Một trong những điểm độc đáo của thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) là những con đường được đánh số từ 1 đến 10 chạy từ Đông sang Tây. Bắt đầu từ Nhất Tâm ở phía Nam và kết thúc là Thập Toàn ở phía Bắc, những con đường này chính là khu vực trung tâm thành phố.

Cao Hùng có lịch sử với nhiều huyền thoại, từ những hầm vàng núi Takao đến những hòn đảo nhỏ án ngữ cửa biển vào sông Tình Yêu. Cao Hùng có quá khứ độc đáo, tuy nhiên việc thành phố có 10 con đường được đánh số thứ tự là việc ít người để ý đến, kể cả những người sinh sống ở đây lâu năm.

Nếu các thành phố lớn khác, đường phố sẽ được bố trí rõ ràng, song song với nhau và nổi bật trên bản đồ với quy tắc Bắc – Nam hoặc Đông – Tây thì ở Cao Hùng những con đường này được bố trí như hình một lưới nhện. Những ngày đầu ở Cao Hùng, khi lang thang khu phố trung tâm này với kinh nghiệm sẵn có theo quy tắc truyền thống ở các thành phố khác tôi đã nhiều lần bị mất phương hướng với 10 con đường này.

Nguồn gốc tên gọi 10 con đường này được hình thành sau nhiều lần thành phố đổi chủ. Bắt đầu từ thực dân Hà Lan cách nay hơn 400 năm và cuối cùng là sự tiếp quản của chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch năm 1945. Trong 1 thế kỷ đã có 3 lần thay đổi lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Tuy vậy trái tim của thành phố cổ là khu vực nằm gần bến phà Cổ Sơn, làng Hamasen. Đây là khu vực có những khu làng đầu tiên của Cao Hùng được xây dựng. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, khu vực này được phát triển thành bến cảng và kho hàng chiến lược phục vụ các chiến dịch ở Thái Bình Dương. Khi Tưởng Giới Thạch tiếp quản Đài Loan năm 1945, ông ta đã ban hành sắc lệnh thay đổi tất cả tên đường phố có hơi hướng văn hóa Nhật Bản thành những cái tên mang bản sắc văn hóa Trung Hoa.

Tên đặt cho 10 con đường này cũng dùng những từ không phổ thông trong đời sống hiện nay. Trên bản đồ, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy đường Tam Đa nhưng đường Nhất Tâm, Nhị Thánh thì phải tìm thật kỹ mới có thể thấy được chúng nằm ở đâu.

Tam Đa là khu thương mại nổi tiếng mà du khách đến Cao Hùng không thể không đến với các trung tâm FE21 Mega, Sogo và khu chợ đêm nổi tiếng thu hút các bạn tuổi teen. Tam Đa nghĩa là ba thứ cần có nhiều ở đời, gồm Đa phúc, Đa lộc và Đa thọ (nhiều con cháu, nhiều tiền bạc do chức vụ cao, và sống lâu).

Trung tâm thương mại FE21 Mega trên đường Tam Đa

Ở bên dưới Tam Đa về phía nam là Nhất Tâm và Nhị Thánh. Nhất Tâm có nghĩa là “một lòng một dạ” ca ngợi tinh thần đoàn kết để xây dựng quốc gia. Nhị Thánh là nói đến Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên. Nhị Thánh biểu thị cho hai điều quan trọng, sự kết hợp giữa dân sự và quân sự để hợp nhất thành sức mạnh chinh phục.

Sau Tam Đa là Tứ Duy và Ngũ Phúc là những con đường song song với nhau hướng ra phía cảng Cao Hùng và cùng được gọi là Đại lộ. Nằm trên Tứ Duy là tòa thị chính Cao Hùng và những quán bar kiểu châu Âu cổ điển. Tứ Duy là 4 điều đại diện cho một quốc gia nên có là: Lễ (lễ độ, khiêm tốn), Nghĩa (chính nghĩa), Liêm (liêm khiết, trong sạch), Sỉ (danh dự).

Ngũ phúc chính là Năm điều may mắn ở đời, gồm Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Đại lộ Ngũ Phúc đã xuất hiện nhiều trên các phim điện ảnh Đài Loan, Hong Kong với những cảnh rượt đuổi, đánh đấm trên con lộ này.

Đường Ngũ Phúc nhìn từ đỉnh núi Takao

Thứ sáu là đường Lục Hợp, con đường nổi danh với chợ đêm ẩm thực mà bất cứ du khách nào đến Cao Hùng cũng phải tới một lần. Lục hợp trong tử vi chính là 6 cặp Địa chi khi kết hợp lại với nhau, tạo nên sự may mắn cho nhau, làm ăn thịnh vượng, phát tài. Hàng ngày từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau, một đoạn đường Lục Hợp sẽ được ngăn lại thành phố đi bộ với hàng trăm quầy hàng bán đủ món đặc trưng cho ẩm thực Đài Loan.

Chợ đêm Lục Hợp

Thứ bảy là đường Thất Hiền giống như một phiên bản thu nhỏ của Las Vegas với ánh đèn neon của sòng bạc và các khu giải trí. Thất Hiền hay còn gọi là Trúc Lâm Thất Hiền là tên dân gian gọi nhóm bảy học giả, nhà văn và nhạc sĩ theo trường phái Đạo giáo sống trong rừng trúc đầu thời nhà Tấn.

Cổng cảng Cao Hùng trên đường Thất Hiền

Vào thời nhà Tư Mã thành lập Tây Tấn, chủ trương chuộng Nho giáo, 7 vị học giả này cảm thấy mình không phù hợp bèn bỏ đi lên rừng trúc sống ẩn dật, tiêu dao tự tại, đàn hát uống rượu vui vẻ. Chủ trương của họ tuy không phải là giống nhau hoàn toàn, nhưng đều có xu hướng chung là chỉ trích phê bình những điểm gian trá và hèn hạ của thói quan liêu trong triều đình Tây Tấn bấy giờ. Thời nay, Thất Hiền có nghĩa là tình bạn tốt.

Thứ tám, là đường Bát Đức, con đường này khá kỳ lạ vì phần cuối đoạn 1 của nó đột nhiên dừng lại rồi phần 2 lại tiếp tục xuất hiện ở phía bên kia đường Tự Lực nhỏ xíu như một con ngõ. Bát Đức nghĩa là Hiếu, Đễ, Trung, Tín , Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Góc đường Bát Đức

Đường thứ chín, Cửu Như, là một con đường rộng kéo dài qua hai đầu thành phố,  hướng qua Fongshan và ngược lại qua sông Tình, quay về phía bắc đến Cổ Sơn. Đường này có lối vào phía bắc của ga xe lửa Cao Hùng, cũng như Bảo tàng Khoa học ở quận Tam Dân.

Cửu Như đại diện cho chín điều ước, lời chúc tốt lành là Trời giúp người, chẳng gì không hưng thịnh. Đó là:  1. như núi 2. như gò, 3. như sườn non 4. như đống to, 5. như sông vừa khắp, để cho chẳng đâu không tăng thêm, 6. như trăng mãi còn, 7. như mặt trời lên, 8. như Nam Sơn bền lâu, 9. như cây tùng cây bách tươi tốt, chẳng lúc nào không nối tiếp.

Cổng nhà ga cổ trên đường Cửu Như

Và cuối cùng là Thập Toàn, con đường nổi tiếng với chợ đá quý họp tuần 3 phiên và chợ đồ cũ thu hút rất nhiều người đến mua bán. Thập Toàn phản ánh nhu cầu về sự hoàn chỉnh và hoàn thiện trong tiếng Quan thoại truyền thống.

Mặc dù tất cả 10 cái tên được sử dụng để đặt tên cho 10 con đường của Cao Hùng không được sử dụng phổ biến trong giao tiếp ngày nay, chúng vẫn phản ánh nhu cầu duy trì một ước mong thống nhất và quyền công dân trong thời kỳ lịch sử dễ bị tổn thương của xứ đảo Đài Loan.