Đầu thế kỷ 20, truyện đường rừng – một nhánh của văn học Việt Nam thời 1930- 1945 với những câu chuyện kỳ ảo, những nhân vật nửa người nửa quỷ… trong tác phẩm Vàng và máu, Truyện đường rừng, Thần hổ... được các nhà văn Lan Khai, Thế Lữ, Tchya… sáng tạo nên. Đó là cách các nhà văn phản ứng với hiện thực theo cảm xúc rất đặc biệt mà ta có thể cảm nhận rằng họ mượn thế giới của quỷ để nói về thế giới của người lúc bấy giờ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về vẻ đẹp của văn học kỳ ảo, do NXB Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội, TS Năm Hoàng Phó trưởng Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV cho rằng tác giả dòng truyện đường rừng đã mở ra một thế giới đầy sáng tạo.

Với Lan Khai, đó là “truyện lồng trong truyện” khi từ vai trò người kể truyện tác giả lại đưa ra những nhân vật khác với những gì họ trải qua và kể lại. Với Tchya thì ngồn ngộn tư liệu và triết lý sống. Còn như Thế Lữ thì lại mang đến vẻ đẹp của văn chương với ngôn từ, với cách miêu tả kỹ lưỡng thiên nhiên, cảnh vật sau đó mới kể chuyện… Dù vậy, các tác phẩm này vẫn bám sát vào thực tế cuộc sống, đó là những phong tục, tập quán của người Việt, ở đây là vùng miền núi, nơi đường rừng với cách ăn cách ở, cách nói, cách sinh hoạt thời đó.

Không khí mà họ đưa đến cho người đọc vừa huyền ảo huyễn hoặc vừa rất hiện thực là minh chứng cho thấy các nhà văn đã tham dự rất sâu sắc vào đời sống của người dân để viết nên những ”tiểu thuyết đậm chất phong tục” bên cạnh những ly kỳ, rùng rợn kia.

Các diễn giả trong tọa đàm về vẻ đẹp văn học kỳ ảo 

“Văn học đường rừng hay văn học kỳ ảo vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại. Nó chạm vào phần sâu kín nhất trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của chúng ta. Chúng ta tin vào những điều làm cho con người “người” hơn và nếu chúng ta lảng tránh nó, tức là chúng ta đã tước đi cơ hội cho văn học khám phá con người một cách toàn diện và sâu sắc” – TS Năm Hoàng phân tích.

Nhà văn Di Li cũng nhận định những tác phẩm như Truyện đường rừng là một đặc sản của Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Theo Di Li, con người hiện đại, đặc biệt là người thành phố, không còn được tiếp xúc nhiều với những cảnh quan hoang dã, khi đọc được những tác phẩm quý ở thời ấy, sẽ thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa của một thời đại.

Văn học kỳ ảo có một dòng chảy bền bỉ, sức sống mãnh liệt

Nhấn mạnh việc báo chí và các nhà xuất bản chính là bệ đỡ cho văn học kỳ ảo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo Yên Ba cho rằng sau nhiều năm, việc tái bản loạt tác phẩm thuộc dòng văn học kỳ ảo là cách khám phá di sản văn học rực rỡ của thế hệ trước góp phần định danh dòng chảy truyện đường rừng. Tái bản bộ sách cũng là một cách để lưu giữ, lưu truyền những di sản văn học của một thế hệ nhà văn lừng lẫy từ thế kỷ trước, và biết đâu cũng là những gợi mở để thế hệ người viết trẻ hiện nay có cảm hứng tạo nên những bộ truyện kỳ ảo mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

MAI AN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/suc-song-ben-bi-cua-dong-chay-van-hoc-ky-ao-viet-nam-852679.html