Mỗi năm, Nhà nước chi 16 tỷ đồng để đặt hàng các nhà xuất bản (NXB) trong nước thực hiện xuất bản phẩm. Có điều, sách in xong lại không có mấy người được tiếp cận. 

Chỉ hiệu quả khi có người đọc 

Cách đây không lâu, chúng tôi mua được cuốn sách Không thể sống mà không viết (NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách tập hợp nhiều bài phỏng vấn của những cây bút hàng đầu thế giới xung quanh chuyện viết như Pablo Neruda, Orhan Pamuk, Gabriel Garcia Marquez, Toni Morrison, Italo Calvino, Raymond Carver, Haruki Murakami…, do nhà văn Phan Triều Hải tuyển chọn và dịch. Sau khi chúng tôi chia sẻ trên trang cá nhân của mình, có rất nhiều người quan tâm và nhờ giới thiệu nơi mua sách. Có điều, sách thuộc diện “Nhà nước đặt hàng”, không có giá bìa và cũng không bán ở ngoài.

Không thể sống mà không viết không phải là trường hợp hiếm gặp trong số những đầu sách được xuất bản bằng ngân sách nhà nước. Không thể phủ nhận, có những đầu sách thực sự có giá trị, chẳng hạn như loạt sách của các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh hay Giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội được đọc những đầu sách này, bởi sau khi in xong, chúng được đưa vào các thư viện rồi… nằm im lìm ở đó chờ độc giả. Từng có thời điểm, báo chí lên tiếng trước việc hàng ngàn cuốn sách thuộc các công trình nghiên cứu cấp quốc gia phải bán thốc bán tháo cho các cửa hàng sách cũ hay ve chai đồng nát.

Việc đặt hàng xuất bản phẩm không phải là kiếm công ăn việc làm cho đơn vị mà đặt hàng là để có những tác phẩm hay, có giá trị cho xã hội. Đặt hàng không phải xin – cho mà là lựa chọn những NXB có năng lực để có những tác phẩm hay. Đặt hàng xuất bản phẩm không phải để có xuất bản phẩm lưu trữ ở thư viện, để phát cho cán bộ, đọc hay không đọc cũng kệ. Ông Nguyễn Ngọc Hải (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Thông tin và Truyền thông)

Tại hội thảo “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước” do Sở TT-TT TPHCM  tổ chức mới đây, ông Lê Thanh Hà, Tổng Biên tập – Giám đốc NXB Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng, khi các NXB sử dụng ngân sách nhà nước để làm sách theo đơn đặt hàng, quan trọng nhất là các đầu sách phải đáp ứng được kỳ vọng của nguồn tiền.Ông Hà lý giải: “Sách phải đáp ứng được mục đích, yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Tuyệt nhiên phải tránh trường hợp sách in và nghiệm thu xong không có người xem hoặc chỉ đơn thuần là cấp cho thư viện, phát cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là hoàn thành nhiệm vụ. Sách chỉ có hiệu quả khi có người đọc, hiệu quả hơn nếu từ những những cuốn sách đó người ta hành động đúng trong thực tiễn, tạo ra được sản phẩm tốt cho xã hội”. 

Tránh lãng phí ngân sách nhà nước 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ TT-TT, bất cập hiện nay trong việc thực hiện xuất bản phẩm từ ngân sách là kinh phí eo hẹp. Mỗi năm, Nhà nước chi 16 tỷ đồng mà có tới 33 NXB, tính ra, số tiền mà mỗi NXB nhận được không đáng kể. “Tôi ngỏ ý với Cục Xuất bản, các anh chị nên chọn khoảng dăm mười NXB, mỗi NXB nhận một vài tỷ đồng để làm tác phẩm nào ra tác phẩm ấy, nó đi vào lòng người. Tác phẩm ra đời, người ta phải đi tìm đọc, chứ không phải in xong rồi gửi vào thư viện”, ông Hải nói. 

Từ đó, ông Nguyễn Ngọc Hải đề xuất: “Bây giờ chúng tôi nghĩ Nhà nước hỗ trợ một phần; chẳng hạn Nhà nước hỗ trợ 2.000 bản, nhưng xã hội cần, NXB thấy có thể tiêu thụ được 10.000 bản thì tại sao không để người ta in 8.000 bản nữa để bán. Vừa có kinh tế cho NXB, vừa nâng cao hiệu quả truyền thông, vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị được giao”. Ví dụ như cuốn Không thể sống mà không viết sau một thời gian ra mắt, trước sự quan tâm của bạn đọc cũng được in thêm để bán ra ngoài, tiếp cận thêm người đọc bên cạnh đối tượng thụ hưởng của sách nhà nước đặt hàng.

Còn theo ông Lê Thanh Hà, trên hết, phải coi sách Nhà nước đặt hàng là Nhà nước giao nhiệm vụ chính trị cho các NXB, không dừng lại ở việc ưu ái, tạo việc làm, tạo nguồn thu cho NXB dẫn tới cơ chế xin – cho. Thông thường, khi nhận đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách, các NXB sẽ phải cam kết số lượng sách dựa trên số tiền được chi. Sách chỉ để phục vụ đối tượng độc giả theo “đơn hàng”, nên việc quảng bá sách từ các đơn vị gặp nhiều hạn chế. Bởi vì làm xong một cuốn sách, ai cũng mong muốn được quảng bá đến độc giả cũng như quảng bá thương hiệu của mình, nhưng quảng bá rồi độc giả biết tìm mua ở đâu? 

Trong khi đó, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc NXB Văn hóa – Văn nghệ, cho biết: “Những năm gần đây, đội ngũ biên tập của NXB cũng dồn tâm tuyết cho mảng sách Nhà nước đặt hàng, không phải vì đây là sách đặt hàng thì mình cứ làm rồi phát đi. Có những đề tài chúng tôi cũng phải trăn trở, xây dựng và góp ý cùng nhau, để có thể xuất bản một cuốn sách thực sự có giá trị.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng cần xem lại đối tượng thụ hưởng, trước đây chủ yếu là đẩy vào thư viện, ai cần thì tới đó đọc”. Bà Tuyết đề xuất: “Cần giao cho cơ quan chủ quản và NXB tìm luôn đối tượng thụ hưởng. Gần đây, chúng tôi kết hợp với Trường Đoàn Lý Tự Trọng thực hiện sách kỹ năng, nên người thụ hưởng không nằm trong thư viện nhiều mà chủ yếu là thanh thiếu niên ở các trung tâm thanh thiếu niên”.

nguồn HỒ SƠN/SGGPO