Nếu chăm sóc cơ thể thực ra là phần việc ít quan trọng nhất đối với sức khỏe của bạn… rằng để thực sự khỏe mạnh còn có các yếu tố khác quan trọng hơn thì sao?

Nếu như điều quan trọng đối với sức khỏe không chỉ là ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng hợp lý, ngủ đủ tám tiếng, uống vitamin, duy trì cân bằng nội tiết tố hay khám sức khỏe định kỳ thì sao?

Đương nhiên, những hoạt động kể trên đều quan trọng, thậm chí là những hoạt động thiết yếu để tối ưu hóa sức khỏe.

Nhưng nếu có điều gì đó khác thậm chí còn quan trọng hơn?

Nếu bạn có khả năng chữa lành cho cơ thể chỉ bằng việc thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của mình thì sao?

Những gì được tiết lộ trong cuốn sách này có thể làm bạn ngạc nhiên, thậm chí là làm bạn sợ hãi.

Suy nghĩ của chúng ta chứa đựng nhiều thuốc hơn cả những đột phá đáng kinh ngạc của y học hiện đại, thế nên đừng đợi đến khi cơ thể bắt đầu gào thét vì những căn bệnh đe dọa đến tính mạng, hãy học cách lắng nghe những lời thì thầm từ cơ thể.

Hãy chữa lành tâm trí bạn để cơ thể bạn cũng có thể tự chữa lành.

Đây là cuốn sách dành cho bạn, cho tất cả những ai đã từng bị bệnh, bất cứ ai đã từng yêu thương một người mắc bệnh và bất cứ ai muốn ngăn ngừa bệnh tật.

Tác giả: Lissa Rankin
Dịch giả: Phong Linh
NXB: Công thương

Trích đoạn hay

CÔNG HIỆU CỦA GIẢ DƯỢC

Giống như mọi nhà khoa học khác, tôi đã biết về hiệu ứng giả dược từ rất lâu. Các phương pháp điều trị giả, chẳng hạn như các viên thuốc đường, thuốc tiêm bằng nước muối và phẫu thuật giả, thường được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng hiện đại để xác định liệu một loại thuốc, một loại phẫu thuật hay một loại trị liệu cụ thể nào đó có thực sự hiệu quả hay không. Thuật ngữ giả dược [placebo], bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “tôi sẽ hài lòng” đã xuất hiện trong các biệt ngữ y khoa từ xa xưa để nói vô hại, vốn dành cho các bệnh nhân thần kinh để xoa dịu họ.

Trong nhiều thế kỷ, các bác sĩ đã chỉ định những phương pháp điều trị mà không có bất kỳ dữ liệu lâm sàng nào để chứng minh rằng chúng thực sự có hiệu quả. Không ai chất vấn các phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định và cũng không ai nghiên cứu để chứng minh một phương pháp nào đó có hiệu quả hay không. Các bác sĩ chỉ pha chế thuốc, xác định liều lượng cho bệnh nhân và bệnh nhân thấy khỏe hơn, hay ít nhất một tỷ lệ bệnh nhân nào đó cảm thấy như vậy. Hay bác sĩ mở một phần cơ thể bệnh nhân, thực hiện một ca phẫu thuật và các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc không.

Cho đến tận cuối thế kỷ 19, ý tưởng sử dụng giả dược trong nghiên cứu lâm sàng mới bắt đầu xuất hiện. Sau đó, vào năm 1955, Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xuất bản một bài báo có tầm ảnh hưởng lớn của bác sĩ Henry Beecher tên là Công hiệu của giả dược (The Powerful Placebo). Bài viết chỉ ra rằng nếu được cấp thuốc, nhiều người sẽ cảm thấy khỏe hơn. Nhưng nếu bạn chỉ cho họ uống nước muối thông thường hay thành phần trơ nào đó, khoảng một phần ba trong số họ cũng sẽ khỏi bệnh, không chỉ về mặt tâm lý mà cả về thể chất, những phương diện sinh lý có thể giải thích được trong cơ thể.

Đột nhiên, khái niệm “hiệu ứng giả dược” trở thành trụ cột chính của y học đương đại và các thử nghiệm lâm sàng hiện đại ra đời. Ngày nay, các nghiên cứu khoa học tốt phải chịu gánh nặng của việc chứng minh rằng, tác dụng điều trị của loại thuốc hay loại phẫu thuật đang được thử nghiệm vượt trội hơn công hiệu tiềm năng của giả dược. Chỉ khi “loại thuốc hay loại phẫu thuật hiệu quả cao hơn giả dược thì mới được coi là có “công hiệu”. Nếu không, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể không phê chuẩn loại thuốc đó thì loại phẫu thuật sẽ không được thực hiện, còn phương pháp điều trị sẽ bị loại bỏ vì không hiệu quả, tương tự như cuộc phẫu thuật của bác sĩ Moseley. Người ta tin rằng việc chỉ định các phương pháp điều trị đã được chứng minh là không tốt hơn giả dược sẽ vi phạm các nguyên tắc của y học dựa trên bằng chứng. Đó là điều phân biệt những bác sĩ thực sự với các lang băm.

Hay ít ra thì đó cũng là điều tôi đã được dạy.

Điều đó làm tôi suy nghĩ. Hiệu ứng giả dược thực sự là gì? Cho đến khi bắt đầu nghiên cứu, tôi chưa bao giờ thực sự dừng lại để suy nghĩ về nó. Chúng ta đều biết rằng có những người tham gia các thử nghiệm lâm sàng đã trở nên khỏe hơn dù thứ bạn đưa cho họ chỉ là một viên thuốc bằng đường. Nhưng tại sao lại như vậy?

Đó là khi tôi nhận ra rằng mình đã chạm vào mạch chính của công cuộc tìm kiếm bằng chứng chứng minh tâm trí có thể ảnh hưởng đến cơ thể. Nếu tỷ lệ đối tượng trong các thử nghiệm lâm sàng trở nên khỏe hơn chỉ đơn giản là vì họ tin rằng mình đang được dùng thuốc thật hay được phẫu thuật thực sự, như vậy sự cải thiện mà họ nhận được hoàn toàn là do tâm trí kích hoạt. Nhận thức này làm tôi choáng ngợp.