Là một cuốn hồi ký có số phận lạ lùng, Kỷ niệm thời thơ ấu là hồi ức của bà Hoàng Thị Thế, con gái người anh hùng Hoàng Hoa Thám viết về những ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. 

Có thể nói đây là một cuốn hồi ký có số phận khá ly kỳ, cả số phận của nhân vật, của dịch giả và cả bản thân cuốn sách.

Ảnh chân dung bà Hoàng Thị Thế trong ấn bản đầu tiên

Đầu tiên là nhân vật chính, bà Hoàng Thị Thế (1901-1988), là con gái thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám (1858-1913). Mẹ bà là Đặng Thị Nho, tục gọi là bà Ba Cẩn (? – 1910), vợ ba đồng thời là cộng sự của thủ lĩnh Đề Thám.
Cuối năm 1909, trong chiến dịch tấn công cuối cùng của quân Pháp vào Yên Thế, bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế bị quân Pháp bắt. Bà Ba Cẩn cùng trên 70 nghĩa quân bị đem về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị kết án đày sang đảo Guyane (Nam Mỹ) thuộc Pháp. Trên đường đi, nhân lúc quân canh sơ ý, bà Ba Cẩn nhảy xuống biển tự tử.
Cô bé Hoàng Thị Thế được đưa từ Phủ Lạng Thương về Hà Nội. Cựu Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer nhận đỡ đầu cho cô Thế sang Pháp ăn học. Sau này, khi Paul Doumer trở thành Tổng thống Pháp và bị ám sát (6-5-1932), theo báo chí Pháp có một người phụ nữ Việt Nam ở cạnh đã lau máu cho ông, đó chính là bà Hoàng Thị Thế.
Năm 1961, bà Hoàng Thị Thế trở về Việt Nam, sống ở Hà Nội và Bắc Giang. Cuốn hồi ký kể về những kỷ niệm thời thơ ấu đã được bà viết vào chính sau thời gian này. Theo lời ghi trên sách của Ty Văn hóa Hà Bắc (1975), bà Thế viết hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu ở Hà Bắc vào năm 1963.

Ấn bản đầu tiên xuất bản tháng 10-1975
Cũng theo thông tin của Ty Văn hóa Hà Bắc viết trên sách thì nguyên bản của cuốn hồi ký này là bản viết tay bằng chữ Pháp, lưu trữ tại Ty Văn hóa Hà Bắc. Tuy nhiên, sau đó vào năm 1996 tỉnh Hà Bắc lại tách ra thành hai tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang nên số phận bản gốc trở nên không rõ ràng.
Cho đến nay, bản dịch của dịch giả Lê Kỳ Anh vẫn được xem là tài liệu quan trọng nhất về cuốn hồi ký cũng như những thông tin về giai đoạn cuối cùng của khởi nghĩa Yên Thế.
Từ 1958 đến năm 1987, nhà thơ Hoàng Cầm đôi lúc đã sử dụng bút danh Lê Kỳ Anh mà tiêu biểu là hai tác phẩm Lời Bác vang dội núi sông (viết chung nhiều tác giả) do Sở Văn hóa Hà Nội in năm 1968 và tập kịch Trận địa bên sông Hồng (viết chung).

Nhà thơ Hoàng Cầm giai đoạn dịch Kỷ niệm thời thơ ấu
Ngoài ra, chính trong bản dịch cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu xuất bản năm 1975, Ty Văn hóa Hà Bắc có ghi chú: “Cảm ơn dịch giả Lê Kỳ Anh đã hết lòng làm cho bản dịch tiếng Việt thêm trong sáng”.
Bên cạnh đó, sách còn được sự hỗ trợ hiệu đính của TS Sử học Khổng Đức Thiêm, một trong các chuyên gia nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế cũng như người anh hùng Đề Thám.
Ấn bản mới nhất của cuốn hồi ký
Cuốn hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu bản tái bản mới nhất lần này do Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam và NXB Khoa học Xã hội thực hiện.
Nội dung của tác phẩm là quãng thời gian 3 năm cuối cùng của bà sống cùng cha và mẹ tại núi rừng Yên Thế cho đến cuộc tấn công cuối cùng của Pháp vào nghĩa quân Yên Thế năm 1909. Anh trai bà hy sinh trong trận đánh này còn bà và mẹ bị quân Pháp bắt đưa về Hà Nội.
Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, một trong những gương mặt quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam trong cuộc xung đột với Pháp. Ông có một người con gái là Hoàng Thị Thế cùng một người con trai là Hoàng Hoa Phồn (sinh năm 1908-1945) còn có tên Hoàng Bùi Phồn hay Hoàng Văn Vi.

Sinh ngày 31-3-1901 ở Phồn Xương, Hoàng Thị Thế được hứa hôn với một người con của hoàng đế Trung Hoa lúc lên ba. Tháng 6-1909, bà cùng mẹ bị người Pháp bắt. Lúc đầu, bà được Bouchet nhận trông nom, rồi giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Sau khi theo học trường Tây ở Bắc kỳ, bà bị đưa sang Pháp năm 1917. Bà được Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương) nhận làm con nuôi, và cho theo học ở trường nội trú Jeanne D’Arc ở Biarritz. Bà lấy tên là Marie Beatrice Destham.

Năm 1925, học xong tú tài phần một, bà được đưa về Việt Nam làm thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1927, bà được đưa trở lại Pháp. Trở lại Paris, Albert Sarraut giới thiệu bà như là công chúa. Tổng thống Pháp Paul Doumer, trở thành người cha đỡ đầu và cấp cho bà một khoản trợ cấp gây nên nhiều tranh cãi.

Năm 1930, bà bắt đầu đóng phim. Vai diễn đầu tiên là vai một công chúa Trung Hoa tên là Li-Ti trong phim La Lettre (Bức thư) do hãng Paramout sản xuất tại Paris. Năm 1931, bà kết hôn với ông Robert Bourgès – người Pháp gốc Bỉ và sinh được một con trai là Jean Marie Bourgès (1935). Sau đó, bà tiếp tục có các vai diễn trong các phim La donna Bianca (1931), Le secret de l’émeraude (1935). Năm 1940, bà ly hôn.

Khoảng năm 1960-1961, bà quyết định trở về Hà Nội với sự giúp đỡ của Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vì thấy đây là một lợi thế về chính trị với danh nghĩa Đề Thám.

Ban đầu bà về sống ở Hà Bắc. Năm 1974, bà về Hà Nội và sống tại phòng 31 Khu tập thể Văn chương cho đến khi mất.

XUÂN THÂN


Theo SGGPO