Theo ông Đoàn Văn Mật, Trưởng ban thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hiện nay thơ dở tràn lan trên thị trường, những giải thưởng sẽ giúp độc giả biết để chọn thơ chất lượng.

Từ hơn 10.000 thi phẩm từ khắp cả nước, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã chọn ra 830 bài thơ của hơn 200 lượt tác giả để giới thiệu tới độc giả, lựa chọn, trao giải cho những thi phẩm nổi bật.

Thơ ca trên Văn nghệ Quân đội. Ảnh: Y.N.

Thơ như những “văn bản tâm hồn”

Phát biểu tại lễ trao giải, hôm 11/1 ở Hà Nội, ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban chung khảo Cuộc thi Thơ Văn nghệ Quân đội 2021-2022, nhận định các tác phẩm dự thi không chỉ được các chuyên gia đánh giá tốt mà độc giả cũng yêu thích.

Ông cho biết việc tổng kết và trao giải cuộc thi này là một điểm nhấn gây cảm xúc cho đội ngũ biên tập viên của tạp chí. “Thác bản thảo chúng tôi nhận được khiến chúng tôi rất vui, cảm thấy sức hút của cuộc thi chưa hề thuyên giảm”.

Ông cho rằng qua những bài thơ được đăng tải, độc giả có thể nhận diện được phần nào diện mạo thơ Việt Nam ngày nay: đa dạng, phong phú, táo bạo cả về hình thức lẫn nội dung.

Cũng trong buổi lễ, Trưởng ban thơ Đoàn Văn Mật so sánh những bài thơ dự thi được đăng tải trên 42 số tạp chí như những “văn bản tâm hồn được cất lên từ đời sống”. Sinh ra trong thời đại dịch Covid-19, các bài thơ đóng vai trò như một cầu nối giữa nhà thơ với chính cõi lòng mình, giữa con người với con người.

Ông phát biểu: “Dù dịch bệnh có tác động ra sao, có ảnh hưởng như thế nào thì người viết vẫn biết cách mở lòng mình ra với con chữ mà đón nhận tất cả những lưu chuyển của đời sống, của tâm hồn. Và, khi dựng lại những cung bậc đang lưu chuyển ấy, ta sẽ gặp một đời sống bộn bề với những nhịp chuyển từ hoang mang, bất an đến tĩnh tại”.

Trong các bài thơ dự thi, ban biên tập nhận thấy một mối dây liên kết giữa thơ viết về quê hương đất nước với thơ thế sự, nối sang cả thơ viết về dịch bệnh và người lính hôm nay. “Mối dây này chủ yếu được tạo ra từ những biến cố của đời sống con người do dịch bệnh gây nên”, ông Đoàn Văn Mật nói.

Tại Lễ trao giải, ban tổ chức đã trao 5 giải Tư, 4 giải Ba và 2 giải Nhì. Chia sẻ về quyết định không trao giải nhất, ông Nguyễn Bình Phương cho biết hội đồng thẩm định rất nghiêm túc và khắt khe, và việc giải nhất để ngỏ cũng là một gợi mở, một hy vọng vào tương lai thơ dành cho mọi tác giả. Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục chờ đợi những cây viết tìm đường chinh phục đỉnh cao nghệ thuật ở các cuộc thi sau”.

ông Nguyễn Bình Phương nhận định các tác phẩm dự thi được không chỉ các chuyên gia đánh giá tốt mà độc giả cũng yêu thích. Ảnh: M.H.

Nhận diện thơ hay

Gần đây, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định rằng xã hội đang bị bội thực với thơ dở. Là người biên tập, theo sát đời sống thơ ca, ông Đoàn Văn Mật đồng tình với ý kiến đó.

“Tôi cho đây là một nhận định khá đúng. Như chúng ta thấy, trước đây, thơ được in rất ít. Một năm các nhà xuất bản chỉ in có vài chục đầu sách về thơ, nhiều lắm cũng chỉ đến hàng trăm. Bây giờ thì các nhà xuất bản in đến hàng nghìn tập thơ. Điều này làm cho bạn đọc đôi khi bị hoang mang. Thực tế là không phải tập thơ nào được xuất bản ra thị trường cũng có chất lượng, cũng được kiểm duyệt tốt. Người làm văn chương đều nhận ra điều này. Thiết nghĩ, các nhà xuất bản cũng cần lựa chọn kỹ thơ trước khi in để thị trường thơ được tinh lọc hơn”, ông Đoàn Văn Mật chia sẻ.

Ông cho rằng các cuộc thi thơ thường cố chọn ra các tác phẩm tốt nhất để giới thiệu đến độc giả và “độc giả tìm đến những bài thơ được giải trong cuộc thi cũng chính là một cách để họ tìm đến những bài thơ có chất lượng”.

Không chỉ giúp độc giả nhận diện thơ hay giữa thị trường tràn ngập thơ dở, các cuộc thi cũng tạo động lực mạnh mẽ đến các tác giả tham gia dự thi. Ông Đoàn Văn Mật cho biết Văn nghệ Quân đội cũng thường xuyên tổ chức những trại sáng tác văn học. Tham gia những trại này, các tác giả được đến những vùng đất mới, được gặp những người mới, tiếp cận với nguồn cảm hứng mới; chính điều đó kích thích khả năng sáng tác của các tác giả.

nguồn: https://zingnews.vn/thanh-loc-tho-do-voi-nhung-giai-thuong-chat-luong-post1392905.html