Bốn cuốn “Đầu xanh tuổi trẻ” của Fedor Dostoevsky, hài kịch thơ “Khổ vì trí tuệ” của Alexandr Griboedov và các tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Nga đương đại “Kinh nghiệm tình ái” và “Đôi cánh” là những tác phẩm mới nhất của Dự án dịch các tác phẩm văn học kinh điển và đương đại Nga sang tiếng Việt, vừa được giới thiệu tới độc giả tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga.
Dự án này được khởi đầu vào năm 2012 theo chỉ thị của Tổng thống Liên bang Nga, theo đó các cơ quan chức năng của Nga đã xây dựng một chương trình xuất bản sách văn học Nga dịch sang tiếng Việt và văn học Việt sang tiếng Nga. Tính đến nay, hàng chục đầu sách văn học kinh điển và đương đại của Nga đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ phổ biến văn học Nga tại Việt Nam, Hội dịch thuật với sự tài trợ của Ngân hàng VTB, cùng nhiều cơ quan liên quan của hai bên.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nga tại Việt Nam, Ngài Konstantin Vasilevich Vnukov nhấn mạnh: “Dự án dịch và xuất bản các tác phẩm văn học kinh điển Nga nổi tiếng trên toàn thế giới sang tiếng Việt và các kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga đang được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2012 và là một trong những phần cấu thành quan trọng trong hợp tác nhân văn giữa Nga và Việt Nam. Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ phổ biến văn học Nga tại Việt Nam, và đồng thời Hội dịch thuật với sự tài trợ của Ngân hàng VTB là các tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện dự án này tại Việt Nam. Nhờ hoạt động chung vô cùng gian lao của các đồng nghiệp Nga và Việt Nam, hoạt động giới thiệu cho công chúng Việt Nam các tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Nga đã được tiến hành hơn 5 năm nay”.
Dịch giả Nguyễn Chiến, giáo viên ĐH Hà Nội, đại diện cho nhóm dịch giả tham gia Dự án này chia sẻ: “Hơn ba mươi năm qua, là giáo viên trường Đại học Hà Nội, chúng tôi đã giảng dạy các môn Văn học Nga và Văn học Xô viết. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, hợp tác nhân văn là cơ sở cho các nước đối tác xây dựng mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực khác. Văn học Nga đã có ảnh hưởng to lớn đến việc hình thành phong cách sáng tác của các tác giả Việt Nam. Trong hơn nửa thế kỷ qua, tôi cùng với đội ngũ đồng nghiệp dịch giả đã dịch không ít các tác phẩm văn học Nga, và vẫn còn rất nhiều việc phải làm đang chờ chúng tôi phía trước. Vì vậy, tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều dịch giả trẻ tuổi, mà hiện nay chúng ta đang rất thiếu, sẽ được bổ sung để kế thừa kinh nghiệm và nghệ thuật dịch”.
Tuyết Loan
Nguồn: Báo Nhân Dân