Tài chính cá nhân đơn giản là số tiền bạn dùng để chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày − bạn kiếm và tiết kiệm được bao nhiêu; sống ở đâu; lái loại xe gì; chi bao nhiêu tiền cho quần áo hoặc những chuyến du lịch; tích lũy trong tài khoản hưu trí hoặc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, hay quỹ tương hỗ bao nhiêu; chi trả cho con học đại học bằng cách nào; và liệu bạn có dư dả không hay chỉ đủ chi tiêu qua ngày.

Thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân đồng nghĩa với việc kiểm soát được cuộc sống, tự trang bị kiến thức, chi tiêu thông minh hơn và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài chính trong tương lai của mình.

Quản lý tài chính cá nhân quan trọng với tất cả mọi người – nhất là với những người mẹ đơn thân – những người đang cần mẫn mỗi ngày tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái và bản thân mình.

Dù muốn hay không, phụ nữ đã ly hôn, không kết hôn hay góa phụ đều phải chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh trong đời sống của mình. Họ sẽ phải đối mặt với những thực tế về tài chính, phải đưa ra các quyết định tài chính có thể ảnh hưởng đến chính họ hay cả con họ trong tương lai. Dù hiểu biết nhưng vẫn cần phải có các kỹ năng cũng như sự tự tin để đưa ra quyết định sáng suốt và kiểm soát được tình trạng tài chính của mình. Cách duy nhất để xóa tan nỗi sợ hãi, bất an là đối mặt với thực tế mới của bản thân và hành động sao cho phù hợp.

Cuốn sách này đã được nghiên cứu và viết ra nhằm giúp mọi người kiểm soát được bất kỳ lĩnh vực tài chính cá nhân nào, đồng thời xây dựng một vốn từ vựng tài chính vô cùng thiết thực. Các chương sẽ đề cập đến những thứ cần biết cùng các chiến thuật hữu ích về tài chính. …để từ đó tối đa hóa các lựa chọn cá nhân bất kể thu nhập là bao nhiêu, và tạo ra một kế hoạch tài chính giúp tăng giá trị tài sản cũng như mở ra một tương lai xán lạn.

Trích đoạn: Mười cách tốt nhất để cải thiện tài chính cá nhân

1. Ngừng trốn tránh và hãy đối mặt với tình hình hiện tại. Bạn sẽ không thể cải thiện được thực trạng tài chính của bản thân nếu không làm vậy.

2. Vạch ra chiến lược để sắp xếp lại các khoản chi tiêu một cách khoa học.

3. Hạn chế số nợ ở thẻ tín dụng và tránh vượt mức cho phép.

4. Trở nên sáng suốt và tỉnh táo hơn trong chi tiêu.

5. Hạn chế tiêu xài phung phí và tích cực tiết kiệm. Tạo một ngân sách cố định để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cơ bản của bạn.

6. Không ngừng củng cố kiến thức về tài chính. Khi đã tiết kiệm đủ nhiều, bạn sẽ cần đưa ra những quyết định đầu tư khôn ngoan.

7. Lập những mục tiêu cho tương lai thật chi tiết và thực tế. Hãy nhớ rằng, thành công sẽ tiếp nối bằng thành công.

8. Đầu tư cho bản thân và tương lai. Chấp nhận những rủi ro đã lường trước trong kinh doanh là cách duy nhất để xây dựng tài sản vốn và gia tăng sự giàu có cho chính mình.

9. Bảo vệ tài sản và các khoản đầu tư của bạn. Một bậc thầy về tài chính sẽ biết đưa ra những quyết định khôn ngoan để đảm bảo tiền bạc của mình và kiểm soát những khoản dành cho con cái.

10. Lên kế hoạch cho việc học của con cái. Nếu muốn con có cơ hội theo đuổi các bậc học cao hơn, bạn cần nghiêm túc tiết kiệm từ bây giờ.