Siêu sao chổi năm 1264 là một trong những sao chổi sáng nhất từng được ghi nhận. Nó xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 9 năm đó, và được các nhà thiên văn phương tây miêu tả là có đuôi kéo dài đến gần 100° cung trong khi các ngôi sao chổi thông thường có đuôi 5-7° là cùng.

Ngôi sao chổi này được nhìn thấy lần đầu vào buổi tối sau khi mặt trời lặn. Nó trở nên sáng chói trong nhiều tuần sau đó, khi nó xuất hiện vào buổi sáng trên bầu trời phía đông bắc, với cái đuôi dài nhìn thấy trước khi sao chổi hiện lên trên đường chân trời. Siêu sao chổi 1264 được mô tả là một vật thể có kích thước lớn và rực rỡ, có ánh sáng chói nhất vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Mãi đến cuối tháng 9 ngôi sao chổi này mới dần biến mất.

Sau này nó được đặt tên là Sao Chổi C/1264 N1. Khi một ngôi sao tương tự xuất hiện vào năm 1556 và được đặt tên là Sao Chổi Charles V thì các nhà thiên văn học cho rằng đó chính là C/1264 N1. Đây là ngôi sao chổi ảnh hưởng sâu nặng nhất trong lịch sử trung đại, gắn liền với nhiều sự kiện diễn ra vào năm 1264.

Siêu sao chổi năm 1264 trong lịch sử thế giới và Đại Việt
Siêu sao chổi 1264. (Tranh Wikipedia)

Ở châu Âu, Giáo hoàng Urban IV sau khi thấy sao chổi to bất thường như thế đã lo lắng, cho đó là điềm báo xấu của Thượng Đế. Ông lo đến mức ngã bệnh và qua đời chỉ vài tuần sau đó.
Ở Trung Quốc, hoàng đế nhà Nam Tống là Tống Lý Tông sau khi được báo có sao chổi lớn xuất hiện ở phía đông thành, lo sợ điềm xấu đến mức bệnh cũ tái phát, thánh thể bất an. Ông hạ chiếu tìm danh y chữa bệnh, ai chữa khỏi thì bổ làm quan, nhưng không có ai đến. Hoàng đế qua đời vào cuối năm đó.
Ở Mông Cổ, cuộc nội chiến Toluid tranh giành quyền lực giữa Hốt Tất Liệt và A Lý Bất Ca đang trên đà kết thúc, quân của A Lý Bất Ca đang cố thủ. Tuy nhiên khi thấy sao chổi, A Lý Bất Ca cho đó là điềm báo nên đã cho quân lính ra đầu hàng anh trai Hốt Tất Liệt ở Thượng Đô.
Ở Việt Nam, trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư có chép thời vua Trần Thánh Tông như sau:

“Thượng Hoàng ban yến cho các quan ở Diên Hiền, yến chưa xong, bỗng có sao chổi xuất hiện ở phương đông bắc, đuôi dài suốt trời, Thượng Hoàng ra xem bảo: Ta xem sao chổi này rất sáng, đuôi rất dài, không phải là tai họa của nước ta, lệnh cứ dự xong yến. Tháng 10 mùa đông năm ấy, vua Tống băng.”

Theo bài “Siêu sao chổi năm 1264” của Nguyễn Leonardo
Đăng tại Đại Việt Văn Sử Vấn Đàm