Nếu nói đây là một triển lãm tranh qua sách, có lẽ không đủ. Nếu nói đây là một tuyển tập, bao gồm rất nhiều những bức tranh cũ mới trong suốt hơn sáu chục năm vẽ không ngừng của họa sĩ Trịnh Lữ, có lẽ vẫn là chưa chuẩn. Như Lời chào, lời nhắn nhủ nhỏ ở đầu sách này, do chính tay tác giả Trịnh Lữ viết, bước vào cuốn sách này, bạn đọc như được mời đến nhà dùng trà, cùng ngắm tranh, rồi tâm tình đôi ba câu chuyện quanh tranh, quanh trà… Từ chuyện tranh mà nghe ra cả chuyện người, chuyện mình, nghe ra cả những nhân tình thế thái… đầy nhẹ nhàng, sâu lắng.

Không chỉ là một cuốn sách hay và đẹp, cái hay của cuốn sách chính là, người đọc là người xem tranh, là người thưởng tranh, biết về Trịnh Lữ vẽ thuở lên 5 lên 6 cho đến Trịnh Lữ của những ngày đã 70; biết về những câu chuyện rất riêng của tác giả, những người thân ruột thịt, những tháng ngày ham vẽ hơn ham học tích phân hàm số…; nhưng rồi thành ra chuyện riêng chung lúc nào không hay… Nghe ông kể chuyện rồi ngắm tranh ông vẽ, rồi như được trò chuyện, được đối thoại với một con người, một cảnh vật, một bình hoa, một mùa xuân này, một cảnh mùa thu rơi kia…, khi thì nhẹ nhàng, đôi khi như thủ thỉ, đôi khi như tâm tình, có lúc lại đáng yêu, và dí dỏm vô cùng….Để thấy mọi sự quanh mình đều có lời riêng, đáng trân quý vô cùng… Nghe tâm tình rồi cái tâm của ta cũng sinh tình, mà nở hoa…

Bố cục sách:

Trịnh Lữ bày chữ, chọn tranh theo những mảng đề tài sáng tác của mình: Chân dung; Tĩnh vật và Phong cảnh. Tưởng là tách rời, nhưng hóa ra không phải. Tưởng là xa lạ mà hóa ra thân quen lúc nào. Để rồi nhận ra tại sao tác giả lại bảo “Vẽ gì cũng là tự họa”… Bên cạnh đó là phần “Gỗ và lửa – ái tình còn đang làm”, chưa xong.

Chính bởi vậy Trịnh Lữ không cho đây là một triển lãm “hồi cố”, vì ông vẫn đang làm, đang vẽ tiếp. Vậy là câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại trong sách này, hy vọng của tác giả là, rồi dịch bệnh qua đi, những người yêu tranh, có thể thực sự ngồi xuống cùng nhau, mà trò chuyện về tranh.

Nhận xét về Trịnh Lữ:

“Ông thủa thanh niên làm phát thanh viên tiếng Anh ở Đài tiếng nói Việt Nam, rồi qua Mỹ sống hơn 20 năm, dịch sách, vẽ tranh, triển lãm, làm nhiều nghề khác nữa, kiếm sống cũng đơn giản như bất cứ người lao động nào, cho đến tận bây giờ, khi đã ngoài 70 tuổi. Ngoài tất cả những cái đó ra, tôi có cảm giác, ông vẫn như thế trong suốt cuộc đời mình – nhẹ nhàng sống và làm việc, không tranh đoạt, gay cấn với cái gì, không thay đổi cách vẽ, cách viết. Đó chính là cái hơi lạ, vì một người đã vẽ ít nhất 50 năm qua, mà dường như bút pháp vẫn thế, được định hình ngay từ đầu. Nét bút cũng không già đi theo năm tháng.” – Phan Cẩm Thượng

“Trịnh Lữ vẽ trực họa. Ông vẽ chân dung con người, phong cảnh thiên nhiên, tĩnh vật đặc tả, các loại hoa và những vật dụng thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Vật liệu sử dụng trong tranh của ông chủ yếu là mầu nước, phấn mầu, sơn dầu. Trịnh Lữ là họa sỹ có ngôn ngữ biểu hiện rất tinh tế trong kỹ thuật thể hiện trạng thái tâm lý con người và cảnh vật thiên nhiên.
Trịnh Lữ vẽ, trước tiên là để cho mình. Ông kể lại câu chuyện của chính mình một cách trung thực những gì ông cảm thấy, quan sát thấy về cuộc sống mà ông đã và đang trải nghiệm. Trịnh Lữ là mẫu người duy mỹ đặc biệt mà tôi được biết. Ông tin tưởng chắc chắn rằng: Thế giới này thật đáng sống, con người thật hiền hòa tử tế trong thiên nhiên đầy quyến rũ mộng mơ.” – Đào Châu Hải

Thông tin tác giả

Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội, thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang, năm 1993 ông được tờ Ithaca Journal trao giải “Nghệ sĩ của năm” với cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Ithaca – New York khi đang theo học ở Cornell. Sau đó, Trịnh Lữ có thêm các cuộc triển lãm cá nhân vào năm 1994 tại Ithaca, NewYork, Mỹ; năm 2015 tại Hà Nội, Việt Nam và năm 2017 tại Shorewood, WI, Mỹ. Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn  nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật. Lớn lên trong môi trường ấy, hầu như các anh chị em của Trịnh Lữ đều phát triển thiên hướng nghệ thuật.

Trong những năm tháng xa xứ, với việc sáng lập Vietnam Opportunities – tờ tin đầu tiên của một cá nhân Việt Nam tại Mỹ, Trịnh Lữ được nhìn nhận như người khai phá, mở đường đưa Việt Nam đến Mỹ từ góc độ báo chí. Tờ báo ra mỗi tháng 2 số, mỗi số 16 trang, từ 1995 đến cuối 1996 thì dừng lại khi quan hệ Việt – Mỹ tiến triển.

Ở vai trò dịch giả, Trịnh Lữ từng được giải thưởng liền trong hai năm 2004 – 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Các cuốn sách ông đã dịch: Cuộc đời của Pi, Hội hoạ Trung Hoa, Utopia, Rừng Na Uy, Trần trụi với văn chương, Con nhân mã ở trong vườn, Biển, Người trong bóng tối, Truyện ngắn Úc, Đại gia Gatsby, Nhập môn nghiên cứu dịch thuật, Bàn về Nhiếp ảnh, Nghệ thuật & Tâm thức sáng tạo, Natural Colour, Calling March.

Ngoài ra, ông còn viết sách cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh: Đi vẽ – Nhật ký hội hoạ 2014, Form Communities & For Communities, Impact & Sustainability, Equity in Health.