Hàng rong thì thời nào cũng có và hầu như hiện diện ở bất kỳ địa phương nào. Bài viết này chỉ riêng nhắc nhớ chút ít kỷ niệm về những gánh, những xe bán thức ăn, uống bình dân rong ruổi về đêm. Ở khu xóm tôi sống từ thuở bé cho đến trung học, nhớ nhất ba người theo nghề bán hàng rong, có tuổi nghề hơn hai mươi năm…

Một ông bán bánh mì, cứ khoảng 8 giờ tối là đạp xe ngang với tiếng rao “Bánh mì… nóng đây!”. Một giỏ cần xé khá lớn phía sau đựng bánh mì, đậy giữ nóng bên trên là mấy lớp bao vải trắng, loại bao bột mì. Ông đạp chầm chậm, có khi dừng lại một chút bên cột đèn chờ khách. Ban đêm trời lạnh mau xót ruột, người trong xóm cũng thường đón mua ăn chơi. Sau này ông có được cái cát-sét loa rè rè, lúc nào cũng để phát các bài vọng cổ xưa do các danh ca Phương Quang, Ngọc Hương, Tấn Tài… hát. Ngồi nhà nghe giọng ca lẫn tiếng rao văng vẳng từ xa tới gần, rồi lại xa dần theo vòng quay bánh xe, man mác dư âm còn vọng. Ông bán bánh mì hai cữ, tối và sáng sớm, đều đặn từng ngày. Thời gian sau thấy vắng ông, hỏi ra mới biết sức khỏe ông sút kém nên con cháu không cho đi bán nữa…

Một bà bán chè đậu đen đường cát rất ngon, quanh năm suốt tháng mặc bộ đồ lãnh đen, bọn trẻ chúng tôi gọi là bà Bảy. Cô con gái duy nhất của bà thường gánh phụ mẹ tới ngã tư ra phố chợ. Gánh chè xuất phát lúc vừa đỏ đèn nên khu xóm ít ai ăn. Bà bán tới khuya, gần 10 giờ mới về lại. Bữa nào còn thức, nghe tiếng rao “Ai ăn chè đậu đen đường cát… hôn…” thì biết bà bán ế, còn chè. Mua một chén, ngồi bên gánh ăn, thấm thía hương vị thơm, ngọt từ hột đậu đen bùi bùi. Tôi biết gánh chè này đâu chừng mươi năm thì bà Bảy bệnh dây dưa rồi mất. Cô con gái tiếp tục bán một thời gian ngắn, một thân một mình, sau đó dời nhà đi đâu không rõ. Những đêm mưa, tôi ngồi trước hàng hiên hay vẩn vơ nhớ tiếng rao của bà cùng mùi chè đậu đen, nhớ dáng gầy gầy liêu xiêu hắt bóng dưới ngọn đèn đường vàng úa. Sau này tôi hay nghe lại bài vọng cổ “Gánh chè khuya” do Út Trà Ôn và Út Bạch Lan hát để mà liên tưởng, bồi hồi. Bài hát kể chuyện cô gái nghèo 15 tuổi hàng đêm gánh chè bán nuôi mẹ già. Một ông thầy trong xóm thương em “chỉ đọc được vần xuôi” nên dạy em học mỗi trưa. Chừng mươi bữa thì em bỏ học, khuya về thầy đón hỏi, em khóc nói: “Thầy ơi má đã dạy khuyên/ Dốt đành chịu dốt đừng phiền người ta!”. Bị đuổi nhà, mẹ bệnh nằm nhà thương, đường khuya xóm vắng, gánh chè oằn nặng trên đôi vai bé nhỏ, thật là một cảnh đời chua xót…

Một ông tuổi gần bảy mươi bán bánh dừa nhân tôm thịt, có dịp ăn một lần thì không thể quên cái ngon đặc biệt. Có thể nói chắc, cả thị xã hồi ấy chỉ một mình ông bán loại bánh này, với bí quyết, kinh nghiệm riêng khó bắt chước. Ông gói bánh bằng lá dứa gai. Sáng nào cũng đạp xe lên xã vùng ven cách nhà gần 5 cây số, tìm gò hoang rọc lá dứa gai. Nhìn hai bàn tay ông lúc nào cũng thấy vết cắt, xây xác bởi gai đâm. Trời tối một lúc thì ông đạp xe ngang xóm, một bao cà-ròn bánh dừa nóng cột sau xe, tiếng rao quen thuộc “Ai… bánh dừa tôm thịt… bánh dừa…”. Hai tiếng “bánh dừa” đệm sau nghe như lên giọng, như nhấn mạnh điệp khúc rao hàng có trầm, có bổng. Bánh nóng, thơm, khách ăn một cái chưa hết, ngước thấy ông dợm đạp xe vội kêu lấy thêm vài cái nữa chút ăn tiếp. Ông vừa đạp xe tà tà vừa rao, mỗi con phố ít khi ông qua hai lần, khách quên đón thì chờ đêm sau. Ông mất đột ngột, khách đến viếng bùi ngùi nhìn chiếc xe đạp cũ dựng cạnh mớ bao, liềm dùng cắt lá dứa gai…

Kỷ niệm tuổi thơ cho dù đã trôi qua rất lâu, nhưng không hề mất. Thỉnh thoảng ký ức quay về, lòng tôi lại ngùi ngùi tiếng rao khuya, thao thức…

Nguyễn Kim
Đăng lại từ bài viết cùng tên trên tạp chí Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com)