Pu Sam Cáp có nghĩa là ba hòn núi lớn. Ba núi lớn nằm trong quần thể 99 ngọn hùng vĩ. Pu Sam Cáp cách thành phố Lai Châu 6km về phía Tây nằm bên đường 4D đi Sìn Hồ. Người Thái gọi tên núi Pu Sam Cáp bắt đầu từ truyền thuyết xa xưa rằng: Ải Sái Hịa là người nhà trời, cao to khổng lồ không thước nào đo được. Then (trời) sai Ải xuống trần gian khai khẩn đất hoang.

  Vâng lời Then, Ải mang theo trâu chín ngàn vai, bò chín ngàn bướu. Đất hoang thành ruộng nương theo bước chân Ải. Mỗi cánh đồng lớn ngút tầm mắt cách xa nhau hàng chục ngày đường. Buổi sáng Ải nhổ mạ ở mường Thanh, trưa về ăn cơm ở mường Lò, chiều đi cấy ở mường Than, mường Tấc. Buổi tối, Ải về vùng địa linh 99 ngọn núi, bắc nồi nấu cơm ăn. Ba ông đồ rau chính là ba hòn núi lớn – Pu Sam Cáp, ngày xưa Ải bắc nồi nhóm bếp sau một ngày đi qua bốn mường.   Đã là truyền thuyết thì yếu tố hư ảo như màn sương bảng lảng suốt hàng ngàn năm, nhưng người bản địa vẫn sống với niềm tin chân thành là có thật. Pu Sam Cáp hình thành từ kỉ nguyên kiến tạo địa hình Kast, trong lòng núi có nhiều hang động. Vô vàn các giọt nước ngày đêm tí tách nhỏ hàng triệu triệu năm tạo thành các nhũ đá với vô vàn hình thù kì thú. Pu Sam Cáp ngóc ngách thì nhiều, song có ba động lớn: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Đường lên động Thiên Môn gập ghềnh đá xanh, hai bên là những cây cổ thụ rêu mốc, tầm gửi bám từng đám. Nguyên sơ. Bí ẩn. Kì vĩ. Vòm cửa lớn động Thiên Môn hiện ra, hun hút âm u. Tôi nhận ra hơi đá mát lạnh từ khoảng tối huyền bí phả tới và tiếng nước suối chảy ầm ào. Đèn điện đủ sáng để nhìn thấy các cột thạch nhũ buông rủ. Vòm hang rộng cao vút và nền hang khá bằng phẳng, có thể chứa được cả một tiểu đoàn. Một chút sáng lộ thiên ở cuối động càng làm cho Thiên Môn huyền ảo. Tiếng gió luồn qua vô vàn các nhũ đá, đập vào vách hang dội lại những thanh âm trầm bổng cộng hưởng với tiếng nước nhỏ giọt và róc rách suối reo. Tôi có cảm giác như đang ở trong nhà hát của tạo hóa, nghe các điệu nhạc hoang dã của người tiền sử.  

Đến động Thiên Đường có hai lối đi. Có thể rời Thiên Môn đi tiếp theo con đường rừng khoảng nửa tiếng đồng hồ là tới Thiên Đường. Cũng có thể từ đường 4D leo từng bậc đá, chui qua ải đá chẳng khác gì như quân Khổng Minh vào động chinh phạt Mạnh Hoạch rồi qua rừng tre trúc, đến cửa hang Thiên Đường. Đá gập ghềnh nhấp nhô. Người ta đấu sợi mây ngoằn nghèo theo lối xuống như một bảo đảm an toàn, nhưng cũng mang cảm giác mạnh cho du khách nắm dây đu, leo. Không khí mát lạnh. Không gian tịch mịch. Trong ánh điện, cả một cõi dương thế đá được tạo hóa ban tặng con người. Những cánh ruộng bậc thang bằng đá, thác nước bằng đá, giàn hoa, vườn rau, rồi các con voi, sư tử, hươu nai, ngựa, dê… và cả các vật dụng như bút lông, cối, chày… cũng bằng đá.   Các nhà hang động học, và giới truyền thông văn minh cứ ra rả loan tin rằng: đến tháng 7 năm 2006 các hang động kì thú trong lòng dãy Pu Sam Cáp mới được phát hiện, và có người còn nói đẹp hơn động Thiên Cung ở Hạ Long và cũng chẳng kém động Phong Nha.

So sánh thì khập khiễng, song chỉ biết là cả mấy nàng công chúa mĩ miều ngủ quên giữa rừng xanh núi đỏ được đánh thức đã làm cho đất trời Lai Châu bừng sáng. Động Thiên Môn, Thiên Đường, và Thủy Tinh kì ảo, lộng lẫy bị những cánh rừng già đại ngàn che phủ kín miệng hang, bị tạo hóa cất giấu hàng triệu năm trong lòng núi mới được… vén mây, kéo dây leo, gạt lá lẻo để phát lộ.   Song, dân gian lại có sức sống nội tại và có mạch ngầm đi đến chân lí riêng. Đoàn nhà văn chúng tôi đã gặp ông Thào A Câu ở cửa động Thiên Đường. Thào A Câu người da ngăm đen, vầng trán rộng, cao to, khỏe như con gấu, chứ không nhỏ thó hoặc tầm thước chắc lẳn như những đàn ông người Mông khác. A Câu ngoài sáu mươi tuổi, có đến tám đứa con, gồm ba trai năm gái.

Công ti cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Tây Bắc đầu tư khai thác quần thể hang động Pu Sam Cáp thuê ông ngày ngày lên cửa hang Thiên Đường… đóng điện. Tháng lĩnh 3 triệu đồng chỉ để làm cái việc khi có du khách chìa vé tham quan ra thì đóng cầu dao cho điện sáng bừng lên và đếm người. Đếm người vào, đếm người ra, chờ đến khi người cuối cùng bước khỏi cửa hang thì… cắt điện. Hang động Thiên Đường lại tối om như thời tiền sử. Thào A Câu không mấy quan tâm đến những chuyện vật đổi sao rời và cánh rừng già Pu Sam Cáp mênh mông đang rùng rùng chuyển động. Ông chả hiểu sao du khách cứ ùn ùn kéo đến động Thiên Đường. Những hình thù kì quái ở trong hang thì có gì đáng hấp dẫn, lôi cuốn họ vượt hàng trăm cây số rồi leo trèo, chui vào ngó xem, trầm trồ thích thú, xuýt xoa khen ngợi? Ông có sự thích thú cá nhân và có câu chuyện của riêng mình; chưa bao giờ ông đọc báo, nghe đài về sự kiện động trời phát hiện ra hang động ở Pu Sam Cáp.

Ông kể: Từ thời Pháp chiếm đóng Lai Châu, cha ông với dân bản đã biết cái hang Pu Sam Cáp, vạch cây lá nhìn vào thấy tối om rồi, và có người đã chui vào trong rồi. Chắc hẳn trước đó nhiều năm đã có người biết. Không biết thì làm sao có cái tên động Thiên Đường từ bao giờ! Không thế thì làm sao có truyền thuyết “Thị Lài bồng con”.  

Chuyện kể rằng: Có một đôi trai gái người Mông yêu nhau tha thiết. Hàng ngày sau buổi đi nương, họ rủ nhau chui vào trong một cái hang tình tự. Thật lạ kì! Hang to và sâu mà dân bản không hề ai biết. Họ được sống trong thế giới riêng của mình trong hang động có ruộng bậc thang, có cây cổ thụ, có thác nước chảy, có suối trong hiền hòa, có cá bơi, chim đại bàng bay và nhím xù lông trắng… Rồi cuối cùng họ cũng thành vợ chồng trong niềm vui của dân bản. Cuộc sống vợ chồng nàng an lành đến mức rắn hổ chúa trườn mình trên hàng rào đá, và trăn khoanh mình như bện vòng chão sưởi nắng lối cổng vào; còn hươu nai, lợn rừng, sư tử… đêm đêm cũng về ngủ ở hồi nhà nàng. Gã trưởng bản vốn thầm khao khát, thèm muốn Thị Lài từ lâu… phát ghen tị, khó chịu, tức giận với gia đình nàng. Đúng thời gian vợ chồng Thị Lài đang hạnh phúc đầm ấm cùng dân bản thì giặc phương Bắc tràn sang. Chàng nghe theo tiếng gọi non sông, cầm gươm vác nỏ cùng các trai bản lên biên giới chặn giặc. Khốn khổ thay! Khi chàng vắng nhà thì cũng là lúc tâm đen độc ác tham lam của tên trưởng bản có cơ hội trỗi dậy, để rồi cứ có dịp là gã tìm cớ đến nhà gạ gẫm, hòng chiếm đoạt tấm thân nõn nà của nàng. Biết phận đàn bà yếu đuối khó giữ nổi mình trước gã đàn ông sức mạnh như con gấu, Thị Lài bồng con chạy trốn vào hang đá trong một đêm không ánh sao trời. Sáng hôm sau, gã trưởng bản mò đến nhà Thị Lài thì thấy trống trơn. Gã gọi thêm gia nhân thân tín tay gậy, tay nỏ săn đi tìm bắt nàng. Chỉ đến gần trưa gã trưởng bản và đồng bọn đã mò đến cửa hang đá. Thì ra, ngựa dê chó lợn, và cả hươu nai, sư tử, hổ báo, voi rừng cũng đi theo Thị Lài. Dấu chân thú và cỏ cây rập nát thành dấu vết chỉ lối cho gã trưởng bản tìm được nơi mẹ con nàng đang ẩn trốn. Đứa bé sợ hãi khóc thét ôm chặt lấy mẹ. Đàn thú vật hú, tru, rống lên thê lương.

Trong lúc tuyệt vọng, nàng ứa nước mắt, hướng ra cửa hang, chắp tay cầu trời cứu giúp. Tiếng kêu như thấu tận trời xanh. Đột ngột, mây đen vần vụ kéo đến. Trời đang quang đãng bỗng tối sầm. Cuồn cuộn bão giông. Cây lay lá đổ. Cầm thú tru rống thảm thiết. Gã trưởng bản và đồng bọn sợ hãi chui rúc vào bụi cây, hốc đá. Một lúc sau, bão giông đến nhanh bao nhiêu thì cũng rút đi nhanh bấy nhiêu. Trời quang, mây tạnh. Gã trưởng bản và đồng bọn trấn tĩnh và lấy lại hồn vía tiếp tục xông vào hang thì không còn thấy một sự sống nào trước mặt. Thị Lài bế đứa con đã hóa đá. Hươu, nai, ngựa, dê, voi, bổ, báo, sư tử… và cả thác nước, ruộng bậc thang cũng hóa đá. Hết chiến tranh, người chồng sống sót trở về. Nhà đổ nát hoang tàn. Sân mọc đầy rêu cỏ. Như có linh tính mách bảo, chàng chạy bổ vào cái hang – nơi ngày trước đã từng cùng nàng tình tự, tìm vợ con. Chàng sững sờ nhìn thấy vợ đang bồng con đợi ngóng ra phía cửa hang. Chàng chạy đến ôm chầm lấy nàng và đứa con, rồi chàng nhận ra mình đang ôm tượng đá. Chàng khóc và kêu trời đất. Khi cạn nước mắt thì người chồng cũng biến thành đá.  

Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại ca ngợi tình yêu bất diệt, nhưng không thấy nói đến cái ác bị trừng trị. Cái ác thời nào cũng sống dai dẳng khủng khiếp và sống đến tận bây giờ. Thời hiện đại, ông Thào A Câu cũng đã chui vào trong hang động ấy, chẳng còn xó xỉnh, ngóc ngách nào chưa mò đến. Ấy là cái dạo khoảng năm 1964, Thào A Câu chín tuổi theo bố mẹ đi làm nương và chăn ngựa ở gần cửa hang. A Câu chui vào xem. Cậu bé buộc ngựa vào gốc cây và rủ bọn trẻ trong bản đốt đuốc làm bằng nến quấn vào vải, đi suốt vào tận cùng hang. Những con chuột rừng to như bắp tay thấy lạ trố mắt nhìn bắt ánh lửa lấp lánh, đôi khi còn bắt gặp các con nhím. Vô vàn những hình dạng nhũ đá khác nhau giống các con thú, giống người, giống các công cụ lao động,… đẹp kì lạ in vào đầu các chú bé người Mông. Các bản người dân tộc thiểu số vốn ít ra khỏi rừng và dường như chuyện lên nương trỉa ngô, săn thú, lấy nấm, chọc tổ ong… quan trọng hơn là hang động tối om om mang cái tên Thiên Đường. Có lẽ vì thế mà động Thiên Đường vẫn cứ ngủ quên trong rừng già và tiếng tăm không vượt khỏi những non cao rừng thẳm.  

Mấy năm trước, quần thể du lịch hang động Pu Sam Cáp đầu tư còn nhỏ bé, khai thác cò con lắm. Người ta đục đẽo đá thành một số bậc thang, làm dây vịn thô sơ bằng sợi mây to bằng cổ tay trẻ con cho khách xuống hang động Thiên Đường. Máy phát điện công suất nhỏ, đèn chỉ đủ để nhìn thấy leo trèo bảo đảm an toàn, không đủ sáng để con voi đá, những cánh ruộng bậc thang đá hiện ra, chứ nói gì đến tượng vú đá, tượng Linga, Yoni và nhìn thấy thiên đường lộng lẫy. Vì thế, dù giá vé rất rẻ chỉ 20 ngàn đồng cũng không thu hút du khách đến “thiên đường”. Không ít khách ngại ngùng, hãi sợ theo dây vịn xuống hang; có người lần mò được một đoạn lại phải quay trở ra. Bây giờ, thì mọi sự đã khác, nhiều ngân hàng thương mại đang dồn đến tỉnh miền núi Lai Châu, và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một mỏ tiền rót vốn ào ạt nhất. Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cam kết: hỗ trợ, tư vấn quy hoạch, hoạch định phát triển và cung ứng tín dụng, tài trợ du lịch Lai Châu. Những viên đá lát từ đường 4D cứ nối dài theo lối lên cửa hang. Điện lưới kéo về và ánh sáng có thể rọi đến tận ngóc ngách, gương mặt mẹ bồng con buồn vời vợi ngóng chồng, cây cổ thụ và khu rừng đá bí ẩn cũng hiện ra lộng lẫy như dát bạc. Tiền ở dưới xuôi đang chảy lên Lai Châu, chảy một cách âm thầm, mãnh liệt để vực dậy một miền núi rừng lúc nào cũng thao thức với ngành du lịch dường như bị lãng quên.  

* * *  

Nếu như đầu tư du lịch Pu Sam Cáp là khai thác cái trời cho một cách mưu lược, tính toán được thua, thì ở Sin Suối Hồ làm du lịch bằng sự tình cờ, hồn nhiên, chất phác. Xe chạy từ thành phố Lai Châu lên cao, lên cao nữa theo con đường uốn lượn ngoằn nghèo khoảng một giờ đồng hồ mới đến bản Sin Súi Hồ (còn gọi là Sin Suối Hồ) ở độ cao 1500m. Những vườn cam xanh mướt, các ruộng bậc thang quằn quại như các dấu vân tay xếp lớp lớp to nhỏ, và hoa dại nở tưng bừng khiến những người vốn lạnh lùng cũng xốn xang lòng dạ. Chạm vào mắt tôi đến ngỡ ngàng dòng chữ kết bằng dây thừng “Điểm du lịch cộng đồng, bản Sin Súi Hồ” và dòng chữ “Resort Community Ecology” nhỏ hơn hiện ra trên tấm biển treo trên hai cây gộc dân dã dựng ngay ở cổng bản. Vậy là văn minh hiện đại đã đến với người Mông sinh sống trên những triền núi quanh năm sương phủ và nắng tinh khôi.  

Theo tiếng người Mông bản địa, Sin Súi Hồ có nghĩa là “Suối có vàng”. Thiên nhiên hoang sơ, trong trẻo. Không khí quanh năm mát mẻ, trong lành là nơi cư trú của địa lan, thảo quả và táo mèo. Trong vườn, trước cổng, dọc các lối đi lại, dưới các gốc cây cổ thụ u sần, xù xì vỏ già mốc thếch, bên các tường rào, ở bản chỗ nào cũng thấy địa lan, bạt ngàn địa lan. Lan trồng ở các chậu composite lá xanh mướt, mạnh mẽ vươn lên các bông hoa khoe sắc. Bản Sin Súi Hồ có 103 hộ thì cũng từng ấy hộ trồng địa lan bán. Trưởng bản Vàng A Chỉnh trồng 300 chậu địa lan, tôi tưởng đã là nhiều, song nhà Hảng A Xà còn trồng đến hơn 500 chậu. Chậu ít thì 5 cành lan giá 1 triệu đồng, chậu nhiều thì 11 cành giá 5 triệu đồng, nhiều nữa là 21 cành càng to tiền. Kỉ lục một chậu địa lan hoa màu vàng bán tại Sin Súi Hồ là… 12 triệu đồng. Bạn đọc cứ hình dung gia tài của ông Chỉnh, ông Xà chỉ tính từ địa lan đã biết bao nhiêu rồi. Mỗi khi tết về, du khách từ thành phố Lai Châu đến, thương lái từ Hà Nội lên, từ Sài Gòn bay ra, để rồi các chậu địa lan đủ sắc màu rực rỡ theo ô tô rồng rắn đi các ngả, lên máy bay tỏa khắp miền làm đẹp thêm cho năm mới, ngày xuân.  

Người Sin Súi Hồ trồng địa lan bán cũng rất tình cờ hồn nhiên, chả ai tính toán. Chả là Vàng A Chỉnh đi rừng thấy địa lan nở tưng bừng, bèn đào mấy gốc về đặt chậu để ở hiên nhà. Bỗng dưng có mấy ông khách dưới xuôi lên đang đi lùng mua thảo quả ngỏ lời mua. Mua nhưng không bán, mà cho. Nhận của cho rồi, mà mấy vị khách cứ nèo nẵng nếu còn thì bán. Bán thì bán. Ông Chỉnh vào rừng đào địa lan tiếp. Nói đi hỏi lại chuyện ươm và bán địa lan, rồi dặn dò quay trở lại. Vàng A Chỉnh lặng lẽ xuôi về thành phố Lai Châu mua các gáo múc nước, thùng nhựa, và lấy giống lan rừng về ươm. Cả bản học làm theo, và khách cứ rùng rùng kéo nhau đến mua địa lan. Địa lan trở thành cái đẹp, thành thương phẩm thị trường, thành tiền đầy túi của người Mông suốt ngày chỉ biết đi rừng, làm nương, trồng ngô, trồng thảo quả. Cái “vườn lan khổng lồ” ngự trên độ cao mây bay chạm lá, sương phủ lên cành mở ra một hướng đi mới thay đổi cuộc sống của người Mông Sin Súi Hồ. Ông Chẻo Quẩy Hòa, chủ tịch xã bảo: Người dân các bản lân cận như Chí Sáng Thầu, Chung Hồ, Sân Bay, Căn Câu… cũng bắt đầu học Sin Súi Hồ trồng lan, làm du lịch. Tôi mừng, nhưng cũng không khỏi giật mình, bởi người người trồng lan, nhà nhà trồng lan một cách tự phát như thế không khéo chậu lan đắt nhất hơn chục triệu ngự trong nhà tỉnh trưởng ngày tết sẽ rớt giá chỉ còn vài trăm ngàn? Rất có thể lan đài các kiêu sa quý phái trở thành thứ rẻ rúng, tầm thường, bị bỏ rơi ngay chính cái chốn đã từng hào hứng ôm ấp, nâng niu, chăm bẵm.  

Người đến mua lan nhiều, nhộn nhịp và hiệu ứng đám đông kéo người khác đến. Tán cây cổ thụ, suối nước trong thành nơi nghỉ mát trong rừng núi Sin Súi Hồ. Ngửa mặt nhìn những cây tầm gửi bám vào thân cây cổ thụ xám mốc. Hớn hở ngắt được chùm hoa dại. Nắm rễ cây lớn đu mình đung đưa trên dòng suối. Ngâm chân dưới nước nghe thác đổ ầm ào… Toàn là du khách trẻ trung tinh nghịch đến Sin Suối Hồ chỉ để đắm mình vào thiên nhiên trong trẻo hoang sơ. Rồi việc gì đến phải đến như cái duyên của trời đất gắn kết du khách với người Mông ở “Suối có vàng”.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh bàn với ông Hảng A Xà với ý tưởng cả bản làm du lịch. Hảng A Xà là một thứ “quyền lực” không lời, ông học ở Hà Nội, hiểu biết rộng vượt ra ngoài những cánh rừng Sin Suối Hồ, rất có uy tín với dân bản. Gọi là “một tiếng hô cả bản đồng lòng”, nhưng thực ra cũng phải họp dân, bàn bạc, đồng ý mới làm. Thế là ngày ngày như đàn kiến cần mẫn lao động, dân bản lựa theo địa hình, địa vật, tạo ra lối đi lên thác nước. Chỗ chui qua khoảng trống mấy cây cổ thụ, chỗ khom người bước qua hàm đá, chỗ xây dựng cầu qua suối, chỗ buộc dây mây vào thân cây làm tay vịn, chỗ làm nhà lá nghỉ giữa chặng đường hoặc chân thác. Không có dấu vết xi măng, sắt thép, mái tôn, gạch ngói công nghiệp… Tất cả đều là sỏi, đá, cây lá, dây leo ở rừng được làm từ bàn tay người dân bản. Thô sơ. Mộc mạc. Dân dã. Gần gũi và thân thiện. Có nghĩa là du lịch theo kiểu văn hóa công nghiệp không được chạm đến, không nằm vùng ở đây.   Từ tầm nhìn của một nhà đầu tư, kiêm nhà tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư – quảng bá du lịch Lai Châu, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT (BIDV) cho rằng: “…Hiện nay cả nước, ít địa phương còn trống một diện tích đất liền mảnh rộng 100ha để đáp ứng nhu cầu dự án phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản tập trung quy mô lớn”.

Vậy mà, Lai Châu đang còn 1.800ha đất bằng và 524.100ha đất đồi núi chưa sử dụng. Một tiềm năng lớn và hiếm hoi thời tranh nhau từng mét vuông đất, thời gạo châu củi quế. Sin Suối Hồ chỉ là một trong nhiều khu vực tiềm năng ấy của Lai Châu. Song người Mông ở Sin Suối Hồ không chỉ sử dụng đất làm nông lâm nghiệp mà còn làm… du lịch văn hóa và sinh thái. Làm tự phát vụng về, chân thật, dân dã theo hướng sinh thái bản nguyên hoang sơ của núi cao rừng già lại thành công.  

Con người khi sinh ra chưa có tên thì… đặt tên. Chính con người cũng sinh ra huyền thoại khoác lên nhau, rồi phủ lên núi sông bao nhiêu làn sương mù truy nguyên chả bao giờ thấy được giá trị thật. Nhưng, người Mông ở bản Sin Súi Hồ đặt tên thác Tình Yêu, thác Trái Tim, thác Tổ Ong thì giá trị thật đã hiển hiện trước mắt chẳng phải vén mù sương. Chả là con trai con gái người Mông cứ leo dọc bờ suối dốc chảy một chiều dài hai cây số đến tận thác nước ngồi tình tự. Thác đổ nước chảy dài như dải lụa bạc trắng mềm mại. Vô vàn các bụi nước li ti rơi vào tóc, vào mặt, như sương trên vai áo. Ngồi một lúc, chẳng biết do trái tim rộn ràng, thổn thức họ bỗng ôm nhau da diết, hay hơi nước lạnh khiến họ cần hơi ấm mà dính vào nhau. Thật như cây cỏ, núi rừng, tự nhiên đến mức người lớn đi rừng hái thảo quả, lấy mộc nhĩ, nấm hương cũng nhẹ bước đi qua không nỡ làm các đôi trai gái giật mình lỏng vòng tay ôm, hay lỡ cái hôn đang nóng rẫy. Đặt tên, gắn biển… “thác Tình Yêu” chỉ là sự công nhận của cộng đồng, chứ thực ra trai gái bản Sin Súi Hồ đã mặc định cái tên ấy trong lòng thời nào thời nao rồi. Quả thật! Đứng ở cái cầu gồ ghề đầu mấu nhìn lên thác Tình Yêu, có cảm giác như nước trời đang đổ xuống, mặc cho bụi nước rơi xuống mặt lành lạnh, tôi cũng thấy xốn xang. Chả trách gì các chàng trai cô gái trẻ đứng đến khi ướt sũng áo mà chẳng muốn rời đi.   Lên thác Tình Yêu một đường, thì lúc xuống bằng một đường khác. Đường lên men theo suối leo qua cầu, lội giữa dòng. Đường xuống chui qua vòm cây, qua một con thác nữa mang tên Trái Tim. Không hề có huyền thoại nào, chỉ bởi nước chảy tự nhiên phân dòng một cách kì lạ giống như hình con cơ trong bộ tú lơ khơ và là biểu tượng trái tim, đó đây ta vẫn thấy trong đám cưới. Không ai là không chụp ảnh dưới chân thác Trái Tim và thác Tình Yêu. Người già bảy mươi tuổi cũng chụp, chụp để về khoe với bạn, với con cháu, người trẻ tuổi càng chụp nhiều. Trưởng bản Vàng A Chỉnh bảo: Bảy ngày dân cả bản xuống suối ôm bê đá sỏi xếp, bắc cầu gỗ, kéo dây mây thành tay vịn làm một con đường tình yêu đến trái tim độc đáo. Không màu mè, son phấn, lặng lẽ làm theo cách của người bản địa mộc mạc, dân dã. Làm xong xã mới biết. Không ai bị kiểm điểm kỉ luật, chỉ bị trách sao không báo cáo để xã hỗ trợ.  

Điều lạ lùng ở Sin Suối Hồ là có đến 6 hộ người Mông như Vàng A Chỉnh, Hảng Văn Xà, Vàng A Dế… biết làm du lịch Homestay. Cổng nhà ông Xà là tấm gỗ mộc gắn chữ Hello Homestay. Phòng đón khách của các nhà có nệm ga Hàn Quốc, có phòng vệ sinh hiện đại khép kín, máy điều hòa không cần vì khí hậu mát mẻ quanh năm. Khách du lịch đến ngủ trong nhà dân người Mông giá chỉ 80 ngàn đồng một ngày. Lợn cắp nách thả đồi, gà Mông đen trèo cây, cá suối, măng trúc, lá rau rừng, rượu táo mèo vàng óng… toàn các thực phẩm sạch, ăn bao nhiêu và chọn món nào chủ nhà làm cho món nấy. Người Mông ở Sin Suối Hồ nấu rượu đãi khách hoặc bán, chứ tuyệt nhiên không có ai uống.  

Trưởng bản Vàng A Chỉnh dẫn tôi đến hòn đá to như cái nhà ở cuối bản. Từ bao giờ, người Mông khắc biên giới gia thổ lên hòn đá. Nhìn là biết cánh rừng này, cái nương kia, thổ đất ấy, của nhà ai. Không bao giờ có chuyện tranh chấp một mét đất. Có lẽ, văn hóa khúc triết, minh bạch và nhân hậu có từ lâu trong máu người Mông ở Sin Suối Hồ. Vì thế, tiền vé vào tham quan được bao nhiêu, sau khi chi phí được chia cho tất cả các hộ trong bản. Chia sẻ ấm áp đến mức Vàng A Chỉnh tặng bản cả ngàn mét vuông đất để làm chợ. Chợ họp vào ngày thứ Bảy cuối tuần. Ồn ào náo nhiệt. Người Mông, người Tày, người La Chí… quanh vùng lũ lượt đi chợ Sin Suối Hồ. Chợ cũng làm cho bản làng giàu có.  

Đến Sin Suối Hồ là để thư giãn, nghỉ ngơi, để trút bỏ mọi phiền muộn, chạy trốn khỏi phố xá bụi bặm ồn ào, tìm lại không gian hoang sơ, thanh sạch, hít thở bầu không khí trong lành. Đi trong ánh mắt nhìn thân thiện của người Mông bản Sin Suối Hồ giữa không gian nguyên sơ trong lành, tôi chợt nhớ đến những con sư tử đá nhe nanh nhọn hoắt ở cổng các khu văn hóa, khu du lịch; nhớ đến những ngôi chùa chiền bê tông cốt sắt to vật vã vô hồn ở dưới xuôi.    

Sương Nguyệt Minh
Nguồn: Văn nghệ Quân đội