Chuyên luận này được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành trên nền tảng luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam của bản thân tôi (bảo vệ ngày 18 tháng 3 năm 2018 tại trường Đại học Vinh). Thực hiện công trình này, chúng tôi cố gắng bao quát tiểu thuyết Việt Nam đương đại (từ sau 1986) để tìm hiểu khuynh hướng hiện thực – trào lộng.

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại dưới góc nhìn khuynh hướng hiện thực trào lộng

Trong  quá trình thực hiện, phạm vi của chuyên luận được mở rộng ra cả tiểu thuyết trước 1986, đặc biệt là tiểu thuyết trào lộng/ trào phúng giai đoạn 1930 – 1945, vừa coi đó như một đối tượng để đối sánh, vừa là xem xét tiến trình vận động của khuynh hướng này. Trong chuyên luận, chúng tôi tập trung đi sâu khảo sát các tiểu thuyết đương đại viết theo khuynh hướng hiện thực – trào lộng và cả những tiểu thuyết có chứa nhiều yếu tố trào lộng của các tác giả: Tô Hoài, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Bão, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Việt Hà, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Đình Tú, Đặng Thân, Lê Minh Quốc, Trần Nhương,…

Chuyên luận là công trình đi sâu tìm hiểu diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam đương đại từ góc nhìn khuynh hướng hiện thực – trào lộng, nhằm khẳng định: với khuynh hướng này, tiểu thuyết nói riêng và văn học nói chung từ sau đổi mới đã vận động, phát triển và đa dạng. Khuynh hướng  tiểu thuyết này cho thấy, xu hướng dân chủ hóa trong xã hội đã góp phần giải phóng khả năng sáng tạo của nhà văn và đây chính là thành quả của công cuộc đổi mới văn học.

Chuyên luận là công trình tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết viết theo khuynh hướng hiện thực– trào lộng với một cái nhìn tập trung, hệ thống:

Một, bao quát và xác định có một khuynh hướng hiện thực – trào lộng trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại;
Hai, phác thảo bức tranh tiểu thuyết Việt Nam đương đại, trên cơ sở đó khu biệt và nhận diện diện mạo, vị thế, đường hướng vận động của tiểu thuyết viết theo khuynh hướng hiện thực – trào lộng;
Ba, con người và thế giới hiện tượng đời sống trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại viết theo khuynh hướng hiện thực – trào lộng;
Bốn, chỉ ra những đặc điểm nổi bật về thi pháp thể loại của tiểu thuyết Việt Nam đương đại viết theo khuynh hướng hiện thực – trào lộng.

Mục đích của chuyên luận là nhằm xác định có một khuynh hướng hiện thực – trào  lộng  trong  tiểu thuyết Việt Nam đương đại với những nét riêng trong nhận  thức,  phản  ánh  hiện  thực  và  thi  pháp  thể loại; góp  phần  vào  việc  nhận  diện  tiểu  thuyết  nước  nhà trong  yêu  cầu  của  xu  thế đổi mới và hội nhập. Đây mới chỉ là một hướng tiếp cận, một cách nhìn trong rất nhiều hướng tiếp cận và cách nhìn khác về tiểu thuyết Việt Nam đương  đại.