Hung tin Đại tá nhà văn Nguyễn Quốc Trung từ trần do Covid 19 làm tôi bàng hoàng. Mới đây, Nguyễn Quốc Trung còn nhắn tin hỏi thăm tôi. “Bác ở đâu? Giữ gìn sức khỏe nhé, con Covid ghê gớm quá”. Trung không quên dặn tôi: “Ráng tập trung hoàn thành trường ca về Mẹ nhé”.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Nhắm mắt lại, tôi đã thấy dáng đi liêu xiêu, lúc nào cũng như sắp đổ về phía trước của Trung. Tôi biết Nguyễn Quốc Trung từ hơn 30 năm nay. Ấy là khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đang diễn ra quyết liệt. Thực ra chúng tôi biết nhau trước đó, kể từ khi Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất, trên báo chí và văn chương.

Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chúng tôi cùng về công tác dưới mái nhà của Tổng cục Chính trị. Từ Báo Quân khu 7 tôi về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Còn Nguyễn Quốc Trung từ Quân đoàn 4 về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cả hai cơ quan đại diện của chúng tôi đều có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhập ngũ năm 1974, giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Quốc Trung có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Nhưng dấu ấn người lính Cụ Hồ sâu đậm nhất trong cuộc đời và các tác phẩm văn chương của Nguyễn Quốc Trung là thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Là nhà văn chiến sĩ, Nguyễn Quốc Trung cùng đồng đội, đồng nghiệp của mình ở Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) như các nhà văn: Lê Huy Khanh, Trần Đình Thế… theo sát bước chân người lính tình nguyện. Từ những tháng ngày gian khổ ác liệt ấy, các ông cho ra đời các tác phẩm văn học đậm dấu ấn người lính của đội quân nhà Phật trên đất nước chùa Tháp. Sống lặng lẽ, đôi khi khó hiểu, nhưng các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Quốc Trung đầy sôi động, với nỗi trăn trở với đời, với người. Say mê sáng tạo, Nguyễn Quốc Trung như con tằm thầm lặng nhả tơ.

Từ những ngày đầu cầm bút, Nguyễn Quốc Trung đã theo đuổi đề tài chiến tranh và người lính. Năm 1982, Nguyễn Quốc Trung được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Sài Gòn Giải Phóng, với tác phẩm Những tia chớp phía chân trời, thể hiện mối tình giữa một anh bộ đội biên giới và cô thanh niên xung phong.

Sau này, ra mắt năm tiểu thuyết Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu; tập truyện ngắn Người đàn bà hồn nhiên, Trong tiết thanh minh, Đêm trừ tịch, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu…, ngòi bút của Nguyễn Quốc Trung luôn trào dâng như dòng sông cuộn chảy.

Nguyễn Quốc Trung công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn tôi ở Báo QĐND nên có dịp gặp nhau thường xuyên. Hồi cơ quan chúng tôi đóng quân ở số 63 đường Lý Tự Trọng (quận 1) cho đến khi về số 161-163 đường Trần Quốc Thảo (quận 3), dường như tuần nào Nguyễn Quốc Trung cũng gõ cửa phòng làm việc của tôi. Khi thì anh hỏi thăm việc viết lách, khi thúc giục tôi viết đơn vào Hội nhà văn Việt Nam. Có khi, anh chỉ ngồi vài phút, chẳng nhiều lời, nhìn tôi tất bật với công việc làm báo rồi lặng lẽ rời phòng của tôi về phòng làm việc của anh.

Thật cảm động, mới đây, khi tôi về tham gia xây dựng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Nguyễn Quốc Trung gặp tôi nét mặt anh vui thực sự. “Được đấy. Nên chọn đúng việc mà làm. Đối với chúng ta, món nợ với đồng đội không bao giờ trả hết”.

Tôi nhớ, tháng 7 năm 2020, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM tổ chức Đại hội lần thứ nhất, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung quân phục chỉnh tề tới dự. Nguyễn Quốc Trung chia sẻ, anh sẽ đồng hành cùng Hội trên con đường thiện nguyện giàu tính nhân văn này.

Tháng trước, Nguyễn Quốc Trung gọi điện cho tôi, đề xuất, một số gia đình liệt sĩ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) quê anh đang gặp nhiều khó khăn do bão lũ và Covid-19, cần sự hỗ trợ. Tôi nói với Nguyễn Quốc Trung chuẩn bị hồ sơ để đưa ra Ban Thường vụ xét hỗ trợ. Việc tình nghĩa ấy chưa xong thì anh vội vã ra đi.

Cũng như nhiều đồng đội khác, Nguyễn Quốc Trung lăn lộn mấy chục năm ở chiến trường. Bom đạn, ác liệt không cướp đi cuộc sống của các ông. Covid-19 như bóng ma đã cướp các ông đi trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân và đồng đội.

Thôi thì, sinh có hẹn tử bất kỳ. Ai cũng đến lúc phải về với tổ tiên. Nhưng tôi ứa nước mắt viết những dòng này, khi Nguyễn Quốc Trung và bạn bè, người thân ra đi mà chúng ta không thể đến thắp nén nhang vĩnh biệt. Họ âm thầm ra đi và lặng lẽ trở về với hũ tro hài cốt giữa cơn “đại hồng thủy “ kinh hoàng đầu thế kỷ.

TPHCM, đêm 10-9-2021

TRẦN THẾ TUYỂN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/thuong-tiec-nha-van-nguyen-quoc-trung-760934.html