Sử Việt trên trang viết trẻ.

Không còn là “đặc quyền” của những cây bút lão làng, gần đây, nhất là trong năm 2020, đề tài lịch sử đã nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả trẻ. Họ không chỉ có khao khát được thể hiện đam mê, sáng tạo mà còn là khao khát khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy văn chương nước nhà.

Cuộc tìm tòi của văn chương

Khác với những thế hệ trước, nhiều tác giả 9X ngày nay không ngần ngại lựa chọn tiểu thuyết làm tác phẩm đầu tay. Dù vẫn viết về lịch sử, về những chuyện đã thuộc về quá khứ nhưng mỗi người có sự tìm tòi để mang đến những câu chuyện của riêng mình.

Có thể kể đến Thành Châu (29 tuổi) với tiểu thuyết Hỏa Dực (Đinh Tị Books và NXB Hà Nội xuất bản). Tác phẩm tương đối dày dặn với hơn 350 trang, lấy bối cảnh những năm đầu của cuộc xung đột giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn. Mượn câu chuyện tình của cô gái Nguyễn Phúc Ngọc Tường với chàng trai Đỗ Thành, tác phẩm đã tái hiện một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử mà ở đó chiến tranh đã trở thành nỗi đau chung.

Thời gian qua, Đinh Tị Books là đơn vị thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thể loại tiểu thuyết lịch sử của tác giả trẻ, trở thành “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm như Tháng năm sen nở (Cổ Nguyệt Quang), Thiên hạ là nàng (Nhuận Y), Ngàn dặm tương tư (Thanh An). Anh Nguyễn Đức Vịnh, Trưởng phòng Biên tập Đinh Tị Books, cho biết, tác giả trẻ có nhiều góc nhìn mới mẻ, táo bạo, với nguồn tư liệu dồi dào. Dẫu vậy, hầu hết các bạn còn thiếu những trải nghiệm phù hợp, khiến giọng văn thường chưa đủ sự thâm trầm, sâu sắc.

Tuy nhiên, cũng theo TS Hà Thanh Vân, vì còn trẻ, họ có thể thiếu một số kiến thức, thiếu thời gian suy tư, đào sâu, suy ngẫm về đề tài… nhưng lại có lợi thế về tư duy nghệ thuật mới mẻ, tiếp cận nhiều kỹ thuật viết hiện đại cũng như nhiều tư liệu lịch sử mới được “giải mã”… Vì thế, họ không nhìn lịch sử theo kiểu xơ cứng, một chiều, cũng không làm công việc dùng văn học minh họa cho lịch sử, điều mà một số tác phẩm lịch sử trước đây dễ mắc phải.

HỒ SƠN/SGGPO