thần” của mình thông qua 6 bước: Thủ tục pháp lý để tự xuất bản một cuốn sách không hề khó; Sách là đỉnh cao trong xây dựng thương hiệu cá nhân,;Bạn đọc Việt Nam đang thích đọc những loại sách gì?; Các cuốn sách ở Việt Nam đang được xuất bản như thế nào?; Các bước cần thiết để tự xuất bản một cuốn sách; Công thức để có sách best-seller.

Có thể thấy, không nhận được sự giúp đỡ chuyên sâu từ đơn vị xuất bản, khó khăn gặp phải là điều tất yếu khi các tác giả tự thực hiện các bước để cho ra đời cuốn sách của mình.

“Sau khi hoàn thiện bản thảo, tác giả không biết phải liên lạc tới đâu để xuất bản. Họ không có kênh chính thống để tìm hiểu về quy trình này một cách cụ thể, lại càng không biết đến các khái niệm và giấy phép cần thiết”, tác giả Nam Kha nói.

Bên cạnh đó, là người từng tự xuất bản sách, anh cho rằng vấn đề truyền thông, giới thiệu sách cũng là một phần khó khăn, đặc biệt là đối với các tác giả chưa có tên tuổi.

“Nhưng may mắn thay, hiện mạng xã hội phát triển rầm rộ, đây cũng là một kênh có thể giúp tác giả dễ dàng hơn trong việc tiếp cận độc giả và quảng bá sách”, Nam Kha nêu quan điểm.

Tại buổi giao lưu, nhà văn Tống Phước Bảo cho biết việc chọn hình thức “bán bản quyền cho đơn vị xuất bản” hay “tự xuất bản” phụ thuộc nhu cầu của chính tác giả. Nếu đã có sẵn cộng đồng độc giả tiềm năng và một bản thảo tốt với đề tài phù hợp xu hướng hiện đại, thì hình thức tự xuất bản sẽ giúp rút ngắn thời gian ra sách.

Cây bút này cũng nhấn mạnh 3 yếu tố làm nên thành công khi tự xuất bản sách: Nhanh, sâu, rộng. “Nhanh về thời gian ra mắt để có kế hoạch truyền thông đến độc giả. Còn sâu là về nội dung để tạo ra các giá trị lâu dài. Trong khi đó, rộng là muốn nói tới phạm vi ảnh hưởng để sách được lan tỏa tốt hơn”, nhà văn Tống Phước Bảo lý giải.

Đối với những tác giả muốn tập hợp các bài viết lẻ tẻ của mình để in thành sách, ngoài yếu tố số lượng, Nam Kha cho rằng cần “gia cố” thêm về chất lượng để tạo sự khác biệt, sắp xếp lại các bài viết theo chủ đề rõ ràng, giản lược những yếu tố mang tính thời sự và tăng cường thông điệp muốn gửi gắm đến độc giả.

Bên cạnh những khó khăn, theo anh, việc tự xuất bản sách cũng có những thuận lợi nhất định. Cụ thể, tiếng nói của tác giả sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, dễ tạo sự thu hút tới độc giả. Ngoài ra, họ còn được thỏa sức sáng tạo từ nội dung đến mỹ thuật trong ấn phẩm của mình, tự xác định đối tượng độc giả tiềm năng hay chủ động tổ chức các buổi giao lưu, ký tặng…