Theo TS Ngô Bích Thu, khoa học giả tưởng đòi hỏi người viết hiểu biết, say mê khoa học, đồng thời có năng lực ngôn ngữ. Điều đó khiến ít người chọn viết thể loại văn chương này.

Văn học khoa học giả tưởng (sci-fi) là một trong những thể loại hư cấu của văn chương, có yếu tố khoa học. Các vấn đề về khoa học giả tưởng đã được bàn thảo tại tọa đàm nhân kỷ niệm 194 năm sinh của Jules Verne – người tiên phong của thể loại khoa học giả tưởng. Chương trình diễn ra chiều 18/2 tại Hà Nội.

Sách Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Tư duy logic là một đặc trưng của khoa học giả tưởng

TS Ngô Bích Thu – nhà nghiên cứu về khoa học giả tưởng, giảng viên Đại học Mở TP.HCM, một trong các diễn giả của chương trình – nói về sự hình thành của văn học khoa học giả tưởng.

Khoa học giả tưởng là những tác phẩm, văn bản văn học có yếu tố khoa học được hư cấu, mở ra cho độc giả một thế giới của những mơ ước, điều tưởng tượng đến trong tương lai, đem cho độc giả trải nghiệm khoa học giống thật. Khoa học giả tưởng là tưởng tượng nên không phải khoa học chính xác.

Theo TS Thu, các nhà văn giả tưởng thường có tư duy phản biện khoa học, đối thoại khoa học, tư duy logic, biện chứng chặt chẽ. Văn học khoa học giả tưởng thường đề cập hiện tượng, những vấn đề khoa học ở mọi lĩnh vực, ví dụ khoa học vũ trụ, khoa học y học, khoa học tâm linh…

Trong những tác phẩm khoa học giả tưởng, tác giả đưa vào tác phẩm những giả thuyết khoa học, có thể đã được kiểm chứng, có thể chưa được kiểm chứng.

Ở tác phẩm khoa học giả tưởng, tác giả đưa vào nhiều số liệu, dữ liệu, thí nghiệm khoa học. Độc giả khi đọc có cảm giác như đang trải nghiệm khoa học thật.

Bà Ngô Bích Thu cho rằng Edgar Poe (1809-1849) là nhà văn viết khoa học giả tưởng sớm nhất. Nhà văn Mỹ được xem là người khai sinh ra truyện trinh thám kinh dị, ông cũng viết truyện về hiện tượng khoa học. Tác phẩm liên quan khoa học giả tưởng của Edgar Poe chiếm khoảng 20,8% dung lượng tác phẩm của ông.

“Edgar Poe có thể xem là nhà văn thiết kế đường nét căn bản đầu tiên của khoa học giả tưởng vào thế kỷ 19”, TS Thu nói. Truyện khoa học giả tưởng của ông ảnh hưởng tới nhiều nhà văn, trong đó có Jules Verne.

Jules Verne (1828-1905) là văn hào Pháp, để lại những tác phẩm kinh điển ở thể loại khoa học giả tưởng như: Hai vạn dặm dưới biển, Hành trình vào tâm Trái Đất, 80 ngày vòng quanh thế giới

Jules Verne đã đề cập những cuộc phiêu lưu bằng máy bay, tàu ngầm hay những chuyến du hành vào vũ trụ trước khi những phương tiện này được con người phát minh trong thực tế.

Một tác phẩm của Viết Linh. Ảnh: Y.N.

Thị trường khoa học giả tưởng bị lấn át bởi tác phẩm ngoại

Tại Việt Nam, tác phẩm của Jules Verne trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ. Theo dịch giả Đỗ Ca Sơn – người đã dịch tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển sang tiếng Việt – tác phẩm này đã được tái bản đến hơn 100 lần kể từ năm 1964. Hầu như năm nào Nhà xuất bản Kim Đồng cũng cho in lại tác phẩm này. Điều đó cho thấy bạn đọc và công chúng Việt Nam yêu thích khoa học giả tưởng.

Tuy vậy, tác phẩm khoa học giả tưởng do người Việt viết chưa nhiều. Nói như TS Ngô Bích Thu, thị trường văn học giả tưởng Việt bị lấn át bởi tác phẩm ngoại. Bà Thu phân tích nguyên nhân của tình trạng trên là văn học giả tưởng có sự kén chọn người viết, người đọc, người nghiên cứu.

“Viết khoa học giả tưởng vừa phải có hiểu biết, tìm hiểu khoa học, đồng thời phải say mê văn học, có năng lực văn chương, ngôn từ. Kết hợp hai yếu tố đó mới viết được khoa học giả tưởng”, TS Ngô Bích Thu nói.

Bên cạnh đó, một số nhà xuất bản vì doanh thu nên chọn giải pháp ít mạo hiểm là nhập khẩu và xuất bản tác phẩm nước ngoài đã nổi tiếng. Điều đó khiến thị trường đã ít người viết lại càng khó tiếp cận tới người đọc.

Theo TS Ngô Bích Thu, trong số các tác giả Việt Nam viết khoa học giả tưởng, truyện của Viết Linh tiêu biểu nhất, hội tụ các đặc trưng của thể loại này. Ông là tác giả của những truyện khoa học giả tưởng mà thiếu nhi thích thú như: Bí mật của nhà thôi miên (1962), Quả trứng vuông (1970), Giấc mơ bay (1976), Hành tinh kì lạ (1990)… Đa phần tác phẩm giả tưởng của Viết Linh là truyện ngắn, có một tiểu thuyết là Hành tinh kì lạ.

TS Thu cho rằng người viết và người đọc trong nước không nên tiếp cận tác phẩm khoa học giả tưởng nước ngoài theo cách thụ đồng. Bà hy vọng người cầm bút có thể tiếp nhận, hội nhập với khoa học giả tưởng thế giới nhưng tác phẩm vẫn mang văn hóa, tâm tính, căn cốt Việt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – không có mặt tại tọa đàm theo dự định. Trước đó, ông từng chia sẻ về 2 yếu tố quan trọng của khoa học giả tưởng: Những mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai và cảnh báo trước những nguy cơ cho nhân loại.

Theo ông Thiều, đây là thể loại văn học nghệ thuật cần được khuyến khích phát triển ở Việt Nam. Bên cạnh những nghiên cứu, hội thảo chuyên đề, cần có những cuộc thi trên phạm vi toàn quốc để có được tác phẩm khoa học giả tưởng có giá trị.

nguồn: https://zingnews.vn/tai-sao-it-nguoi-viet-khoa-hoc-gia-tuong-tai-viet-nam-post1297257.html