Quan niệm cho rằng triết học là cẩm nang hướng tới việc sống bình tĩnh đã xuất hiện từ khi triết học ra đời. Thánh Augustine mô tả triết học như “bến đỗ” cho những linh hồn lầm lạc trong một chuyên khảo về sống hạnh phúc ở thế kỉ thứ IV, và một nguyên lão thuộc nghị viện La Mã đã viết cuốn “Sự An Ủi của Triết học” trong khi chờ đợi đến lượt mình bị xử tử. Gần hơn với chúng ta, Ludwig Wittgenstein trong cuốn “Nghiên cứu Triết học” đã nói rằng mục tiêu của triết học không phải là để tìm ra sự thật mà là để mang lại sự nhẹ nhõm— “để con ruồi tìm được đường ra khỏi cái chai”. Wittgenstein không ủng hộ một phương pháp triết học duy nhất. Thay vào đó, ông kết luận rằng có nhiều phương pháp khác nhau để làm tĩnh lặng những âm thanh ồn ào náo loạn của cuộc sống.

Ngược lại, Nietzsche không đoái hoài gì đến các thứ thuốc phiện làm dịu cuộc sống. Như John Kagg đã ghi lại trong cuốn sách mới của mình về cuộc phiêu lưu triết học, Bộ hành cùng Nietzsche: Luận về việc trở thành chính mình”, nhà tư tưởng người Đức đã nhắm đến việc dọa dẫm thay vì dìu dắt chúng ta. “Trở thành chính mình”, câu trích dẫn đã được Nietzsche dùng trong lời đề từ bài luận văn tốt nghiệp của mình, là một câu của nhà thơ người Hy Lạp cổ đại có tên Pindar. Nếu lấy nó ra khỏi bối cảnh, câu này có thể nghe giống như một lời khuyên sáo rỗng được trích trong bất cứ một cuốn sách self-help nào. Xét cho cùng, làm thế nào mà một người có thể thất bại trong việc trở thành chính mình được? Đây chẳng phải là lời khuyên tầm thường nhất hay sao? Câu trích dẫn đầy đủ của Pindar là tuyên ngôn cho một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều: “Học tập và trở thành chính mình”. Nietzsche biết rằng nếu triết học có thể được dùng như một cách để trị liệu, nó sẽ giống như việc dùng phương pháp điện xung cho tâm hồn.

Tác giả John Kaag, giáo sư khoa Triết học tại Đại học Massachusetts đã bắt đầu nghiên cứư và thể nghiệm triết học nhập vai góc nhìn thứ nhất—không phải những thứ khô khan, hàn lâm trong các cuốn sách kinh viện, mà bắt đầu từ những thứ mà ông gọi là “chuyện đời thường”—trong cuốn Chuyện tình Triết học Mỹ. Pha trộn giữa triết học và lãng mạn, Kaag đã kể về việc ông tình cờ có được thư viện của một nhà triết học nổi tiếng ở thế kỉ XX, có một cuộc hôn nhân tệ hại và giờ là chồng của một nhà triết học khác. Khi Kaag và vợ cố gắng bảo tồn tài sản của thư viện, họ không tìm thấy được sự an ủi của triết học. Thay vào đó họ tìm thấy sự siêu việt như triết học của Ralph Waldo Emerson hay thực dụng như triết học của William James. Trong cuộc hành trình, họ bắt đầu thấy tình yêu như một thử thách chứ không phải thứ gì đó ngọt ngào. Trong Bộ hành cùng Nietzsche, Kaag mô tả lý tưởng tình yêu của Nietzsche là một sự kết hợp mang trong mình “ý chí của hai người để tạo ra một thứ gì đó cao cả hơn những người tạo ra nó,” không bị biến thành “một sự ngu ngốc kéo dài.

Cuốn sách của Kaag thể hiện nỗ lực cứu vãn triết học trở về thời kì đầu của nó—để gắn kết nó với hỗn loạn trong trải nghiệm đời thường. Bộ hành cùng Nietzsche khám phá hai luồng tư tưởng có liên quan đến thói đời của cuộc sống hiện đại. Trong Khởi sinh của Bi kịch, Nietzsche có nói đến những tư tưởng về sự suy đồi đạo đức và điều đó làm ông bận tâm suốt cả cuộc đời: “Liệu rằng người ta có đang phải chịu một cuộc sống quá ư thừa mứa?”. Phối hợp giữa tiểu sử cuộc đời, lịch sử học vấn và những bài luận cá nhân, Kaag theo chân Nietzsche trong ba cuộc hành trình: Sự trưởng thành từ thời niên thiếu đến con người báng bổ thần thánh, Kaag đi theo bước chân của Nietzsche qua dãy Alps của Thụy Sĩ, và những nỗ lực của chính bản thân tác giả trong việc theo chân chính mình với người vợ và cô con gái 3 tuổi của họ. Kết quả không chỉ là một dẫn nhập cơ bản tới tư tưởng của Nietzsche, cuốn sách của Kaag, còn là một liều thuốc giải độc cho sự u mê lú lẫn.

Nietzsche, sinh năm 1844, là người tiêu biểu trong việc sống một cuộc đời “không ra gì” mà những liệu pháp và sách self-help ngày nay cố gắng cứu chữa để tìm lại thăng bằng. Ông là một người trẻ tuổi cô độc nhút nhát rất hay tham gia vào những cuộc say rượu ở hai trường đại học mà ông từng theo học, sống một cuộc đời ngắn ngủi và nửa vời. “Thực ra ông không thích bia rượu lắm, mà thích học hành nhiều hơn.”

Sự nghiệp nghiên cứu hàn lâm của Nietzsche được tô điểm bởi nhiều thành công rực rỡ khi còn trẻ. Ở tuổi 24, ông là giảng viên trẻ nhất của Đại học Basel. Nhưng ở tuổi 28, từ một thần đồng ông đã trở thành kẻ lạc loài trong xã hội, mà công lao lớn nhất trong chuyện này là thuộc về cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản, Khởi sinh của Bi kịch. Giống một tác phẩm diễn ngôn sáng tạo hơn là một bài luận đáng tin cậy, tác phẩm đầu tay này đã rời xa khỏi phương pháp luận triết học chính thống và làm đồng nghiệp của ông phẫn nộ. Tác phẩm lý luận rằng có hai trường phái nghệ thuật tồn tại ở Hy Lạp cổ đại: Những người theo phái Dionysus cho rằng nghệ thuật nằm chênh vênh giữa Bản ngã và Thế giới, và những người theo phái Apollo, một mô hình lý thuyết đặt nghệ thuật như một trật tự thay thế cho sự hỗn loạn của thế giới. Mặc dù Nietzsche cho rằng hai lực lượng này tự tăng cường lẫn nhau-và ông ca ngợi bi kịch của sự kết hôn giữa chúng- nhưng lòng trung thành của ông nằm ở phái Dionysus, và cuộc đời của ông đã chứng thực cho điều đó.

Sự thù địch mà Khởi sinh của Bi kịch đã tạo ra giữa các nhà triết học đã củng cố thêm cuộc đổ vỡ của Nietzsche với văn hóa hàn lâm. Năm 1879, khi ông ở tuổi 34, sức khỏe không ổn định đã khiến ông phải rời khỏi vị trí ở Basel, và ông bắt đầu lang thang khắp dãy Apls trong khi tìm cách điều trị chứng đau đầu mãn tính trong suốt thập kỉ tiếp theo—quãng thời gian vừa khốn khổ vừa hào hùng nhất của mình. Người duy nhất được ông yêu đơn phương, nữ tác gia Lou Salomé đã từ chối một cách tàn nhẫn cả ba lần cầu hôn. (Salomé được Nietzsche miêu tả là người thông minh nhất mà tôi từng gặp trên đời, là người có tình trường đầy ghen tị, bà không chỉ chối từ Nietzsche, mà còn cả nhà văn Paul Rée.)

Năm 1889, Nietzsche phải chịu đựng lần sụp đổ đầu tiên đã khiến ông suy nhược cho tới lúc chết: Khi nhìn thấy một người đàn ông cưỡi ngựa qua quảng trường ở Turin, ông đã lấy tay quàng vào cổ con ngựa, òa khóc nức nở và lăn lộn trên mặt đất. Trước đó, ông đã bắt đầu có dấu hiệu của việc bất ổn tâm thần trước khi cơn khủng hoảng này diễn ra. Theo Kaag, Nietzsche bắt đầu ký vào trong thư là “Dionysus” thay vì dùng tên mình, và ông gặp rắc rối với các loại thức ăn trong suốt cuộc đời, chuyển từ chế độ ăn này sang chế độ khác.. Và khi ông vật lộn với bóng ma của sự suy đồi, cuộc sống bất ổn và lưu lạc của ông thể hiện một sự chối từ trước sự u mê trong tinh thần của giới tư sản châu Âu vào cuối thế kỉ.

Năm 19 tuổi, Kaag đã chia sẻ sự bất bình của Nietzsche trong cuộc sống theo kịch bản nhàm chán và sự dễ chịu khiến đời sống hiện đại trở nên dễ dàng. Khi đến Basel trong một nghiên cứu thực địa, Kaag phàn nàn về cảnh vật xung quanh: Nhà ga xe lửa là một thứ “chính xác kiểu Thụy Sĩ”, và đường phố quá thẳng, quá yên tĩnh, quá tầm thường”. Ông ngay lập tức từ bỏ kế hoạch của mình về việc lục tìm tư liệu của Nietzsche trong thư viện của Basel và thay vào đó bắt đầu theo bước hành trình khắc nghiệt của thần tượng của mình “từ Splugen, sau đó là Grindelwald ở chân núi Eiger, sau đó là đèo San Bernardino, tới Sils Maria và cuối cùng là những thị trấn ở phía bắc nước Ý. Tôi muốn “trải nghiệm thứ gì đó, phá vỡ cảm giác tê liệt, để chứng minh rằng mình không mê ngủ”.

Thị trấn Sils-Maria dưới chân núi

Nietzsche đã nuôi dưỡng sự can đảm hay thách thức hiện sinh đến mức nào để khiến Kaag phải lên núi?

“Nó có thể bắt đầu như thế này – trong việc đơn giản là đầu hàng trước một hành động khiến chính người đó cảm thấy thoải mái. Và sau đó còn lại là sự vui vẻ trong chính việc đầu hàng – một cám dỗ lặng lẽ mà thậm chí ngay cả những người có thể điều chỉnh cuộc sống một cách tốt nhất cũng có thể cảm thấy ở một thời điểm nào đó.”

Khi Kaag tiến xa hơn trong cuộc bộ hành với Nietzsche, sự đầu hàng bắt đầu dưới việc ăn quá nhiều, làm ông cảm thấy choáng váng. Cuối cùng khi đã chậm lại, ông lại nghỉ ở một khách sạn xa hoa và gọi một bữa ăn sang trọng thừa mứa.

Sự phản tỉnh của ông mang tính căn bản, và đầy chất Nietzsche: “Ma thuật của cuộc đấu tranh nhân danh chính ta, con mắt của thần Vệ Nữ có thể quyến rũ và làm mù lòa ngay cả kẻ địch của ta, là phép thần diệu của cái cực đoan, là sự quyến rũ mà mọi thứ cực đoan đã thể hiện ra ngoài”. Nietzsche viết trong cuốn “Ý chí Hùng cường”, cuốn sách được xuất bản sau khi ông chết có thể được coi là một kiệt tác. Việc khiêu khích về mặt cốt lõi, tư tưởng chủ đạo và phong cách phi lý này của ông vừa khiến người ta say mê, lại vừa nông nổi.

Người đàn ông Kaag, 37 tuổi đã nhận thức được sự thô sơ, thiếu hiểu biết của một số tư tưởng chủ đạo của Nietzsche, và ông thừa nhận rằng dù có mê đắm người anh hùng của mình đến đâu, ông cũng không hoàn toàn đồng tình với Nietzsche. Nhưng ông cũng không miễn dịch với sự cám dỗ của phái Dionysus. Khi quay lại thị trấn Sils-Maria 18 năm sau cuộc bộ hành, ông vừa than vãn vừa ăn mừng sự trưởng thành của mình. Ông chụp một bức ảnh gia đình và thoáng có cảm giác lo lắng rằng mình đã trở thành một “loài gia súc cười toe toét”. Làm thế nào để kháng cự cảm giác này? Khi quay trở lại với gia đình sau một ngày đi bộ một mình, ông suy nghĩ lại “có lẽ vinh quang của cuộc hành hương không phải là ở sự vất vả, mà là ở những giây phút hiếm có khi ta học được rằng nên chấp nhận những thứ dễ chịu ở nhà”. Điều này nghe có vẻ trái ngược lại với tư tưởng của Nietzsche và dường như Kaag lại đang cổ vũ cho quan điểm về triết học của Wittgenstein.

Nhưng khi quay về Mỹ, ông đã thay đổi quan niệm của mình về câu hỏi chúng ta nên làm thế nào trong việc rèn luyện mình khi đối mặt trước sự suy đồi khó cưỡng của một thế giới theo chủ nghĩa tiêu dùng thích sự dễ chịu. Thông qua ngôn ngữ ẩn dụ mà Nietzsche trong suốt sự nghiệp của mình đã sử dụng một cách không nhất quán, ông là người ủng hộ cho sức khỏe – nhưng nhấn mạnh rằng sức khỏe không đồng nghĩa với việc hưởng thụ. Trái lại, sức khỏe cần những thử thách mà mang lại cho chúng ta thể chất mạnh mẽ. Trong Ý chí Hùng cường, Nietzsche viết,

Gửi những người quan tâm tới tôi, tôi ước rằng họ sẽ bị xa lánh, ốm đau, đối xử tàn tệ, căm giận – tôi ước rằng họ quen với việc khinh miệt bản thân sâu sắc, sự hành hạ của việc ngờ vực chính mình, sự khốn đốn của thất bại: Tôi chẳng lấy làm thương xót cho họ, bởi vì tôi ước một điều duy nhất có thể chứng minh một người có xứng đáng với bất cứ điều gì hôm nay không- đó là họ phải chịu đau khổ.


Kaag đã phải cần tới hai cuộc hành trình tới Alps để nắm bắt được tư tưởng của Nietzsche khuyên chúng ta nên mừng vì sự khốn khổ bởi vì chúng ta có thể né tránh nó nếu như tránh việc phải đương đầu với nó-chỉ khi chúng ta cách ly bản thân khỏi khó khăn, điều mà theo chúng ta cả cuộc đời, ngay cả với những người bình tĩnh nhất. Kaag kết luận rằng đời sống tốt đẹp không cần đòi hỏi sự tự hủy hoại bản thân, mà cần gian khó. “ Bản ngã không nằm yên đợi ta khám phá. Tìm ra chính mình phải được thực hiện bằng hành động, bằng những tiến bộ.”

Cuộc sống vẫn tiếp diễn với Kaag, và sự tự mãn tiềm ẩn cũng nảy nở: “Phần tóm lược được viết một cách đầy trách nhiệm. Hội thảo được tổ chức đàng hoàng. Nhà tắm được dọn sạch sẽ.” Nhưng Kaag đã kháng cự-không phải bằng cách nhịn ăn hay leo núi với đôi giày rẻ tiền, mà bằng cách hồi tưởng lại càng nhiều càng tốt, giữa sự chết và u mê, đó là “mọi thứ đều phải chịu đựng, tăm tối, diệt vong trước khi chúng sống lại một lần nữa. Đây không phải là một sự chạy trốn khỏi cuộc sống mà là một nhận thức sống”. Kaag có lẽ đã thoát khỏi bi kịch của tuổi trẻ, nhưng ông vẫn tiếp tục để triết học nâng tầm mình lên. Nó đã một lần đưa ông tới thẳng vách núi của dãy Alps, tới bờ vực của cơn đói khát. Nó một lần làm ông đổ vỡ trong hôn nhân và truyền cảm hứng để ông có một cuộc hôn nhân khác. Và nó tiếp tục chữa lành chúng ta, không phải bằng việc làm ta cảm thấy tốt hơn, mà bằng cách làm ta khỏe mạnh.

Nguồn: tramdoc
https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2018/10/nietzsches-guide-to-better-living/568375/