Điều gì khiến không ít người tại Pháp, Nhật mua vé máy bay về Việt Nam để thưởng thức bộ phim?

Khi tiểu thuyết “Ranh giới” của Rain8X (Hoàng Trung Hiếu) cháy hàng, bạn đọc chờ đợi từng chương thì tác phẩm hiện diện trên màn ảnh với tên gọi “Tháng 5 để dành”.

Ranh giới giữa tiểu thuyết và phim, nhân vật và nguyên mẫu

“Ranh giới” từng là cuốn tiểu thuyết tốn khá nhiều nước mắt độc giả, và hành trình đưa nó ra màn ảnh rộng cũng chông gai và tốn nhiều nước mắt.

Không giống các hình mẫu bạn trai thần tượng trong mắt các bạn gái mới lớn là phải khỏe mạnh, hiên ngang, Hiếu thiên về sống nội tâm. Do hoàn cảnh bố mẹ li dị từ nhỏ, thích văn chương, hay làm thơ nên Hiếu luôn thiếu thốn tình cảm. Sự quan tâm của Hiếu với Ngọc vì thế không “sấn sổ”, lỗ mãng trực diện như các bạn trai khác mà lặng lẽ, kín đáo, si mê đến mức nhiều lúc khờ dại, thành trò cười cho đám bạn nghịch như quỷ sứ.

Những hình ảnh thời áo trắng trong “Tháng 5 để dành”

Chính vì thế, Hiếu chiếm được cảm tình của Ngọc, một cô gái cũng có hoàn cảnh gia đình éo le, rất cần chỗ dựa về mặt tình cảm. Sự “mít ướt” của Hiếu rất đúng với tâm lí lứa tuổi, khi đang có rất nhiều xáo trộn về mặt tâm sinh lí nhưng chưa phải là một chàng trai trưởng thành.

Đó là cảnh quay Ngọc và Hiếu bị lạc trong rừng, trời mưa như trút nước, Ngọc bị sốt, Hiếu phải cõng đi tìm nhà dân. Đêm mùa đông, trời rét dưới 10 độ, anh em trong đoàn mặc bên ngoài áo phao dày, bên trong tròng thêm mấy cái áo len vẫn rét, trong khi nam nữ chính áo sơ mi và váy mỏng manh, “phòng thủ” thêm mỗi miếng dán giữ nhiệt sau lưng, dầm mình trong mưa. Sau mỗi đúp quay, họ phải ngồi sưởi 15 phút sau mới hồi lại được. Thương các diễn viên của mình quá, Hoàng Trung Hiếu rưng rưng không nói nên lời.

Mùa Hè Phía Chân Trời – Trung Quân – OST Tháng 5 Để Dành

Khi viết tiểu thuyết đoạn Hiếu đuổi theo đoàn tàu chở Ngọc vào Nam rồi bất lực gục xuống, Hoàng Trung Hiếu cũng đã thổn thức cùng trang giấy nhưng khi Xuân Hùng và Đức Ngụy diễn đạt quá, cảm xúc quá, anh lại một lần nữa thấy cay mắt.

Sau khi đoàn làm phim về hết, chỉ còn lại mấy người “trụ cột” của đoàn phim dọn dẹp và xe chở đạo cụ bị sa lầy ở rừng Ngọc Thanh, họ phải ngủ lại để hôm sau gọi xe cẩu vào kéo ra. Nhìn lại bối cảnh lần cuối, thấy mình không bao giờ trở lại được những ngày làm phim ấy nữa, không bao giờ có lại được những khoảnh khắc đầm ấm nơi nhà bà cụ ấy nữa, Hiếu ngậm ngùi đầy luyến tiếc.

Vì Hiếu trong phim là hiện thân của chính tác giả Hoàng Trung Hiếu nên lúc về Hà Nội, đưa xe qua bến Nước Ngầm sửa, ngồi uống trà đá bên đường, cứ mỗi lần tàu chạy qua, Xuân Hùng và Đức Ngụy lại hối hả chạy theo gọi “Ngọc ơi”, “Sếp ơi”. Những người quanh đó tưởng hai tay này… bị điên, chỉ có Hoàng Trung Hiếu hiểu quá rõ, họ vẫn nhập tâm, ám ảnh với vai diễn của mình. Cứ thế, cảm xúc lại trào dâng khiến anh không cầm lại được.

Cuộc hội ngộ của những thanh xuân

Trên chuyến tàu kí ức “Tháng 5 để dành” ngược thời gian có những giây phút ngọt ngào, có những khúc quanh bế tắc, có những cuộc tranh cãi nảy lửa, điều duy nhất hướng về cùng một đường ray, ấy chính là cảm xúc. Duy trì được cảm xúc này suốt hành trình 3 năm 1000 ngày đã tốn quá nhiều sức lực, cố gắng và quyết tâm của cả đoàn phim.

Hai nhân vật chính trong Tháng 5 để dành

Hoàng Trung Hiếu bảo, lần rẽ ngang sang điện ảnh này của anh chính là một cuộc hội ngộ của những thanh xuân. Các bạn trẻ Xuân Hùng, Đức Ngụy, Minh Trang… thể hiện hết sức trẻ của họ với đam mê, nhiệt huyết về tác phẩm điện ảnh đầu tay mà họ quá yêu thích. Còn Hiếu nhìn thấy mình ở họ, trở lại những năm tháng tuổi trẻ cùng họ. Chính vì thế, anh liều mình làm một cuộc “chơi lớn”. Nhưng không ít lần anh hoang mang, vấp phải những trở ngại.

Là một người chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ “lấn sân” sang điện ảnh, cuộc “chạm ngõ” lần này không phải là quá dễ dàng. Chưa nói đến bao lần “đập đi xây lại” toàn bộ những cảnh quay, chưa nói đến việc 4 lần phải chỉnh sửa kịch bản, chưa nói đến những gian nan vất vả khi đi tìm ra bối cảnh cho đúng với thời chưa xa, anh cũng gặp phải không ít lần phản đối từ phía người thân.

Nhưng đến khi phim ra rạp, Hoàng Trung Hiếu bảo anh đã có lại tất cả mọi thứ. Anh vui mừng vì có lại niềm tin của gia đình. Anh cũng vui mừng vì có lại niềm tin với chính bản thân khi khán giả phản hồi tốt về bộ phim. Anh cũng vui mừng vì có lại niềm tin với độc giả, những người đã chờ đợi tác phẩm của anh ra rạp sau 3 năm lỡ hẹn.

Khi tiểu thuyết của anh nổi như cồn, nhiều độc giả đến tận Phúc Yên, Ngọc Thanh hỏi ở đây có ai từng tên là Mai Ngọc không? Rồi có những độc giả bay từ Busan (Hàn Quốc) về, đến thẳng Đại Lải check-in và nhắn tin cho anh. Khi phim ra rạp, anh cũng rất hi vọng Phúc Yên, Đại Lải được người hâm mộ và khách du lịch tìm đến nhiều hơn, trở thành tâm điểm du lịch trong nay mai.

Những hình ảnh đẹp trong Tháng 5 để dành khiến nhiều người bất ngờ và dự đoán hiệu ứng sau bộ phim nhiều địa điểm của Vĩnh Phúc sẽ được các bạn trẻ tìm kiếm

Không ít fan của tiểu thuyết nổi tiếng “Ranh giới” đang sinh sống tại Pháp, Nhật, Philippines… sẵn sàng mua vé máy bay về Việt Nam để thưởng thức bộ phim. Còn có những độc giả khác muốn nuôi trọn cảm xúc khi đọc tiểu thuyết, không muốn xem phim nhưng lại mua rất nhiều vé để tặng bạn bè, người thân đi xem phim. “Đó là niềm hạnh phúc không gì đong đếm được”, Hiếu tâm sự.

Không tham vọng danh tiếng, tiền tài trong lĩnh vực điện ảnh, làm “Tháng 5 để dành” chỉ là vì cảm xúc cho thanh xuân của mình và những ai đã, đang và sẽ có thanh xuân, Hoàng Trung Hiếu đinh ninh sắp tới anh vẫn tiếp tục làm những tác phẩm mang hơi hướng nhẹ nhàng, trong veo và lay động lòng người.

theo Hương Giang/báo Tổ Quốc