Rủi ro tỷ giá là sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ mà doanh nghiệp (DN) không thể dự báo trước làm ảnh hưởng đến giá trị kỳ vọng trong tương lai. Trong trường hợp các giao dịch của DN thực hiện trên cơ sở tỷ giá ngoại tệ mà hàng hóa đã được định giá trước, khi tỷ giá có sự biến động có thể tạo ra rủi ro dẫn đến thua lỗ. Tùy theo quy mô sử dụng ngoại tệ, DN có thể chịu số lỗ do rủi ro về tỷ giá nhiều hay ít.

Rủi ro tỷ giá (RRTG) có thể phát sinh trong nhiều hoạt động khác nhau của DN. Nhưng nhìn chung cứ bất cứ hoạt động nào mà dòng tiền vào phát sinh bằng một đồng tiền khác trong khi dòng tiền ra phát sinh bằng một đồng tiền khác và ngược lại đều chứa đựng nguy cơ RRTG, thể hiện ở chỗ tỷ giá thay đổi làm dòng tiền thay đổi theo.
RRTG là vấn đề khá phức tạp và có thể phát sinh trong nhiều loại hoạt động:
– RRTG trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Đây là loại rủi ro đáng lo ngại nhất đối với các DN có hoạt động XNK nhiều. Sự thay đổi tỷ giá làm cho giá trị kỳ vọng của các khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ trong tương lai bị thay đổi, từ đó ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của DN.
– RRTG trong hoạt động tín dụng: xảy ra khi các DN thực hiện vay vốn bằng ngoại tệ.
– RRTG trong hoạt động đầu tư: phát sinh đối với các DN có các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp ra nước ngoài.
RRTG có tác động rất lớn đến DN ở những khía cạnh sau:
Một là, RRTG gây ra bất ổn cho DN, tác động đến hoạch định tài chính của DN. Cụ thể, khi DN đánh giá dự án đầu tư, RRTG tác động đến dòng tiền của dự án, từ đó làm ảnh hưởng đến NPV và ảnh hưởng đến việc hoạch định đầu tư vốn của DN. RRTG có thể làm cho dự án đầu tư dừng lại do tổng mức đầu tư tăng đột biến.
Hai là, RRTG tác động đến lợi nhuận sau thuế của DN. Biến động tỷ giá gây ra ba loại tổn thất:
(i) Tổn thất giao dịch: là tổn thất phát sinh khi có các khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ. Tổn thất các khoản phải thu ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị quy ra nội tệ thu về sụt giảm do ngoại tệ xuống giá so với nội tệ. Tổn thất các khoản phải trả ngoại tệ là tổn thất phát sinh khi giá trị quy ra nội tệ chi ra tăng lên do ngoại tệ lên giá so với nội tệ. Tổn thất giao dịch ngoại tệ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào giá trị tài sản tính bằng ngoại tệ và mức độ thay đổi của tỷ giá.
(ii) Tổn thất kinh tế: là tổn thất phát sinh do thay đổi của tỷ giá làm ảnh hưởng đến dòng tiền quy ra nội tệ hoặc ngoại tệ của DN. Chẳng hạn sự lên giá của nội tệ làm sụt giảm doanh thu xuất khẩu (XK) của DN, do hàng XK bây giờ trở nên đắt hơn so với người tiêu dùng nước ngoài. Hoặc chi phí đầu vào của DN gia tăng do ngoại tệ lên giá so với nội tệ khi đại đa số nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ nguồn nhập khẩu. Tổn thất kinh tế liên quan đến vị thế cạnh tranh tương đối của DN.
(iii) Tổn thất trước giao dịch (Pre-transactional risk): là rủi ro từ việc cam kết thanh toán hoặc bỏ thầu dự án tại một mức giá trước khi thực hiện giao dịch và thanh toán bằng đồng ngoại tệ. Ví dụ, một DN ở Việt Nam XK hàng hóa vào thị trường Mỹ phải công bố bảng giá tính bằng đồng tại Việt Nam. Nếu việc điều chỉnh bảng giá không thể theo kịp với sự biến động bất thường của tỷ giá hối đoái trên thị trường, DN này sẽ bị ảnh hưởng bởi RRTG. Tương tự, nếu DN ký kết một hợp đồng cung ứng dài hạn, thu nhập bằng ngoại tệ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong khi giá thỏa thuận đã được ấn định. Thiệt hại do loại rủi ro này gây ra chỉ có thể xác định khi DN thực sự thực hiện giao dịch. 
(iv) Tổn thất chuyển đổi: là tổn thất phát sinh do thay đổi tỷ giá khi chuyển đổi tài sản, nợ, lợi nhuận và các khoản mục khác của báo cáo tài chính từ đơn vị tính ngoại tệ sang đơn vị nội tệ. Khác với các loại rủi ro trên, rủi ro này không làm ảnh hưởng tới dòng tiền và chỉ liên quan tới quá trình hạch toán kế toán của DN. Tuy nhiên, với một công ty cổ phần, nó có thể ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư. Việc chuyển đổi này sẽ làm thay đổi các chỉ số tài chính, các yếu tố liên quan điều khoản vay nợ…
Như vậy có thể thấy RRTG gây ra những tổn thất về giao dịch, tổn thất kinh tế cho DN khi có các khoản phải thu, các khoản phải trả bằng ngoại tệ trong tương lai. Các khoản phải thu, phải trả có thể đến từ hoạt động XNK hàng hóa, nguyên vật liệu, hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư tài chính. Các khoản phải thu sẽ hình thành nên trạng thái thừa ngoại tệ (long position), các khoản phải trả hình sẽ hình thành nên trạng thái thiếu ngoại tệ (short position). Để có thể phòng ngừa RRTG tăng giảm gây ra những thiệt hại cho mình, DN có thể sử dụng các sản phẩm kỳ hạn ngoại tệ, hoán đổi ngoại tệ, tương lai hoặc quyền chọn.
Sau đây ta đi xem xét việc sử dụng sản phầm kỳ hạn và tương lai để phòng ngừa RRTG trong trường hợp DN có các khoản phải trả bằng ngoại tệ trong tương lai thông qua tình huống sau:
Tên công ty: Công ty cổ phần ABC
Trị giá hợp đồng: 1 tr USD    
Thời hạn thanh toán: 6 tháng
Tỷ giá giao ngay (USD/VND) ở thời điểm hiện tại: 21.190 – 21.240
Trường hợp sử dụng hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ
DN mua hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ tại Ngân hàng kỳ hạn 6 tháng theo tỷ giá bán kỳ hạn. Ngân hàng sẽ sử dụng tỷ giá giao ngay tại thời điểm hiện tại, lãi suất kỳ hạn 6 tháng của USD và VND và thời hạn hợp đồng để xác định tỷ giá kỳ hạn. Tỷ giá kỳ hạn được xác định như sau:
  
 
Trong đó: Sb: 21.240 là tỷ giá giao bán ngay USD/VND; Lscv(VND): lãi suất cho vay VND = 5,5% (đây là mức lãi suất áp dụng đối với các DN lớn có tham gia mua kỳ hạn); Lstg (USD): lãi suất tiền gửi USD = 0,25%; n= 180 ngày là thời hạn của hợp đồng.
ở thời điểm mua hợp đồng kỳ hạn: chưa có chuyển giao ngoại tệ giữa ngân hàng và DN. Tuy nhiên, với mức tỷ giá biết trước như thế này, công ty ABC đã cố định khoản chi phí phải thanh toán cho hợp đồng nhập khẩu là 21.296 tr đồng.
Ở thời điểm đến hạn, công ty ABC có các giao dịch sau:
– Nhận 1 triệu USD từ hợp đồng mua kỳ hạn ngoại tệ và thanh toán cho hợp đồng nhập khẩu.
– Trả cho ngân hàng 21.296 tr đồng.
Khi sử dụng hợp đồng kỳ hạn, công ty đã cố định được chi phí phải trả của mình bất kể tỷ giá biến động như thế nào, do đó đã loại trừ được RRTG. Sử dụng hợp đồng kỳ hạn có ưu điểm là tránh được tổn thất giao dịch cho công ty, đơn giản, dễ sử dụng và dễ thương lượng với ngân hàng. Tuy nhiên hợp đồng kỳ hạn mang lại nhược điểm cho DN sử dụng là nó chỉ áp dụng được trong trường hợp hai bên tham gia hợp đồng không có nhu cầu chuyển giao ngoại tệ ở thời điểm thỏa thuận giao dịch. Khi tỷ giá bán giao ngay tại thời điểm đáo hạn không lên đến mức bằng hoặc cao hơn tỷ giá kỳ hạn đã thỏa thuận thì DN có thể bị thiệt hại. 
Từ những ưu nhược điểm như trên, DN chỉ nên sử dụng hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ trong trường hợp: hai bên tham gia hợp đồng không có nhu cầu chuyển giao ngoại tệ ở thời điểm thỏa thuận giao dịch; DN sẵn sàng chấp nhận thiệt hại nếu tỷ giá biến động bất lợi cho DN. Số tiền thiệt hại (nếu có) được coi như là chi phí mua bảo hiểm rủi ro biến động tỷ giá.
Trường hợp sử dụng hợp đồng tương lai
Tiếp tục tình huống nghiên cứu trên, công ty ABC có thể mua hợp đồng tương lai ngoại tệ trên thị trường tương lai có giá trị và thời hạn tương đương với giá trị và thời hạn thanh toán của hợp đồng nhập khẩu. Khi đó, công  ty nắm giữ hai hợp đồng: một là hợp đồng nhập khẩu sẽ đến hạn thanh toán trong 6 tháng nữa, hai là hợp đồng tương lai trên thị trường tương lai và cũng sẽ đáo hạn trong 6 tháng nữa. Giao dịch cụ thể của công ty được mô tả như sau:
– Ở thời điểm thỏa thuận hiện tại: công ty mua 100 hợp đồng ngoại tệ tương lai, trị giá mỗi hợp đồng là 10.000 USD với thời hạn 6 tháng. Công ty phải mở tài khoản thanh toán với phòng thanh toán bù trừ của Sở giao dịch và ký quỹ lần đầu theo yêu cầu của Sở giao dịch.
– Ở giữa hai thời điểm thỏa thuận và đáo hạn: giá tương lai thay đổi hàng ngày, giao dịch ghi nhận và thanh toán hàng ngày đối với hợp đồng tương lai. Trong thời điểm này, giá USD có thể lên giá hoặc giảm giá so với VND. Nếu đô lên giá thì công ty sẽ lãi từ hợp đồng tương lai và ngược lại nếu đô xuống giá thì công ty sẽ bị thiệt.
– Tại thời điểm 6 tháng sau: công ty sẽ đóng (close out) hợp đồng tương lai bằng cách bán lại một hợp đồng tương tự trên thị trường tương lai và mua USD trên thị trường ngoại tệ để thanh toán tiền hàng. Tại thời điểm này có thể xảy ra hai trường hợp:
+ Tỷ giá ở thời điểm này cao hơn tỷ giá tại thời điểm thỏa thuận, lúc này trên thị trường ngoại tệ công ty sẽ phải mua với tỷ giá cao hơn và bị thiệt hại một số tiền bằng (S180-S0) x 1 triệu đồng do USD lên giá so với VND. Tuy nhiên, trên thị trường tương lai, công ty sẽ lãi từ hợp đồng giao sau và được tích lũy hàng ngày vào tài khoản thanh toán với số tiền bằng: 100 x 10000 (P180 – P0) (trong đó P180: giá tương lai tại thời điểm 6 tháng sau, P0: giá tương lai tại thời điểm 0, và P180 > P0). Số tiền lãi tích lũy này sẽ được sử dụng để bù trừ cho việc công ty bị thiệt trên thị trường ngoại tệ. Nhờ vậy RRTG có thể được kiểm soát.
+ Tỷ giá ở thời điểm này thấp hơn tỷ giá tại thời điểm thỏa thuận. Ngược lại với trường hợp trên, công ty sẽ được lợi trên thị trường ngoại tệ do  mua USD  với tỷ giá thấp hơn và bị lỗ trên thị trường tương lai do tỷ giá đóng hợp đồng tương lai thấp hơn tỷ giá tương lai ở thời điểm mua hợp đồng tương lai. Lỗ trên thị trường tương lai được bù trừ với lợi trên thị trường ngoại tệ và nhờ vậy RRTG vẫn được kiểm soát.
Hợp đồng tương lai mang lại cơ hội đầu cơ nếu tỷ giá biến động đúng như dự đoán, còn nếu tỷ giá biến động ngược như dự đoán thì vẫn đảm bảo kiểm soát được RRTG. Tuy nhiên khi sử dụng hợp đồng tương lai cần chú ý những điểm sau:
* Hợp đồng tương lai được chuẩn hóa theo loại ngoại tệ, trị giá hợp đồng, thời hạn hợp đồng nên có các trường hợp DN không thể thỏa thuận hợp đồng theo đúng như nhu cầu cần phòng ngừa rủi ro của mình. Do đó DN không thể phòng ngừa rủi ro (hedging) toàn bộ được mà chỉ  kiểm soát được rủi ro.
* Hợp đồng tương lai vẫn là hợp đồng bắt buộc thực hiện nên các DN vẫn phải thực hiện hợp đồng đến hạn nếu chưa  kịp đóng hợp đồng tương lai.
Các DN nên lựa chọn hợp đồng tương lai trong phòng ngừa rủi ro trong trường hợp kỳ vọng tỷ giá biến động theo như dự đoán và mong muốn kiếm thêm lợi nhuận tích lũy từ biến động tỷ giá, đồng thời vẫn muốn kiểm soát được tổn thất. Việc sử dụng hợp đồng tương lai phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của DN với rủi ro và kỳ vọng của DN vào biến động tỷ giá. Nếu công ty nhấn mạnh mục tiêu phòng ngừa rủi ro (hedging) hơn đầu cơ (speculating) thì không nên sử dụng hợp đồng tương lai mà nên sử dụng hợp đồng kỳ hạn. Vì hợp đồng tương lai được thiết kế phục vụ cho mục đích đầu cơ cao hơn mục đích phòng ngừa rủi ro./.