Hiểu đất để bảo vệ đất, hiểu lũ để chống lũ, đó chính là những gì mà tác giả đã hành động, dấn thân, chiêm nghiệm và viết ra những dòng này. Cuốn sách tập hợp những kiến thức cơ bản về lũ biển Tây, về hệ thống thủy lợi và phát triển nông nghiệp rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu và quan tâm đến vùng đất Kiên Giang- Hà Tiên.

Tác giả: Dương Minh Lịch
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức

Với ý tưởng ban đầu là viết tự truyện, tác giả Dương Minh Lịch cho biết khi đưa bản thảo cho những người quen đọc, đa số muốn ông xuất bản để nhiều người đọc, hiểu thêm về một thời kỳ khó khăn, gian khổ trong chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác Tứ giác Long Xuyên, chống chọi với lũ. Bởi một trong những nội dung quan trọng của tập sách là vấn đề thoát lũ ra biển Tây được ông trình bày khá rõ ràng, thu hút.

Tác giả Dương Minh Lịch sinh ra ở Gò Quao và lớn lên ở Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). Năm 1981, ông tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghiệp nặng Trường Đại học Cần Thơ và được điều động về công tác ở Ty Thủy lợi Kiên Giang. Sau khi nhận chức Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang một thời gian, ông được bổ nhiệm là Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, Hà Tiên. Ông nguyên là Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang.

Là người trong cuộc, có thể nói, ít ai hiểu hơn ông về lũ ở biển Tây. Không những vậy, những cơn bão lớn, cháy rừng xảy ra gây biết bao thiệt hại người và của, trong đó có cả sự chậm chân trong việc phòng, chống đã lại càng làm tổn vong nhiều hơn và ông là nhân chứng của tất cả những sự kiện lớn đó ở Kiên Giang những năm thập niên 90 thế kỷ trước, và cả những năm đầu thế kỷ 21 này. Tập sách thật sự là một câu chuyện “lịch sử” bão lũ ở biển Tây thế kỷ 20.

“Tôi cũng mạnh dạn viết lên sự thật về cháy rừng U Minh Thượng. Theo tôi, cháy rừng là nhân tai chứ không phải thiên tai, vụ việc cháy rừng U Minh Thượng vào năm 2002 là do nguyên nhân lơ là trong công tác phòng, chống cháy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng: Gần 3.000ha rừng nguyên sinh của U Minh Thượng hàng ngàn năm tuổi gần như không còn. Mặt khác, cháy rừng làm cho môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia U Minh Thương cực kỳ xấu đi mà nhiều năm sau mới có thể phục hồi được”.

Chia sẻ về những lý do khiến ông bắt tay viết tập sách, tác giả cho biết: “Trong phát triển nông nghiệp, thủy lợi, khai thác những vùng đất hoang hóa như Tứ giác Long Xuyên (TGLX), hay ngay cả việc khai thác những vùng đất lúa một vụ chuyển lên thâm canh, tăng vụ như vùng Tây sông Hậu (TSH) trước khi có những thành công rực rỡ, chúng ta phải trả giá rất đắt cho những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xa rời thực tế, bảo thủ trong việc quy họach và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, bố trí mùa vụ cây trồng, giống…

Quan điểm chỉ phát triển lúa hai vụ ở vùng ngập nông, lấy vụ hè thu làm sản xuất chính… hoặc quá tin tưởng vào quan điểm sai lầm của các nhà khoa học các nước vùng ôn đới: nơi nào có thảm thực vật, rừng cây tự nhiên tốt tươi thì đất đai phì nhiêu, ít phèn mặn, nơi đó có thể phát triển nông nghiệp thành công và ngược lại; từ đó làm cho việc khai thác Tứ giác Long Xuyên bị chậm hoặc có lúc không dám khai thác vì người ta cho rằng không thể cải tạo vùng đất mà chỉ toàn là năng và tràm, độ pH rất thấp, không có vi sinh vật sinh sống, khó khăn lớn về nguồn nước ngọt…”.

Với những gì được trình bày, tác giả một lần nữa cho người đọc thấy được sự chân thật, thẳng thắn, cương trực ở trong từng trang viết cũng như vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ với từng con chữ trong quá trình chuẩn bị cho xuất bản từ tháng 12 đến tháng 3/2022.

Đồng thời bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi đọc tập sách, bởi cũng hiếm có một “quan chức” chính quyền sở tại nào có khả năng viết sách vô cùng mạch lạc, rõ ràng và hấp dẫn như tác giả.