Trương Phi thường được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa với hình tượng của một đại tướng quân hữu dũng vô mưu, nhưng Trương Phi thật trong lịch sử là người như thế nào?

Trương Phi thật trong lịch sử là một nghệ thuật gia có tài
Tạo hình Trương Phi trên phim ảnh.

Trong lịch sử Trương Phi là đồng hương của Lưu Bị, luôn có mối quan hệ vô cùng thân thiết với cha con Lưu Bị. Trương Bào, con trai cả của Trương Phi mất sớm. Con thứ là Trương Thiệu, làm quan tới chức Thị Trung. Sau này Trương Thiệu theo hậu chủ Lưu Thiện đầu hàng nước Nguỵ, được phong làm Liệt Hầu. Hai người con gái của Trương Phi đều được gả cho Lưu Thiện, con trai của Lưu Bị.

Dung mạo của Trương Phi

Sự dũng mãnh của Trương Phi đã được ghi chép rất nhiều trong sử sách. Nhưng dung mạo của ông vẫn luôn là một ẩn đố.
Trong cuốn “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ chép rằng: Lưu Bị “tai lớn rủ xuống vai, hai tay quá đầu gối”, nói Hạng Vũ là “mỹ nhiêm cung” (Người đàn ông râu đẹp). Nhưng tướng mạo của Trương Phi xưa nay vẫn không hề ghi chép lại. Hình ảnh Trương Phi trong tiểu thuyết, hý kịch “mặt đen hùng dũng” có thể chỉ là sự tưởng tượng của các nghệ thuật gia mà thôi.

Theo báo cáo khoa học kỹ thuật Bắc Kinh năm 2004, tại doanh sơn của Trương Phi thuộc Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã phát hiện ra bức tượng đá Trương Phi. Đầu bức tượng đá này hoàn toàn khác so với hình tượng Trương Phi trong tiềm thức của con người ngày nay. Bức tượng đá này cao chừng 4, 5m, rộng gần 3m, chỉ có phần đầu, không có phần thân và tứ chi. Điều kỳ lạ là vị “Trương Phi” này khuôn mặt nhân từ, tai dài, môi dày, trên mặt lại chẳng có lấy một sợi râu. Sở nghiên cứu văn vật khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên từng tiến hành đo đạc và giám định chuyên môn về bức tượng hình đầu người này, và nói rằng bức tượng đá này được xây dựng vào thời nhà Đường.

Đây có phải là Trương Phi không thì các chuyên gia khảo cổ vẫn chưa có kết luận. Nhưng theo truyền thuyết lâu đời tại địa phương, thì những người thợ thời Đường tạc lên vì muốn tưởng niệm “ngũ hổ thượng tướng” Trương Phi, người đã dựa vào sức mình cất tiếng hát khiến cầu Đương Dương phải gãy, chấn nhiếp được ngàn vạn quân địch ngay tại nơi Trương Phi đóng doanh trại. Dù thời Đường cách thời Tam Quốc cũng khá xa xôi, nhưng đây là lần đầu tiên có sự xuất hiện dung mạo của Trương Phi. Sự xuất hiện của bức tượng đá đã khiến con người ngày nay phải thẩm tra lại dung mạo chân thực của Trương Phi trong lịch sử.

Trương Phi tinh thông thư pháp, giỏi vẽ tranh

Lịch sử cũng ghi chép rằng Trương Phi biết làm thơ, giỏi vẽ tranh, và ông còn là một nhà thư pháp, một vị tướng quân văn võ song toàn.
Những ghi chép sớm nhất về thư Pháp của Trương Phi được ghi lại trong cuốn “Đao kiếm lục” của Đào Hoành Ảnh thời Nam Bắc triều. Trong sách ghi lại rằng khi Trương Phi bái nhận chức vị Tân đình hầu, đã tự mình dùng kiếm khắc chữ “Tân đình hầu, Thục đại tướng dã.”
Cuốn “Đan Diên Tổng Lục” thời Minh cũng ghi lại rằng: “Phù Lăng có Trương Phi dùng binh khí khắc chữ. Văn tự vô cùng tinh tế, nét vẽ như bay lượn.”
Tào Học Thuyên, nhà sử học thời Minh cũng ghi lại trong cuốn 28 của bộ “Thục Trung Danh Thắng Ký”, rằng tại huyện Cừ, phủ Thuận Khánh có núi Bát Sơn, dưới chân núi có một hòn đá, đề rằng: “Trương Phi, tướng nhà Hán thống lĩnh hàng vạn tinh binh đánh bại quân địch tại núi Bát Sơn”. Như vậy là Trương Phi tự mình khắc chữ lên đó.

Năm 1961, trong cuốn “Giản lược và giai thoại về danh gia thư pháp chữ Chính Khải” do Liễu Phổ Khánh viết, cũng nói rằng, những nhà thư pháp của Trung Quốc không chỉ hạn cuộc trong giới văn nhân, trong đó cũng có không ít võ tướng, như Trương Phi, Nhạc Phi. Trong số đó những vị tướng lĩnh văn võ song toàn nhiều vô kể, như Nhan Chân Khanh, Phạm Trọng Yêm. Những tư liệu này có thể chứng minh rằng Trương Phi không chỉ viết đẹp, mà thư pháp còn vô cùng tinh xảo.
Về tài vẽ tranh của Trương Phi, cũng có những ghi chép sớm nhất trong cuốn “Thư Tuỷ Nguyên Thuyên” do Trách Nhĩ Xướng thời Minh viết, sách chép rằng Trương Phi thích vẽ mỹ nhân, giỏi vẽ cây cỏ.
Cuốn “Lịch Sử Hoạ Trinh Lục” cũng viết rằng: “Trương Phi, người Trác Châu, giỏi vẽ mỹ nhân.”

Trương Phi thêu hoa, trong thô có sự tinh tế

Về nghệ thuật Trương Phi có những thành tựu hơn người, ngẫm ra thì ắt hẳn ông tuyệt đối không thể là kẻ thô tục hữu dũng bất tài, không thể nhẫn nhịn.
“Tam Quốc Chí” và một vài tư liệu chính sử cũng ghi lại rằng Trương Phi “chuyện nhỏ thô lỗ, trong thô có tinh, đại sự có mưu, mưu lược hơn người.” Khác với Quan Vũ coi thường những người dáng vẻ Nho sinh, Trương Phi lại thích gần gũi với văn nhân nhã sỹ. Trong “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ cũng viết: “Hạng Vũ thiện đãi binh lính mà kiêu ngạo với sĩ đại phu, Trương Phi kính bậc quân tử mà thương xót kẻ tiểu nhân.”
Câu “Trương Phi thêu hoa, thô trung hữu tinh”, ý rằng “Trương Phi thêu hoa, trong thô có sự tinh tế” bắt nguồn từ câu chuyện được lưu truyền trong dân gian như sau:
Chuyện kể rằng năm đó quân Thục chuẩn bị công phá quận Ba, Khổng Minh dẫn 15 nghìn quân cùng đi với Trương Phi. Khổng Minh thần thái luôn tự tại, nhưng lúc này cũng lộ ra đôi nét âu lo.

Hoá ra là khu vực Tây Xuyên hào kiệt rất nhiều, chiến tướng như nước, Khổng Minh lo sợ Trương Phi tự cho rằng mình dũng mãnh mà coi thường quân địch, làm hỏng đại sự. Nhưng Nghiêm Nhan, thái thú quận Ba dẫu tuổi đã cao nhưng cung pháp, đao pháp vẫn vô cùng cao siêu, trước mắt chỉ có Trương Phi có thể ứng phó, nên đành phải để Trương Phi dẫn quân.
Chuyện này nên làm thế nào? Khổng Minh đắn đo suy nghĩ, cuối cùng cũng nghĩ ra được cách hay. Hôm đó, Khổng Minh cầm một chiếc kim thêu và chỉ thêu, đặt vào tay Trương Phi nói rằng: “Trương tướng quân, công phá quận Ba là một trận chiến gian khổ, hãy thả lỏng một chút, thêu hoa đi!” Trương Phi trong lòng buồn bã, nhưng một phần là vì không tiện từ chối quân sư, phần khác là ông cũng rất muốn biết trong hồ lô của Khổng Minh lần này ẩn giấu huyền cơ gì, bèn y lời mà làm!

Trên đường đội quân tiến vào quận Ba, mỗi lần Khổng Minh thấy Trương Phi trách mắng binh sỹ, tâm khí nóng nảy, Khổng Minh lại tới chỗ Trương Phi bảo ông thêu hoa. Vị “Trương Phi dũng mãnh” này đã quen cầm giáo mác, đàm luận chuyện binh đao đương nhiên là được, nhưng lại không có cách nào cầm được cây kim bé tẹo. Trương Phi mặt ủ mày chau, mặc dù trong tâm rất không cam lòng, nhưng vì thể diện, ông đành phải thêu từng đường kim mũi chỉ. Cứ như vậy, Trương Phi chưa thêu hoa xong, thì với sự vận dụng sách lược phù hợp, ông đã đánh bại Nghiêm Nhan, hoàn thành nhiệm vụ quân sư giao phó.
Sau này Trương Phi nhắc lại chuyện thêu hoa với Khổng Minh, Khổng Minh bèn nói rằng: “Trương tướng quân binh đao lão luyện, chân pháp cũng hơn người, dùng trí mà thu phục được Nghiêm Nha, tiến vào chiếm cứ quận Ba, quả thực là trong thô hữu tinh, văn võ kiêm toàn!”
Thực ra Khổng Minh chỉ là mượn việc thêu hoa để Trương Phi có thể tĩnh tâm lại. Tâm có thể tĩnh, mới suy xét được cặn kẽ, chu toàn, tự nhiên ắt sẽ nghĩ được phương sách ứng chiến hay. Thêu hoa chỉ là biện pháp, khiến Trương Phi có cẩn trọng mới là mục đích.

Bài thơ mở đầu “Lâm Giang Tiên” của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có lời rằng:
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.
Dịch nghĩa (Thivien.net):

Nước sông Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,
Bọt sóng tung lấp vùi hết anh hùng.
Đúng sai, thành bại cũng đều biến thành không.
Chỉ có núi xanh vẫn mãi như xưa,
Dù trải bao lần ráng chiều soi đỏ.

Những người chài cá và tiều phu đầu bạc trên bến sông,
Đã quen nhìn trăng thu, gió xuân (ý nói từng trải).
Một vò rượu đục, vui mừng gặp nhau.
Xưa nay bao nhiêu chuyện đã qua,
Đều mang vào trong những cuộc chuyện, tiếng cười.

Biết bao công danh hiển hách đều theo dòng nước cuồn cuộn đổ về dòng trương gian lịch sử, chớp mắt đã qua đi. Biết bao sự thực trong lịch sử, cũng vô tình chìm đắm trong dòng chảy của tháng năm. Những gì thực sự lưu lại tiếng thơm nơi hậu thế, chỉ có thể là nội hàm tinh thần vĩnh viễn chẳng thể mai một.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Nguồn: trithucvn