GS.TS. Trần Trí Dõi

Hiện nay, họ ngôn ngữ Thái – Kadai là một trong những họ ngôn ngữ có cư dân cư trú trong cả khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Vì thế, khi nghiên cứu lịch sử thời tiền sử ở Việt Nam, đã từng có một câu hỏi được đặt ra nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Đó là ở vào thời kỳ “văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ 7-5 TCN đến thế kỷ 1-2 SCN)”, cư dân nói họ ngôn ngữ này có là thành viên của cư dân thuộc nền “văn hóa Đông Sơn” hay không?

Bài viết, trên cơ sở phân tích tư liệu của ngôn ngữ học lịch sử khu vực, có thể cho rằng vào thời kỳ tiền sử dường như cư dân là chủ thể của nền “văn hóa Đông Sơn” thuần túy nói một ngôn ngữ thuộc họ Nam Á.

1.Những giả thiết đã có về ngôn ngữ Thái – Kadai thời tiền sử ở Việt Nam

1.1. Về dịa lý của họ ngôn ngữ Thái – Kadai hiện nay

Dựa trên kết quả nghiên cứu của những nhà ngôn ngữ học chuyên về họ ngôn ngữ Thái – Kadai trên thế giới đã công bố, chúng tôi đã từng có nhiều lần trình bày về địa lý cư trú của họ ngôn ngữ này [1]. Theo đó thì họ ngôn ngữ có tiểu họ Kadai (trên bản đồ dưới đây cũng gọi là Kadai, nhưng có tác giả gọi làtiểu họ Kra); còn các ngôn ngữ thuộc phần còn lại của họ ngôn ngữ được chúng tôi gọi là tiểu họ Kam – Thái (được ghi trên bản đồ là Tai Kam – Sui và Lakia) được chia thành hai nhánh khác nhau. Nhánh thứ nhất là nhánh Kam – Sui, tức Kam – Thủy (trên bản đồ cũng ghi là Kam – Sui và Lakia); nhánh thứ hai lànhánh Bê – Thái gồm những phần ngôn ngữ còn lại. Đến lượt mình, nhánh ngôn ngữ Bê – Thái lại được chia thành hai tiểu nhánh là tiểu nhánh Bê, trên bản đồghi là ngôn ngữ  và Li (hay có người gọi là Hlai); và tiểu nhánh Thái – Day thể hiện trên bản đồ là nhóm Thái Bắc (Tai Septentrional/Northern Tai),Thái Trung tâm (Tai Central/Central Tai)vàThái Tây – Nam  (Tai Meridional/South-Western Tai) [2].

01
Bản đồ 1.1: Địa lý phân bố ngôn ngữ Thái – Kadai ở Đông Nam Á
(nguồn: http://www.proel.org/mundo/tai3 .gif, 25 Oct 2005)

Như vậy, bản đồ nói trên cho thấy cư dân nói các ngôn ngữ Thái – Kadai hiện nay cư trú chủ yếu trên phần đất liền của Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc. Trong đó, nơi cư dân tập trung điển hình nhất là phần trung tâm phía Nam Trung Quốc và biên giới Trung – Việt, tương ứng với địa bàn cư trú của các nhóm Kam – Sui, nhóm Thái Bắc và nhóm Thái Trung tâm. Bản đồ ở trên cho thấy, ranh giới sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đánh dấu một sự khác biệt giữa nhóm Thái Trung tâm và nhóm Thái Tây – Nam.

1.2. Về vị trí ngôn ngữ Thái – Kadai thời“văn hóa Đông Sơn”của Việt Nam

Trong tình trạng địa lýcủa họ ngôn ngữ Thái – Kadai đang phân bố như vừa mô tả , vấn đề được đặt ra là phải chăng tình trạng địa lý ấy vẫn được lưu giữ từ thời “văn hóa Đông Sơn”của Việt Nam cho đến hiện nay? Đương nhiên, để trả lời cho câu hỏi ấy, chính xác và đáng tin cậy nhất phải là căn cứ vào sự ghi chép của tài liệu lịch sử. Nhưng trong thực tế, về cơ bản, những vấn đề liên quan như thế chưa thấy được ghi lại. Do vậy đã có không ít những giả thiết từng được đặt ra.

1.2.1. Giả thiết của Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương

Trước hết, chúng ta theo dõi giả thiết của Hà Văn Tấn khi ông dựa vào tư liệu khảo cổ học đã thu thập được để phân tích. Trong bài “Văn hóa và ngôn ngữ ở Việt Nam thời tiền sử”, ông đã viết rằng “những mối liên hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ vẫn hấp dẫn các nhà tiền sử học ở Đông Nam Á, vì không nghi ngờ gì, chúng giúp họ rất nhiều trong việc khôi phục các mặt của đời sống cư dân cũng như trong việc xác định tộc người” [3]. Từ đó ông viết tiếp “Cho đến nay, dẫu còn có những cuộc thảo luận, gần như mọi người đều thừa nhận trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo, đã tồn tại ba ngữ hệ hay ngữ tộc lớn là Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian) và Tày Thái (Tai)” [4]. Đồng thời, cũng ở bài viết này, ông đã nói đến việc P. K. Benedict đưa ra khái niệm ngữ hệ Nam – Thái có liên quan đến ba ngữ hệ đó và nhắc lại khái niệm Nam Phương trước đây của Schmidt chỉ bao gồm Nam Á và Nam Đảo. Trên cơ sở đó, ông đưa ra một giả định rằng “Nếu thừa nhận một ngữ hệ Austric lớn như vậy, chúng ta chỉ có thể liên hệ nó với một văn hóa rộng khắp Đông Nam Á, đó là văn hóa Hòa Bình” [5]. Với cách liên hệ như thế, chúng ta có thể thấy Hà Văn Tấn dường như đồng nhất ranh giới địa lý cư trú của cư dân nói ngôn ngữ thời hiện tại với ranh giới phân bố các hiện vật khảo cổ thể hiện đặc trưng cho một nền văn hóa nào đó trong thời tiền sử.

Cũng theo cách phân tích và lập luận của Hà Văn Tấn, rõ ràng đối với ông, văn hóa tiền sử vùng Đông Nam Á có liên hệ với địa lý ba ngữ hệ là Nam Á, Nam Đảo, Thái – Kadai (mà ông gọi là Tày – Thái). Nhưng khi ông đưa ra ý kiến khẳng định “Nơi hình thành ngữ hệ Thái hẳn là vùng Nam Trung Quốc và có thể một phần bắc Đông Dương” [6], người ta đã không nhận thấy ông dựa vào đặc điểm gì của tài liệu khảo cổ học hay ngôn ngữ học để nói đến một sự liên hệ như vậy. Rõ ràng, khi giả định về địa lý cư trú thời tiền sử của họ ngôn ngữ Thái – Kadai, Hà Văn Tấn hình như còn chưa đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào, kể cả tư liệu của khảo cổ học cũng như ngôn ngữ học.

Khi thảo luận riêng về nền “văn hóa Đông Sơn”, ông viết rằng “Văn hóa Đông Sơn tồn tại ở miền Bắc Việt Nam từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ II sau Công nguyên, có thể một phần lớn cư dân Đông Sơn nói ngôn ngữ Việt  Mường Chung [7]. Điều này không loại trừ một bộ phận cư dân của văn hóa này nói ngôn ngữ Thái … Còn các văn hóa tiền Đông Sơn mà bắt đầu là văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng 4.000 năm, phân bố trong lưu vực sông Hồng, và các văn hóa cùng bình tuyến trong lưu vực sông Mã và sông Cả, có thể đã nói ngôn ngữ Proto – Việt – Mường” [8]. Có thể thấy, theo như  giả thiết của Hà Văn Tấn, thì “phần lớn cư dân Đông Sơn nói ngôn ngữ Việt  Mường Chung. Điều này không loại trừ một bộ phận cư dân của văn hóa này nói ngôn ngữ Thái”. Nhưng cách nói của ông cũng chỉ là một “khả năng” chứ ông hầu như chưa chỉ ra được những đặc điểm khảo cổ tương ứng nổi trội tương ứng với đặc điểm ngôn ngữ để đi đến một nhận xét như thế. Có lẽ tự bản thân mình Hà Văn Tấn cũng mới chỉ dùng lại ở một mức độ như thế.

Đi theo định hướng đó, một nhà nghiên cứu khác là Phạm Đức Dương [9] đã kết hợp giữa nghiên cứu của ngôn ngữ học và “tư liệu khảo cổ” để tiếp tục giải thích vị trí của ngôn ngữ Thái và “cư dân văn hóa Đông Sơn”. Với việc chấp nhận quan niệm “hỗn nhập (mixte)” do “tiếp xúc (contact)” ngôn ngữ để hình thành một họ ngôn ngữ, Phạm Đức Dương đưa ra khái niệm “ngữ hệ Đông Nam Á” là sự “hỗn nhập” giữa Thái – Kadai với Nam Á. Từ đó ông cho rằng “cư dân Đông Sơn nói ngôn ngữ Việt  Mường Chung” như giả thiết Hà Văn Tấn là đã nói một ngôn ngữ có “cơ tầng Nam Á và cơ chế Đồng Thái”. Đúng là hiện nay đang có hiện tượng “hỗn nhập” về ngôn ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ Thái. Nhưng tình trạng hiện nay đang có đó [10], nếu chưa chứng minh được là trạng thái đã có ở thời “ngôn ngữ Việt  Mường Chung” thì sự liên hệ mà ông đưa ra cũng chỉ là “giả thuyết”. Cho đến hiện nay, những nội dung mà Phạm Đức Dương trình bày còn ẩn chứa quá nhiều những chi tiết chưa thỏa đáng nếu tuân thủ những nguyên tắc của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử.

Thực ra trước đó, A.G Haudricourt cũng đã từng nói đến hiện tượng “hỗn nhập” ở Đông Nam Á. Theo ông, giữa những ngôn ngữ Môn – Khmer và ngôn ngữ Nam Đảo hiện cư trú ở Việt Nam có sự “vay mượn lẫn nhau” của một số từ cơ bản thuộc lớp từ sơ sở (basic) trong nhiều ngôn ngữ. Nhưng ở đây người ta khó xác định Môn – Khmer đã vay mượn từ Nam Đảo hay ngược lại những ngôn ngữ Nam Đảo vay mượn từ những ngôn ngữ  Môn – Khmer do tiếp xúc với nhau[11]. Chính  vì thế, có thể thấy giả thiết mà Phạm Đức Dương tuy đưa ra từ năm 1983, rồi được chính ông nhắc lại vào năm 2007 nhưng cho đến hiện nay vẫn còn chưa được tư liệu ngôn ngữ học chứng minh ở một mức độ nào đó về tính hợp lý. Nhận xét về giả thuyết này, L. Kelley cho rằng “ngữ hệ Đông Nam Á” mà Phạm Đức Dương đề xuất còn chứa đựng khá nhiều sự khiên cưỡng khoa học [12]. Bởi vì, nếu như “ngữ hệ Đông Nam Á” của Phạm Đức Dương là hợp lý và ngữ hệ đó là ngữ liệu ngôn ngữ ở thời “văn hóa Đông Sơn” thì nội hàm của ngữ hệ đó có khác gì với khái niệm “ngữ hệ Nam Phương ” do W. Schmidt đề xuất năm 1906 mà chính Hà Văn Tấn đã giả định nó có thời gian tương ứng với “văn hóa Hòa Bình” [13] ? Vậy là, trong khi cố gắng kéo bộ phận “Thái – Kadai” và “Nam Á” vốn là hai họ ngôn ngữ khác nhau vào một khái niệm chung để chứng minh rằng văn hóa Việt thời Đông Sơn là một văn hóa “hỗn nhập” giữa Nam Á và Thái – Kadai , vô hình trung, giả thiết của Phạm Đức Dương lại “mâu thuẫn” với chính tư tưởng của Hà Văn Tấn.  Bởi vì, trong khi Hà Văn Tấn cho rằng ít ra giai đoạn văn hóa Việt thời Đông Sơn có ba tiểu văn hóa tương ứng với ba ngữ hệ khác nhau là Nam Á, Nam Đảo và Thái – Kadai thì Phạm Đức Dương lại gắn nó với nội hàm “văn hóa Hòa Bình” của Hà Văn Tấn tương ứng với “ngữ hệ Nam Phương” [14].

            Văn hóa Đông Sơn, như xác định của Hà Văn Tấn, có thời gian từ “thế kỷ II sau Công nguyên” trở về “giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên”, tức là kéo dài khoảng gần một nghìn năm. Vào thời gian này “phần lớn cư dân Đông Sơn nói ngôn ngữ Việt  Mường Chung ” nhưng “không loại trừ một bộ phận cư dân của văn hóa này nói ngôn ngữ Thái”. Với cách nói như vậy, Hà Văn Tấn nghiêng về nội dung cư dân Đông Sơn nói ngôn ngữ Nam Á; còn đối vớingôn ngữ Thái – Kađai, ông dùng cách nói “không loại trừ” chứ không đặt ra khả năng “bao gồm” trong đó.Theo chúng tôi, chính tư tưởng “không loại trừ” cư dân làm chủ thể văn hóa Đông Sơn nói ngôn ngữ Thái  của Hà Văn Tấn đã được một vài nhà nghiên cứu khác ở Việt Nam cụ thể hóa ở mức độ khác nhau. Và người minh họa rõ nhất cho quan niệm đó là Phạm Đức Dương khi ông cho rằng đã “hình thành những phức hợp văn hóa mới kiểu Đông Sơn và hình thành những nhóm ngôn ngữ mới: nhóm Việt Mường là kết quả của sự tiếp xúc của một bộ phận cư dân Môn – Khmer với một bộ phận cư dân Đồng Thái …” [15]. Nhưng, như đã được phân tích ở trên, sự chứng minh của Phạm Đức Dương còn chưa đủ cơ sở khoa học.

Để thấy rõ sự giải thích thiếu cơ sở khoa học ấy của Phạm Đức Dương, chúng ta có thể thảo luận thêm một vài luận điểm sau đây của ông. Thứ nhất là cái cách để ông nhận diện một “ngữ hệ ngôn ngữ” trong một khu vực địa lý mà ông khảo sát. Khi xác lập một tập hợp ngôn ngữ thành một ngữ hệ, ngôn ngữ học so sánh – lịch sử bắt buộc phải chỉ ra những quan hệ phổ hệ (genetic) của tập hợp ngôn ngữ đó. Những quan hệ phổ hệ này chính là sự tương ứng của những lớp từ vựng cơ bản, vừa là những quy luật biến đổi ngữ âm của những từ vựng cơ bản bản đó biến đổi từ dạng thức chung (proto typ) đến các ngôn ngữ thành phần[16]. Bởi vì, việc xác định được những quy luật biến đổi ngữ âm để nhận diện họ ngôn ngữ là một đòi hỏi bắt buộc. P. Sidwell gần đây khi bàn về họ ngôn ngữ Nam Á đã viết rằng “Trong phân loại một họ ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ thuộc các loại hình có cấu trúc đơn lập, một tiêu chuẩn vàng cho việc phân loại đó là phục nguyên âm vị học để xác định những biến đổi ở các nút hay điểm phân nhánh” [17]. Tuy nhiên, trong cách giải thích của Phạm Đức Dương, chưa thấy ông làm được điều đó.

Khi khẳng định một cách không cần chứng minh “Đông Nam Á – một trung tâm phát sinh chủng tộc (con người và ngôn ngữ)” [18] Phạm Đức Dương viết “Chúng tôi đã nêu ra giả thuyết rằng các ngôn ngữ Đông Nam Á đã trải qua một giai đoạn thay đổi hình thái học và hình thành các dòng ngôn ngữ trong mối quan hệ tiếp xúc với các ngữ hệ thuộc các loại hình khác nhau: hệ Hán Tạng, hệ châu Đại Dương, hệ Ấn Âu…Giai đoạn này có thể tương ứng với giai đoạn sơ kỳ đồ đá mới..” [19]. Rõ ràng, khi đưa ra một khái niệm về họ (ngữ hệ/hệ) ngôn ngữ như vậy, Phạm Đức Dương chỉ thuần túy dựa vào đặc điểm “thay đổi hình thái học” của các ngôn ngữ trong vùng lãnh thổ mà không cần “phục nguyên âm vị học để xác định những biến đổi”. Vì thế, “ngữ hệ Đông Nam Á” mà ông nêu ra trong mối tương liên với những ngữ hệ Hán Tạng, ngữ hệ châu Đại Dương, ngữ hệ Ấn Âu ẩn chứa đầy những điều khó có thể được giải thích về mặt ngôn ngữ học. 

Thứ hai, thoạt nhìn ý kiến của Phạm Đức Dương đưa ra dường như có lý đối với khu vực. Nhưng, khi không chỉ ra những quy luật biến đổi ngữ âm một cách có quy luật từ dạng tiền ngôn ngữ đến “các dòng ngôn ngữ” thì người ta nhận ra ý kiến đó “chỉ có giá trị diễn giải văn hóa”. Bởi vì, theo logic của ông, nếu tiếng “Việt Mường chung” là “ngôn ngữ pha trộn trên cơ tầng Môn – Khơmer có sự hòa hợp nhiều yếu tố Tày Thái cổ và được vận hành mô phỏng theo cơ chế ngôn ngữ dòng Đồng Thái” để “hình thành những phức hợp văn hóa mới kiểu Đông Sơn” thì cái “phức hợp văn hóa mới kiểu Đông Sơn” mà Phạm Đức Dương nói đến được Hà Văn Tấn dựa vào tư liệu khảo cổ xác định phải có thời gian “tồn tại ở miền Bắc Việt Nam từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ II sau Công nguyên” [20]. Trong khi đó, “Còn các văn hóa tiền Đông Sơn mà bắt đầu là văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng 4.000 năm, phân bố trong lưu vực sông Hồng, và các văn hóa cùng bình tuyến trong lưu vực sông Mã và sông Cả, có thể đã nói ngôn ngữ Proto – Việt – Mường” [21] mới là ở “giai đoạn sơ kỳ đồ đá mới…”. Rõ ràng, cách lập luận của Phạm Đức Dương không chỉ bất hợp lý về ngôn ngữ học mà bất hợp lý cả về thời gian lịch sử khi căn cứ vào việc xác định thời gian lịch sử theo tư liệu khảo cổ học.

            Thứ ba là, người ta có thể đặt ra câu hỏi, vậy thì cái “cơ tầng Môn – Khơmer” và “cơ chế ngôn ngữ dòng Đồng Thái” là gì? Thực ra ông trình bày chỉ là sự “sắp xếp lại cấu trúc của từ ngữ âm (Phonetic word)” nói chung chứ chưa cho biết rõ sự “pha trộn/hỗn nhập (mixte)” thực tế trong lịch sử đã diễn ra như thế nào để “cơ tầng Môn – Khơmer” pha trộn theo “cơ chế ngôn ngữ dòng Đồng Thái”. Cho nên, cái gọi là “sắp xếp lại cấu trúc” như Phạm Đức Dương trình bày cũng có thể thấy ở những bộ phận ngôn ngữ khác nhau trong khu vực. Chẳng hạn, khi nói về kết quả nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ trong nội bộ họ Nam Á, P. Sidwell cho biết Pinnow đã từng chỉ ra rằng “Đứng từ góc độ hình thái học, các ngôn ngữ Munda có xu hướng bảo thủ hơn nhiều so với các ngôn ngữ Nicobarese và Khasi, còn từ quan điểm của từ vựng học thì chúng vượt trội hơn hẳn các ngôn ngữ Mon – Khmer trong việc bảo lưu các từ gốc cổ và các dạng thức của từ” [22]. Vì thế, khi coi tiếng “Việt Mường chung” – ngôn ngữ của “phần lớn cư dân Đông Sơn” thì những nghiên cứu về lịch sử và ngữ âm lịch sử tiếng Việt hiện có [23]  đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, giai đoạn “Việt Mường chung (Viet – Mương common)” – thời kỳ tiếp theo của giai đoạn “Proto Viet – Mương” không thể có mặt ở khoảng thời gian tuyệt đối “từ thế kỷ II sau Công nguyên” trở về trước được. Như vậy, nếu chứng minh của Phạm Đức Dương chỉ dừng lại ở cách nói “ngôn ngữ Việt Mường chung” thời văn hóa Đông Sơn có “cơ tầng Môn – Khơmer” và “cơ chế ngôn ngữ dòng Đồng Thái” thì ở khía cạnh ngôn ngữ học lịch sử, lời khẳng định ấy là mâu thuẫn, hoàn toàn chưa đủ cơ sở khoa học để chứng minh.

Trong một chừng mực nào đấy chúng ta nhận ra rằng cách diễn đạt “phần lớn cư dân Đông Sơn nói ngôn ngữ Việt Mường Chung. Điều này không loại trừ một bộ phận cư dân của văn hóa này nói ngôn ngữ Thái” của Hà Văn Tấn cho thấy sự cẩn trọng của ông khi nói về quan hệ giữa Nam Á và Thái – Kadai trong thờ kỳ “văn hóa Đông Sơn”. Cách diễn đạt của ông chỉ là sự “để ngỏ” cho một khả năng “có thể có” chứ chưa phải là một sự “chứng minh” hay “khẳng định” khi nói về tính chất cư dân chủ thể của nền văn hóa ấy vì “có yếu tố Thái trong văn hóa Đông Sơn” chưa thấy tư liệu khảo cổ học xác nhận. Còn cách đặt vấn đề từ góc độ ngôn ngữ học về “văn hóa nông nghiệp” mà Phạm Đức Dương nêu ra để ủng hộ khả năng “có thể có” một bộ phận cư dân của văn hóa Đông Sơn nói ngôn ngữ Thái của Hà Văn Tấn đã không làm rõ được hiện tượng “pha trộn/hỗn nhập (mixte) Việt – Thái” như hiện hiện nay ấy đã xảy ra vào thời gian nào. Cái thiếu thuyết phục của Phạm Đức Dương chính là lập luận mà chưa được chứng minh đó.

1.2.2. Cách đặt vấn đề của một vài nhà nghiên cứu khác.

Trong những năm gần đây, đã có thêm một vài nhà nghiên cứu khác bàn lại mối quan hệ giữa “người Thái và văn hóa Đông Sơn”. Trước hết có thể kể đến nhà khảo cổ học Trịnh Sinh  khi ông viết rằng “…Nếu theo đoán định của một số nhà dân tộc học thì miền tây nam Trung Quốc, tây bắc Đông Dương và tây bắc Việt Nam, người Thái đã có mặt vào khoảng thiên niên kỷ I trước công Nguyên” [24] . Với cách viết “nếu theo đoán định” như thế, người ta còn chưa thấy ông dựa vào cơ sở khoa học gì về mặt dân tộc học để có thể chứng minh cho kết luận “người Thái đã có mặt vào khoảng thiên niên kỷ I trước công Nguyên” ở “miền tây nam Trung Quốc, tây bắc Đông Dương và tây bắc Việt Nam”.

Thế nhưng, Trịnh Sinh viết tiếp “Có thể chỉ riêng ngành dân tộc học thì khó tìm được dấu tích của nhóm người Thái đến nước ta đầu tiên (tức vùng đất thuộc Văn hóa Đông Sơn – TTD) mà cần có sự góp sức của các ngành khoa học khác, cái mà chúng ta gọi là là nghiên cứu khoa học liên ngành…Thành tựu của ngôn ngữ học tộc người đã cho thấy trong tiếng Việt hiện nay, sự đóng góp của tiếng Thái là vô cùng quan trọng. Tôi thấy luận điểm của Phan Ngọc và Phạm Đức Dương có lý khi cho rằng tiếng Việt có cả yếu tố Thái và Môn – Khơ me” [25]. Từ góc nhìn của một nhà khảo cổ học “chuyên về thời kim khí”, hình như ông chưa phân biệt hiện tượng “tiếng Việt có cả yếu tố Thái và Môn – Khơ me” là đồng đại phải khác với lịch đại. Cho nên, từ hiện tượng ngôn ngữ này ông lập luận rằng vào thời người Việt “độc lập tự chủ” (sau thế kỷ X), “ngôn ngữ Tày Thái chỉ sử dụng ở một số địa bàn miền núi nên không có cơ hội để nhày vào tiếng Việt được”;  rằng thời điểm “hình thành vốn từ Hán Việt” trong tiếng Việt là thời Bắc thuộc nên ngôn ngữ Tày Thái không có cơ hội “xen vào” tiếng Việt ở thời Bắc thuộc; chữ viết riêng của người Thái cũng không ảnh hưởng đến người Việt ở đồng bằng trong thời Bắc thuộc. Vì thế, Trịnh Sinh kết luận “ngôn ngữ Tày Thái phải” xâm nhập” vào tiếng Việt vào thời gian trước Bắc thuộc. Mà trước Bắc thuộc chính là thời kỳ Văn hóa Đông Sơn” [26]. Có thể thấy, những lập luận mà Trịnh Sinh nêu ra, về thực chất, là một cách diễn giải khác đi luận điểm của Phạm Đức Dương và hoàn toàn không có một chút cơ sở gì về ngôn ngữ học do không dựa trên nguyên tắc phân tích của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử trong nghiên cứu lịch ngôn ngữ.

Cho nên, khi dựa dựa vào “các tài liệu khảo cổ học” phân bố dọc theo lưu vực sông Hồng để đưa ra “mô hình phát triển của nhóm ngôn ngữ tộc người trong thời kỳ văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn” [27] của Trịnh Sinh cũng hoàn toàn võ đoán. Nói một cách khác đi, kết luận của ông về mối quan hệ giữa “người Thái và văn hóa Đông Sơn” rõ ràng không đưa ra thêm được những chứng cứ ngôn ngữ học và dân tộc học thuyết phục. Có chăng nên coi ý kiến của ông đưa ra vào năm 2015 cũng chỉ thuần túy là nêu ra giả thuyết để tiếp tục làm việc mà thôi.

Trước đó, nhà nghiên cứu dân tộc Hoàng Lương muốn thông qua một số “địa danh gốc Tày – Thái” hiện có và qua “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của cư dân Tày – Thái hiện nay ở vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ để chứng minh “Văn hóa Đông Sơn thời Hùng Vương” đã bao gồm các yếu tố văn hóa Tày Thái. Theo tác giả này, trong lòng “văn minh Việt cổ” (tức thời đại các vua Hùng – văn hóa Đông Sơn) đã bao gồm nhiều tộc người, trong đó có các cư dân Tày – Thái “ là dựa vào “địa danh gốc Tày – Thái” có ở vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ và cư dân Tày – Thái hiện nay đang duy trì “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” [28].

Có thể nhận ngay ra rằng khi Hoàng Lương cho “địa danh gốc Tày – Thái” đang hiện hữu hiện nay thuộc vùng địa lý “văn hóa Đông Sơn” có từ thời “văn minh Việt cổ” chỉ là sự gán ghép hữu cơ mà chưa đủ cơ sở. Thực sự chưa có chứng cứ khoa học để nói rằng tên gọi các “bộ” có từ thời “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi cho ta biết “Những vùng đất đó chính là địa bàn sinh sống của cư dân cộng đồng văn minh Việt cổ của nền văn hóa Đông Sơn – trong đó, bao gồm nhiều vùng sinh tụ của người Tày – Thái cổ”; và rằng nó “rất phù hợp với Những địa danh Tày – Thái cổ xung quanh vùng Hà Nội” [29]. Bởi vì, về mặt địa danh học ông chưa thể chứng minh được những địa danh xung quanh vùng Hà Nội hiện nay mà ông nêu ra liệu có thực là “gốc Tày – Thái” hay không khi ông chưa thể lý giải được chuyển đổi ngôn ngữ dẫn xuất “gốc Tày – Thái” giả định ấy đã diễn ra như thế nào. Cách lập luận của ông về “gốc Tày – Thái” của địa danh ở quanh vùng Hà Nội cũng tương tự như cách tiếp cận của nhà nghiên cứu dã sử Tạ Chí Đại Trường [30] khi nói về địa danh “Phù Đổng” chứa đầy tính bất hợp lý mà khi thảo luận về nguồn gốc của tên gọi lễ hội này chúng tôi đã thảo luận [31].

Như vậy, cho dù là với cách nhìn liên ngành, cho đến hiện nay việc cho rằng cư dân văn hóa Đông có sử dụng ngôn ngữ Thái – Kadai vẫn chưa thể được chứng minh một cách thuyết phục. Với kết quả nghiên cứu liên ngành của khoa học như hiện nay, ý kiến cho rằng “Ngôn ngữ Thái ở vùng ngoại vi trong quá khứ Việt” [32] như cách nói của L. Kelley là cách nói hợp lý hơn.

2.Cư dân ngôn ngữ Thái – Kadai và“văn hóa Đông Sơn” ở Việt Nam

Như vậy, vấn đề đã được đặt ra là họ ngôn ngữ Thái – Kadai có vị thế cụ thể như thế nào đối với nền văn hóa Đông Sơn. Để hiểu bản chất của mối liên hệ này, những phân tích và lý giải của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử được trình bày dưới đây sẽ cung cấp cho chúng ta cứ liệu để có một cái nhìn toàn diện hơn.

2.1. Những phân tích về âm vị học lịch sử những tiếng Thái – Kadai

Trước hết, chúng tôi xin nhắc lại ý kiến của A. G. Haudricourt khi ông đưa ra khái niệm tiếng “Thái chung (Thai commun)”. Sau khi phân tích âm vị học các ngôn ngữ/thổ ngữ Thái ở Đông Dương và phần phía Nam Trung Quốc thuộc phía Tây sông Hồng, học giả này đã gộp hầu hết các ngôn ngữ/ thổ ngữ Thái ở vùng địa lý này lại (trừ tiếng Dioi) thành một khái niệm “Thái chung (Thai commun)” [33]. Việc sắp xếp này gần như trùng với ranh giới địa lý của nhóm “Thái Tây Nam (Southwestern group, SW)” mà học giả người Mỹ gốc Trung Quốc Lý Phương Quế xác lập năm 1960 và sau đó khẳng định lại năm 1977 [34]. Với việc xác định biến đổi âm vị học và so sánh từ vựng các ngôn ngữ/thổ ngữ thuộc “tiếng Thái chung”, A. G. Haudricourt cho rằng  “Những ngôn ngữ họ hàng với tiếng Thái nơi đây phải tìm ở các phương ngữ man – yao phía bắc có hệ thống âm vị tương tự” [35]. Cụ thể hơn, khi thảo luận lại ý kiến của H. Maspero về quan hệ giữa tiếng Việt và tiếng Thái, ông viết “Các ngôn ngữ Thái ở phía Tây sông Hồng: các tiếng Siam, Shan, Lào, Thái trắng, Thái đen là hết sức gần gũi nhau; trái lại, ở phía đông con sông này, người ta gặp những ngôn ngữ ít nhiều đã lạc lõng: các tiếng Dioi, Caolan, Mak, Sui, hay những ngôn ngữ đã khá xa nhau trong quan hệ họ hàng: các tiếng Kelao, Tulao, Lati, Laqua. Như vậy là hình như các ngôn ngữ Thái đều gốc ở phía Nam Trung Hoa và chúng vượt qua sông Hồng chỉ mới khoảng từ thế kỷ thứ X” [36] . Có thể thấy, theo  ông, rõ ràng địa lý thời tiền sử của những ngôn ngữ Thái phía Tây sông Hồng có thể trước thế kỷ X nhiều lắm cũng khoảng một vài thế kỷ.

Một nhà ngôn ngữ học lịch sử khác chuyên về các ngôn ngữ cổ đại ở khu vực phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc , ông L. Sagart, dựa trên sự phân tích về biến đổi âm vị học của những “số đếm (numerals)” trong các ngôn ngữ thuộc khu vực đã xây dựng một giả thuyết có liên quan các ngôn ngữ Nam Đảo và Thái –  Kadai [37]. Theo ông, vị trí địa lý thời tiến sử của những ngôn ngữ Thái – Kadai giống  như ý kiến mà A. G. Haudricourt đã quan niệm khi phân tích âm vị học lịch sử của tiếng “Thái chung”. Tuy L. Sagart không cho biết một cách cụ thể thời điểm “thiên di” ấy nhưng việc ông định vị địa lý của các ngôn ngữ Thái – Kadai thời tiền sử thuộc khu vực Đông Nam Trung Quốc như thế đã gián tiếp ủng hộ  ý kiến của A. G. Haudricourt về thời gian “thiên di” của người Thái.

02
Bản đồ địa lý thời tiền sử của ngôn ngữ Thái –Kadai (Nguồn: [Sagart. L: 2004])

2.3. Một phân tích kết hợp liên ngành

Một học giả người Mỹ, ông L. Kelley, khi đặt vấn đề phân tích việc sử gia Ngô Sỹ Liên dùng một vài từ Hán – Việt trong phần ngoại kỷ của “Đại Việt sử ký toàn thư” (thế kỷ thứ XV) như quan lang (官郎), mỵ nương (媚娘) bồ chính (蒲正) v.v mà học giả này cho là “những từ gốc Thái (Tai Words)” cũng đã trình bày một quan niệm về “vị trí của người Thái trong lịch sử Việt Nam (the Place of the Tai in the Vietnamese Past)” ở giai đoạn văn hóa Văn Lang – Hùng Vương, tức thời kỳ văn hóa Đông Sơn [38]. Mặc dù chúng tôi đã thảo luận với ông về các từ như quan lang (官郎), mỵ nương (媚娘) bồ chính (蒲正) có yếu tố thuộc gốc Thái hay không [39], nhưng những chứng minh của học giả này về sự có mặt hay không có mặt của “người Thái” ở giai đoạn văn hóa Đông Sơn, một giai đoạn tiền sử của lịch sử Việt Nam, cũng cần được chú ý một cách thích đáng.

Cụ thể, L. Kelley phân tích rằng những nghiên cứu liên ngành của Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX để dẫn đến kết luận “có yếu tố văn hóa và ngôn ngữ Thái” ở thời “văn hóa Đông Sơn” mà nhiều học giả nổi tiếng ở Việt Nam như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Phạm Đức Dương, Hoàng Thị Châu v.v chứng minh đều chưa đủ độ “tin cậy” về mặt khoa học. Theo ông, tuy lịch sử ghi lại thời điểm hiện diện của “văn hóa Thái” ở châu thổ sông Hồng không nhiều, nhưng “Cho dù đây là một quá trình khó có thể lưu lại bằng tư liệu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những dấu vết còn ghi lại về sự di chuyển của người Thái (Tai) trong những ghi chép lịch sử của người Trung Quốc. Ví dụ ở phần ghi chép về những xung đột vào những năm 860 trong quá trình bành trướng của nước Nam Chiếu (Nanzhao), ta thấy có nhắc đến việc quân đội Thái đi chuyển tới châu thổ sông Hồng. Cuốn sách Ghi chép về người nguyên thủy cũng nhắc đến một nhóm người được gọi là “Mang mọi rợ (Mang Savages, 茫 蠻)”, những người gọi người cai trị mình là “zhao mang (詔 茫, có nghĩa là cao muang trong từ thứ bậc Thái). Nó ghi chép rằng vào năm 863, một đội quân có từ hai tới ba ngàn Mang Mọi rợ đã tập hợp bên bờ sông Tô Lịch, con sông chảy về Hà Nội” [40]. Như vậy, với L. Kelley, những tư liệu ghi chép lịch sử của người Trung Quốc cho thấy người Thái “xâm nhập” vào châu thổ sông Hồng đã được ghi nhận cụ thể vào thế kỷ IX. Cho nên, ông cho rằng “Vị trí của người Thái trong lịch sử Việt Nam cũng trở nên rõ ràng. Người Thái và người Việt không phải là anh em ruột sống trong sự hòa hợp vào thời cổ đại và sau đó họ đã đi theo con đường riêng của họ. Thay vào đó, họ đã phân chia dân cư và trở thành láng giềng của nhau vào thời trung cổ và đã tranh giành với nhau cho đến khi cuối cùng người Việt đạt được sự thống trị người Thái ở ngoài khu vực đồng bằng sông Hồng trong thế kỷ XV” [41].

2.3. Phân tích dựa vào chữ Thái cổ

Còn chúng tôi, dựa trên cứ liệu về tình trạng phân bố chữ cổ truyền thống hiện có của cư dân Thái – Kađai ở Đông Nam Á và tình trạng lịch sử của một số “địa danh” hay “tên gọi” mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là gốc Thái thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn như tên gọi sông Thao hay lễ hội Phù Đổng, đã góp thêm chứng cứ cho thấy ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn khó có thể “bao gồm” những yếu tố văn hóa của cư dân nói một ngôn ngữ Thái – Kađai [42].

Ở đây, xin trình bày cụ thể về trường hợp chữ cổ hiện có của những cư dân Thái – Kađai ở Đông Nam Á thuộc nhóm “Thái Chung”. Theo đó, truyền thống chữ cổ của nhóm “Thái Chung” có nguồn gốc chữ viết Ấn Độ và phân bố ở phần phía tây Tây sông Hồng; còn chữ truyền thống ở phần phía Đông sông Hồng có nguồn gốc Trung Hoa. Tình trạng hiện diện sự khác nhau về địa lý của chữ viết cổ như thế cho thấy việc A.G Haudricourt kết luận rằng “hình như các ngôn ngữ Thái đều gốc ở phía Nam Trung Hoa và chúng vượt qua sông Hồng chỉ mới từ thế kỷ thứ X” như đã nói ở trên là một nhận định phù hợp với tư liệu của ngôn ngữ học so sánh – lịch sử liên quan đến về vấn đề chữ Thái cổ.

Nhân đây, chúng tôi xin nói thêm về lập luận của Trịnh Sinh về chữ viết Thái cổ đã sơ bộ trình bày ở trên. Theo đó, ông đã viết rằng “Với những tư liệu dân tộc học cho thấy: Người Thái có chữ viết riêng. Chữ viết này không ảnh hưởng đến người Việt ở đồng bằng trong thời Bắc thuộc”; vì “trong thời Bắc thuộc” không thấy có chuyện “ngôn ngữ Tày Thái có cơ hội để xen vào trong ngôn ngữ người Việt”; do đó “cơ hội” này phải xảy ra “vào thời gian trước Bắc thuộc. Mà trước Bắc thuộc chính là thời kỳ Văn hóa Đông Sơn” [43]. Như vậy, ở đây ông đã lấy tình trạng hiện diện chữ viết cổ hiện nay của người Thái – Kadai ở Việt Nam để làm chứng cứ cho lập luận của mình trong việc chứng minh về “thời gian xâm nhập” của văn hóa Thái – Kadai vào “văn hóa Đông Sơn” của người Việt ở Việt Nam. 

Có thể thấy ngay rằng  chứng cứ dùng để đoán định thời gian văn hóa Thái – Kadai “xâm nhập” vào “văn hóa Đông Sơn” mà Trịnh Sinh nêu ra ở trên chứa đầy mâu thuẫn về mặt ngôn ngữ học cũng như dân tộc học. Bởi lẽ, thứ nhất để có thể lấy chữ viết cổ của cư dân nói ngôn ngữ Thái  Kadai ở Việt Nam làm chứng cứ xác nhận “cư dân chủ thể” văn hóa Đông Sơn đã bao gồm người Thái – Kađai, trước hết phải làm rõ “người Thái có chữ viết riêng” vào khi nào. Có như vậy, người ta mới thấy được thời điểm xuất hiện và tác động của chữ viết cổ trong cư dân Thái – Kadai ở vùng  Đông Nam Á. Chính vì chưa trả lời cho câu hỏi vừa nêu ra, giải thích của Trịnh Sinh đã hoàn toàn thiếu đi cơ sở khoa học.

Chúng ta biết, ở về phía tây sông Hồng, các cư dân của họ ngôn ngữ Thái – Kađai từ hàng trăm năm nay đều dùng chữ viết cổ theo truyền thống Ấn Độ. “Chẳng hạn, ở Việt Nam, đó là chữ viết cổ của những nhóm cư dân Thái – Kađai như người Thái Đen, Thái Trắng, Thái Đèng (hay Thái Thanh), Thái Do và Thái Lai Pao. Ở Lào, đó là chữ viết của cư dân Lào (như chữ Lào Tham, Thái Đèng v.v). Ở Thái Lan, đó là chữ của người Thái Xiêm, chữ của người Lào, chữ của người Thái Yuan v.v. Ở Vân Nam Trung Quốc, đó là chữ của người Thái Tehong (Đức Hồng), người Thái Xipsongpanna v.v. Còn ở Myanma, đó là chữ của người Thái Shan, Thái Khun, Thai Lu và Khamti v.v” [44].

Chúng ta biết rằng những dạng chữ cổ của người Thái theo truyền thống Ấn Độ ở phía tây sông Hồng này được nhận diện theo hai tiểu loại. Theo nghiên cứu của M. Ferlus, một tiểu loại thuộc kiểu chữ Khmer, và một tiểu loại thuộc truyền thống chữ viết Môn xuất hiện quanh vùng vịnh Thái Lan vào quãng thế kỷ thứ VI – VII và nó là nguồn gốc cho các kiểu chữ Thái – Kadai ở Myanma (như Thái Shan, Thái Mau, Thái Nua) cho đến vùng Assam (Thái Ahom) [45]. Còn kiểu chữ Khmer hình thành vào quãng thế kỷ thứ III (thời Phù Nam) ở vùng lãnh thổ Căm – pu – chia hiện nay khi văn hoá Ấn Độ tiếp xúc với văn hoá của cư dân bản địa. Từ chữ viết Khmer cổ đó, người Thái xây dựng nên các kiểu chữ Thái ở vùng Sụ Khổ Thai miền trung Thái Lan hiện nay mà chứng cứ còn được lưu lại trên văn bia “vua Ramgamhaeng” có niên đại chính xác là năm 1283 (thế kỷ XIII). Về sau, từ chữ “Ramgamhaeng” đó, kiểu chữ Thái (Xiêm) hiện đang được người Thái Lan sử dụng đã xuất hiện và được ghi lại trong một văn bia có niên đại vào năm 1357 (tức vào thế kỷ XIV). Cũng từ chữ “Ramgamhaeng” đó, những kiểu chữ như chữ ở bắc Thái Lan, chữ Fakkham ở Lào hiện nay cũng như các kiểu chữ của những nhóm cư dân Thái ở vùng bắc Lào và miền bắc Việt Nam xuất hiện. Những kiểu chữ thuộc nhóm này được xác nhận lần đầu tiên với thời gian chính xác là năm 1411 (thể kỷ XV) và được dùng phổ biến từ thế kỷ XVII về sau[46].

Chữ viết theo truyền thống Ấn Độ của các nhóm người Thái ở Việt Nam như chữ của người Thái Đen, Thái Trắng, Thái Đèng (hay Thái Thanh), Thái Do và Thái Lai Pao cũng đã được nghiên cứu về mặt ngôn ngữ học. So sánh một cách chi tiết hệ thống “ký tự chữ viết (graphique)” và hệ thống ngữ âm của mỗi một ngôn ngữ cụ thể, M. Ferlus viết rằng “John F. Hartmann đã đặt cơ sở, và tôi cũng đồng ý với ông, cho một giả thuyết rằng chữ viết của người Thái đen và Thái trắng bắt nguồn từ kiểu chữ Fakkham” [47]. Khi mà chúng ta chưa có chứng cứ hay tư liệu để cho rằng giả thuyết được John F. Hartmann đưa ra là chưa đủ cơ sở, thì có nghĩa là chữ viết của các nhóm người Thái ở Việt Nam chỉ có thể được xác nhận xuất hiện từ khoảng trước năm 1411 (tức từ thế kỷ thứ XV) trở lại đây mà thôi.

 Trong khi đó, phần lãnh thổ phía đông sông Hồng  thuộc phần Vân Nam – Quảng Tây (Trung Quốc) và đông bắc Việt Nam, ngược lại, cư dân Thái – Kadai lại dùng chữ viết cổ theo truyền thống Trung Hoa. Đó là chữ Nôm của người Tày – Nùng ở Việt Nam; là chữ Nôm của người Choang (Zhuang) ở Vân Nam – Quảng Tây, Trung Quốc. Về bản chất, những kiểu chữ cổ này đều dùng ký tự Hán (chữ Hán) để ghi âm tiếng nói của người Thái – Kadai trong khu vực. Với việc phân tích và chứng minh một cách thuyết phục về “cách đọc Hán Việt” mà giáo sư Nguyễn Tài Cân đã công bố [48] thời điểm xuất hiện chữ Nôm Việt cũng như chữ Nôm Tày sớm nhất cũng chỉ có thể là sau thế kỷ XI, nếu không phải từ thế kỷ XII-XIII trở đi.

Rõ ràng, một vấn đề quan trọng phải được nhấn mạnh là những khác biệt về truyền thống chữ viết cổ giữa hai cộng đồng Thái – Kadai ở trên lại trùng khớp với sự phân chia hai nhóm cư dân ở vùng Đông Nam Á văn hóa. Vì rằng, tuy đều là cư dân của cùng một họ ngôn ngữ, nhưng những người Thái thuộc hai tiểu vùng khác nhau dùng “hai kiểu văn tự có truyền thống khác nhau” mà sông Hồng là ranh giới thể hiện sự khác biệt đó. Chúng tôi cho rằng “sự khác biệt về hai truyền thống văn tự đó” là một chứng cớ ngôn ngữ học cho thấy “thời điểm xuất hiện chữ Thái – Kadai” mà chúng ta đang quan tâm. Theo đó, chữ viết cổ của bộ phận cư dân Thái – Kađai theo truyền thống Ấn Độ, sớm nhất, cũng chỉ hình thành từ sau thế kỷ XI và thời điểm ấy được ghi trong “bia Ramkhamhaeng”; còn bộ phận theo truyền thống Trung Hoa như chữ chữ Nôm Tày hay chữ Nôm Choang sớm nhất cũng chỉ có thể là từ thế kỷ XI, nếu không phải từ thế kỷ XII-XIII trở đi.

Như vậy, khi người Thái – Kađai “thiên di” qua sông Hồng xuống phía nam và tây nam, rõ ràng, họ vẫn chưa có chữ viết cổ. Bản đồ mà M.Ferlus thể hiện các nhóm Thái ở Đông Nam Á dưới đây cho ta thấy sự khác biệt địa lý đó.

03

Bản đồ về hai vùng (chữ) Thái – Kađai ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.
Nguồn bản đồ: M. Ferlus (1999).

Chúng ta biết rằng sự xáo trộn dân cư trong quá khứ ở Đông Nam Á là hết sức phức tạp. Nhưng khi thiên di xuống phía tây nam sông Hồng, chắc chắn những người Thái – Kadai đã cộng cư với người nói ngôn ngữ Nam Á bản địa ở đây. Tình trạng xáo trộn ấy đã chịu tác động theo thế giằng co từ hai nền văn hóa phát triển ở bên cạnh mà chữ viết của cư dân họ ngôn ngữ Thái – Kađai là một bằng chứng hiển nhiên nhất. Chính niên đại xuất hiện chữ viết cổ của người Thái có ở Thái Lan còn lưu giữa được cho đến hiện nay đã nói lên tất cả. Vậy là chữ viết cổ trong khu vực đã hé lộ ra những đặc điểm lịch sử – văn hoá – xã hội trong khu vực Đông Nam Á mà những tài liệu khác như khảo cổ học hay dân tộc học hé lộ không rõ ràng. Đó chính là đóng góp quan trọng mà ngôngngữ học so sánh – lịch sử đóng góp cho việc nghiên cứu văn hóa tiền sử.

3. Kết luận.

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi của Hà Văn Tấn khi ông nêu vấn đề “người Thái – Kadai ở phần phía tây sông Hồng được chuyển đến từ khi nào?”, chúng ta có thể giải thích rằng “nó chưa xảy ra vào thời gian được xác định có nền “văn hóa Đông Sơn” của người Việt. Cơ sở để trả lời được ngôn ngữ học so sánh – lịch sử dựa vào sự phân tích âm vị học lịch sử và chữ viết cổ của những tiếng Thái cũng như kết hợp kết quả nghiên cứu liên ngành ở Đông Nam Á. Điều đó cũng có nghĩa là “đặc điểm xã hội” của văn hóa Đông Sơn chưa bao gồm văn hóa Thái – Kadai. Bởi vì vào thời gian tồn tại nền văn hóa này, những cư dân nói ngôn ngữ Thái – Kadai còn chưa tham gia giữ vị trí là “chủ thể” của nền văn hóa mà chỉ là “láng giềng” của những cư dân Đông Sơn nói các ngôn ngữ nhóm Việt – Mường thuộc nhánh Môn – Khmer, họ Nam Á.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  • . Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội 1995, 348 tr .
  • .Trần Trí Dõi (1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 1999, 301 tr; tái bản năm 2000, 301 tr.
  • .Trần Trí Dõi (2005), Giáo trình Lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005, 268 tr ; tái bản 2007, 272 tr.
  • .Trần Trí Dõi (2009), Sơ bộ nhận xét về tình hình phân bố chữ cổ truyền thống của một vài ngôn ngữ Thái – Kađai ở Việt Nam, HTQT “The First International Symposium on Kam – Tai languages”, Guangxi University for Minorities  tháng 12 năm 2008;  In trong “Địa danh và những vấn đề lịch sử – văn hoá của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái Việt Nam” Nxb Thế giới, Hà Nội 2009, tr 271-284.
  • . Trần Trí Dõi (2011), Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh – lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt – Mường,  Nxb Đại học Quốc gia Hà  Nội, 371 tr.
  • . Trần Trí Dõi (2011a), Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, 271 tr.
  • . Trần Trí Dõi (2012), Tên gọi thánh “Dóng” và lễ hội “Phù Đổng”: góc nhìn từ ngữ âm lịch sử tiếng Việt, Hội thảo KH “Việt Nam học lần thứ IV” năm 2012; Tạp chí Ngôn ngữ, số 2 (285)/2013, tr 3-10.
  • .Trần Trí Dõi (2015),Về bài viết “Về từ Thái và vị trí của người Thái trong lịch sử Việt Nam” của Liam Kelley, In trong “Cộng đồng Thái – Kadai Việt Nam những vấn đề phát triển bền vững”, Nxb Thế giới, 2015, tr 59-65
  • .Trần Trí Dõi (2015b), Các họ ngôn ngữ ở Việt Nam (The language Families in Vietnam), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2015, 218 tr
  • .Trần Trí Dõi (2016a), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Language of ethnic minorities in Vietnam), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội 2016, 294 tr
  •             .Phạm Đức Dương (2007), Bức tranh ngôn ngữ – văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á,  Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, 382 tr.
  • . Ferlus M. (1981), Sự biến hoá của các âm tắc giữa (obstruentes médiales) trong tiếng Việt, Ngôn ngữ  n0 2/1981, tr 1 – 22.
  • .Ferlus M. (1988), Langues et ecritures en Asie du Sud- Est,  The 21st ICSTLL, University of Lund, Sweden, Oct. 7-9, 1988, 31p
  • .M. Ferlus (1999), Les dialeces et les écritures des Tai (Thai) du Nghệ An (Vietnam), Treizièmes journées de linguistique d’asie orientale, CRLAO, Paris 10-11 juin 1999, 21pp.
  •             . Haudricourt A. G. (1954), Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1- 1991, tr. 23 – 31.
  •             . A.G Haudricourt (1966), Giới hạn và nối kết của ngôn ngữ Nam Á ở Đông Bắc, Ngôn ngữ, số 1-1991, tr32-40.
  • . Haudricourt A.G (1972), Problèmes de phonologie diachronique, CNRS Paris, 392p.
  •             .Kelley. L (2013), Tai Words and the Place of the Tai in the Vietnamese Past, Journal of the Siam Society, Vol. 101.2013, pp 55-84.
  • .Li F. K. (1977), A Handbook of Comparative Tai, The University Press of Hawaii, 389 pp.
  • . Hoàng Lương (2010), Những địa danh Tày – Thái cổ xung quanh vùng Hà Nội, T/c Dân tộc học, số 4/2010, tr 50-55.
  • . Hoàng Lương (2011), Cư dân Tày – Thái cổ với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong “Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011)”, Nxb Thế giới, tr 129-144.
  •             .Maspéro H. (1912), Etude sur la phonétique historique de la langue annamite: Le s initiales, BEFEO, XII, no1, pp 1-127.
  •             . Phan Ngọc và Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội , 351 tr.        
  • .Pinnow, Heinz-Jürgen (1963). The position of the Munda languages within the Austroasiatic language family. In: H.L. Shorto (ed.). LinguisticComparison in Southeast Asia and the Pacific. London: SOAS. 140-152
  •             .Sidwell, P. (2010), The Austroasiatic central riverine hypothesis,  Journal ofLanguage Relationship, pp 117-134
  • .Trịnh Sinh (2015), Người Thái và văn hóa Đông Sơn, trong “Cộng đồng Thái – Kadai Việt Nam những vấn đề phát triển bền vững”, Nxb Thế giới, tr 105-113.
  • . Hà Văn Tấn (1997), Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb Khoa học xã hội, 1997, 851 tr.
  • .Tạ Chí Đại Trường (2009), Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên Vương; in trong “Những bài dã sử Việt”, Nxb Tri Thức, năm 2009; tr 75-106.

Chú thích:

[1] Xin xem: Trần Trí Dõi: (1999); (2005);( 2007); (2011a); (2015b);( 2016a), tr 178-179.[2] Xin xem: Trần Trí Dõi: ( 2016a), tr 178-179.
[3] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 754.
[4] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 755.
[5]Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 756.
[6] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 758.
[7] Xin lưu ý rằng, khái niệm “Việt Mường Chung” và “proto – Việt – Mường” mà Hà Văn Tấn  dùng ở đây không trùng với khái niệm và thời gian lịch sử tương đối khi chúng tôi dùng để phân chia lịch sử phát triển của tiếng Viết. Xin xem, Trần Trí Dõi: (2011a), tr 98-174.
[8]  Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 759-760.
[9] Xin xem: Phan Ngọc và  Phạm Đức Dương (1983); Phạm Đức Dương (2007).
[10] Xin xem: H. Maspéro H. (1912)..
[11] Xin xem: A.G Haudricourt (1966), tr 32
[12] Xin xem: L.Kelley (2013), tr 72. Nguyên văn tiếng Anh: Phạm Đức Dương’s interpretation of the past is fraught with misunderstandings and contradictions (Cách diễn giải lịch sử của Phạm Đức Dương chứa đầy những mâu thuẫn và lầm lẫn).
[13] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 756.
[14] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 756-761.
[15] Xin xem: Phan Ngọc – Phạm Đức Dương (1983), tr 84-85.
[16] Xin xem: Trần  Trí Dõi (2011), tr 65-86
[17] Xin xem: P. Sidwell (2010), tr 127. Nguyên văn tiếng Anh của tác giả này “For classification of a language family, especially of the structurally isolating type, the gold standard is aphonological reconstruction that identifies innovations with   branching nodes”.
[18] Xin xem: Phạm Đức Dương (2007), tr 18. 
[19]  Xin xem: Phạm Đức Dương (2007), tr 20-22. 
[20] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 759-760.
[21] Xin xem: Hà Văn Tấn: (1997), tr 760.
[22] Xin xem: Pinnow (1963), tr 150.
[23] Xin xem: A.G Haudricourt (1954); [M. Ferlus (1981);  Nguyễn Tài Cẩn (1995),: Trần Trí Dõi (2005); (2011a); (2011b).
[24] Xin xem: Trịnh Sinh (2015), tr 106.
[25] Xin xem: Trịnh Sinh (2015), tr 106.
[26] Xin xem: Trịnh Sinh (2015), tr 106-107.
[27] Xin xem: Trịnh Sinh (2015), tr 119.
[28] Xin xem: Hoàng Lương (2010); (2011)
[29] Xin xem: Hoàng Lương (2011), tr 131
[30] Xin xem: Tạ Chí Đại Trường (2009)
[31] Xin xem: Trần Trí Dõi (2012).
[32] Xin xem: L. Kelley (2013), tr 55-84. Nguyên văn tiếng Anh: “The Tai on the periphery of the Vietnamese past”.
[33]Xin xem:A. G. Haudricourt (1972), tr 85-118.
[34] Xin xem: F.K Li (1977), tr 1.
[35]Xin xem:A. G. Haudricourt (1972), tr 117.
[36] Xin xem:A. G. Haudricourt (1953), tr 19.
[37] Xin xem: L. Sagart (2004).
[38] Xin xem: L. Kelley (2013), tr 55-84.
[39] Xin xem: Trần Trí Dõi: (2015), tr 59-65.
[40] Xin xem: L. Kelley (2013), tr 73.
[41] Xin xem: L. Kelley (2013), tr 83.
[42] Xin xem: Trần Trí Dõi (2009); (2011); (2011a)
[43] Xin xem: Trịnh Sinh (2015), tr 108-109.
[44] Xin xem: Trần Trí Dõi (2011a), tr 27-28.
[45] Xin xem: M. Ferlus (1999).
[46] Xin xem: M. Ferlus (1988), tr 4-6.
[47] Xin xem: M. Ferlus (1988), tr 6.