Ngày 04 tháng 2 năm 2016, sau hơn 5 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết. Là một trong số 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước và có hai năm để hoàn thành trước khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ có thay đổi lớn trong thời gian tới, đặc biệt là các vấn đề về Nhãn hiệu, Sáng chế, Bản quyền, nhập khẩu song song và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp tại Việt Nam.

Quy định Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu âm thanh, mùi hương

Theo nội dung trong TPP, không bên nào được quy định rằng dấu hiệu bắt buộc phải được nhìn thấy bằng mắt như một điều kiện để đăng ký, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh đơn thuần. Ngoài ra, mỗi Bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương”.
Đây là điểm mới so với Pháp luật hiện hành của Việt Nam. Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Việt Nam hiện chỉ bảo hộ “các dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc và có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”.
Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế, văn hóa, xã hội, doanh nghiệp ngày càng có nhiều cách thức Marketing cũng như chiến lược phát triển thương hiệu riêng để tiếp cận khách hàng thông qua mọi giác quan. Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, mùi hương sẽ giúp Doanh nghiệp yên tâm hơn, thỏa sức sáng tạo với những ý tưởng của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho các cơ quan quản lý và thực thi sở hữu trí tuệ cũng như các Doanh nghiệp Việt Nam khi chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về loại nhãn hiệu mới này.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như nhãn hiệu

Hiện nay tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý thường được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể hoặc chứng nhận. Tuy nhiên, mở rộng phạm vi đăng ký nhãn hiệu, trong TPP chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ thông qua một nhãn hiệu nếu đáp ứng được các điều kiện như:
– Không gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu là đối tượng đang chờ xin phép hoặc đăng ký từ trước;
– Không gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu có sẵn, các quyền đã được chiếm hữu;
– Chỉ dẫn địa lý không là tên gọi chung của các hàng hóa có liên quan.
Quy định này sẽ khiến Việt Nam phải sửa đổi luật Sở hữu trí tuệ trong nước và bảo hộ cho nhiều chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Doanh nghiệp khi đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu sẽ phải cẩn trọng hơn để tránh bị từ chối. Việc mở rộng này cũng có thể dẫn đến nhiều tranh chấp thương hiệu trong tương lai.

Cấp bằng sáng chế – cơ hội và thách thức

Việt Nam sẽ phải cấp bằng sáng chế cho các giải pháp mới được tuyên bố, ít nhất là một trong các trường hợp sau: cách sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết; phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết, hoặc quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết.
Một tiêu chuẩn mới cho việc cấp bằng sáng chế đã được hình thành, theo đó Việt Nam sẽ phải cấp bằng sáng chế ngay cả khi sáng chế đó có thể không nhằm tăng cường hiệu quả đã được biết đến và sẽ được bảo hộ thêm hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn yêu cầu bảo hộ.
Đây cũng là một vấn đề nan giải tác động lớn tới toàn bộ ngành dược phẩm. Các công ty dược có bằng sáng chế chỉ cần thêm một nguyên liệu mới để thuốc có thêm tác dụng mới sẽ kéo dài thời hạn bảo hộ và ngăn việc thuốc này được sản xuất đại trà. Khi một loại thuốc còn trong thời hạn bảo hộ, không một công ty nào ngoài công ty phát minh ra loại thuốc có biệt dược đó được phép điều chế, sản xuất thuốc chứa dược chất này nhằm mục đích thương mại (trừ các công ty thuộc nước nghèo theo bảng xếp loại của Liên Hiệp Quốc). Điều này, về cơ bản tạo ra một đối tượng bảo hộ mới, hạn chế việc tiếp cận các loại thuốc mới có giá rẻ của các quốc gia đang phát triển.
Sau thời gian thuốc gốc hết hạn bảo hộ độc quyền, các chủ thể khác mới được quyền nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm chứa dược chất đã hết hạn bảo hộ. Các loại thuốc sản xuất theo phương pháp này được gọi chung là thuốc generic. Đây là một thách thức lớn với các doanh nghiệp ngành dược Việt Nam, bởi trên thực tế, doanh nghiệp Việt chủ yếu sản xuất thuốc generic để đáp ứng nhu cầu dùng thuốc giá rẻ của người dân.Loại thuốc này có giá thành rẻ hơn nhiều nhưng về mặt chất lượng lại không thua gì thuốc gốc và hiện là sự lựa chọn thông minh đối với nhiều người, là con đường sống của nhiều bệnh nhân nghèo. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng.

Nhập khẩu song song – vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ

TPP đã tạo ra một tiêu chuẩn quốc tế mới liên quan đến việc nhập khẩu song song, theo đó, người sở hữu quyền có quyền cho phép hoặc cấm việc nhập khẩu song song này vì lợi ích của mình.
Pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép việc nhập khẩu song song các hàng hóa, sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ miễn sao sản phẩm đó là sản phẩm do chính chủ sở hữu của đối tượng sở hữu trí tuệ đó hoặc cá nhân, tổ chức được chủ sở hữu đó cho phép đưa ra thị trường. Theo đó, hành vi nhập khẩu song song không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Quy định khắt khe về việc nhập khẩu song song trong TPP sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như của người kinh doanh, vì lúc đó, quyền cho phép nhập khẩu song song hoàn toàn nằm trong tay của người sở hữu quyền, mà không còn linh hoạt như hiện nay. Các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ sẽ tăng lên đáng kể, doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu hàng hóa cần cẩn trọng. Người tiêu dùng cũng sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận đa dạng hàng hóa và sự cạnh tranh về giá.

Vấn đề bản quyền – sức ép quá lớn

Chống vi phạm bản quyền và kiểm soát việc chia sẻ thông tin trên Internet, tăng cường bảo hộ các nội dung số là điểm đáng lưu ý nhất trong TPP. Việc sao chép và chia sẻ các nội dung số khó khăn hơn rất nhiều. Thời hạn bảo hộ cho các tác phẩm là 70 năm kể từ ngày tác giả qua đời (tăng 20 năm).
Đây được xem là một cột mốc lớn đánh dấu một nỗ lực kiểm soát Internet và siết chặt, phổ biến luật bản quyền và sở hữu trí tuệ ở quy mô toàn cầu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng các phần mềm không có bản quyền.Việc này giúp Doanh nghiệp đỡ tốn kém một số chi phí, nhưng lại mang tính chất bất hợp pháp. Điều này có thể là điểm yếu để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng trong quá trình cạnh tranh. Để ngăn cản hàng xuất khẩu của Việt Nam, đối thủ sẽ đưa ra lý do là “Việt Nam sử dụng phần mềm không có bản quyền để không nhập khẩu hàng”.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp làm ăn bài bản, có nhiều sản phẩm trí tuệ chất lượng, tiến hành bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ thì đương nhiên cũng sẽ được tôn trọng tại 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu, đây là một lợi thế không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam có thể xâm nhập thị trường quốc tế.

Chế tài xử lý xâm phạm Sở hữu trí tuệ cứng rắn hơn

Các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ hiện nay chủ yếu được xử lý bằng các biện pháp hành chính. Khi tham gia TPP, biện pháp dân sự, hình sự có thể sẽ được áp dụng nhiều hơn. Sắp tới Việt Nam sẽ phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự trong đó quy định rất rõ những tội danh liên quan đến Sở hữu trí tuệ và khung hình phạt đối với từng tội danh.
Theo đó, các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu, cố tình nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo, sao chép lậu bản quyền hoặc các quyền liên quan trên qui mô thương mại có thể phải chịu các chế tài hình sự. Chủ sở hữu quyền Sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi đã bị xâm hại và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm khác diễn ra trong tương lai.
Có thể thấy rằng, Sở hữu trí tuệ trong TPP đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nếu không nhanh chóng chuẩn bị các kiến thức cũng như tiềm lực cần thiết, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc dính níu vào các vụ tranh chấp pháp lý không đáng có. Tuy nhiên, với việc mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và nâng cao hiệu quả thực thi quyền Sở hữu trí tuệ, Doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ có cơ hội phát triển tại các quốc gia thành viên TPP.
Bài viết này được đăng trong mục: Kiến thức và với thẻ: .